Nước Mỹ dưới thời Tổng thống G. Bush: Bức tranh ảm đạm

Kinh tế giảm sút, giá lương thực, thực phẩm leo thang, hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính phá sản, uy tín và vị thế của Mỹ đi xuống. Đó là những gì nước Mỹ đang trải qua khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, cử tri Mỹ bầu chọn vị Tổng thống mới thay thế ông G. Bush.

Trước khi tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1/2001, Tổng thống George W. Bush thừa hưởng khoản thặng dư ngân sách liên bang 128 tỷ USD do ông Bill Clinton để lại. Trong 8 năm, dưới sự cầm quyền của ông Bush, năm nào ngân sách liên bang cũng thâm hụt. Năm tài khoá kết thúc vào ngày 30/9/2008, thâm hụt ngân sách lên tới 407 tỷ USD, tăng 153% so với mức thâm hụt tài khóa trước đó và năm 2009 dự kiến lên tới 438 tỷ USD.

Thâm hụt ngân sách gia tăng mỗi năm càng làm tăng gánh nặng nợ quốc gia của Mỹ. Cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng, địa ốc khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Quan trọng hơn, nó chứng tỏ Washington đã đánh mất vai trò siêu cường của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu, bằng chứng là nhiều quốc gia không dùng đồng USD trong thanh toán thương mại.

Kể từ năm 2003 tới nay, khoản nợ quốc gia của Mỹ mỗi năm tăng thêm hơn 500 tỷ USD. Đến tháng 9/2008, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 9.700 tỷ USD, chia bình quân mỗi người dân Mỹ phải cõng khoản nợ lên tới 31.700 USD/người.

Nước Mỹ trong 8 năm cầm quyền của ông Bush sa vào 2 cuộc chiến chưa có hồi kết tại Iraq và Afghanistan. Hiện Mỹ có khoảng 36.000 quân đồn trú ở Afghanistan, nhưng tàn quân Taliban hiện nay lại hoạt động mạnh hơn bao giờ hết tại các khu vực miền núi hẻo lánh giáp Pakistan và gia tăng các vụ tấn công trả đũa. Theo thống kê, kể từ năm 2001 đến nay, đã có 519 lính Mỹ tử trận tại chiến trường Afghanistan.

Trong khi đó tại Iraq, Mỹ có khoảng 144.000 quân. Trong vòng 5 năm qua, gần 4.000 lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq nhưng tình hình an ninh - chính trị nước này vẫn trong tình trạng “mong manh”. Bước vào năm 2008, cuộc chiến tranh Iraq đã tiêu tốn của Mỹ 400 tỷ USD, trung bình 12 tỷ USD/ tháng. Cuộc chiến này cũng gây ra chia rẽ và bất an trong xã hội Mỹ. Đa số người dân Mỹ cho rằng, cuộc chiến Iraq đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn đối với người đóng thuế Mỹ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị chao đảo và rơi vào thời kỳ suy thoái. Mối quan hệ Mỹ - phương Tây, do cuộc chiến tại Iraq cũng trở nên xa cách.

Sau 8 năm dưới thời Tổng thống G. Bush, hình ảnh một nước Mỹ siêu cường đang dần mai một trong con mắt thế giới, do chính sách ngoại giao đơn cực, áp đặt của chính quyền Bush và sự nổi lên của các đối thủ mạnh như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Thông tin sai lệch của tình báo Mỹ về vũ khí huỷ diệt, cũng như chính sách đơn phương áp đặt của Washington và tiêu chuẩn kép được Mỹ áp dụng trong các vấn đề quốc tế; từ cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, của CHDCND Triều Tiên đến việc công nhận độc lập cho Kossovo thuộc Serbia, dẫn đến đòn phản công của Nga công nhận độc lập cho 2 khu vực Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Gruzia; từ việc “xuất khẩu” dân chủ, nhân quyền theo kiểu Mỹ nhưng lại ngược đãi tù nhân trong các nhà tù Guantanamo và Abu Ghraib ở Iraq, khiến uy tín của Mỹ xuống mức thấp nhất.

Tưởng như tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một thành công ngoại giao của chính quyền Bush khi Bình Nhưỡng phá huỷ tháp làm lạnh của lò phản ứng Yongbyon và công bố hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, tiến trình này hiện nay lại rẽ sang hướng khác khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lại lò phản ứng Yongbyon do Washington không đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Có lẽ thành tích ngoại giao hiếm hoi nhất của chính quyền Bush chính là Hiệp định hợp tác hạt nhân Mỹ - Ấn Độ vừa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Sau 2 nhiệm kỳ của Tổng thống G.Bush, nước Mỹ đang ở vị thế thấp nhất và phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong nước lẫn trên quốc tế. Dù ai  trong số 2 ứng cử viên: John Mc.Cain của Đảng Cộng hoà hay Barack Obama của Đảng Dân chủ trở thành chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng cũng phải gánh trên vai một di sản dang dở, nặng nề mà ông G.Bush để lại sau 8 năm cầm quyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên