Biểu tượng của tinh thần hiếu học

Văn Miếu-Quốc Tử Giám là một trong những di tích lịch sử, văn hóa giàu ý nghĩa trên đất Hà Thành. Trong những ngày Đại lễ, hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám lại càng đẹp đẽ, thiêng liêng

Sử sách có chép Văn Miếu được xây dựng vào tháng 10/1070 (đời vua Lý Thánh Tông). Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và nhà giáo Chu Văn An.  Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám, kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi khắp cả nước. Với 700 năm hoạt động (1076 - 1802), Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.

Trong những ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, thu hút rất đông du khách.

Đội tế lễ của phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đang dâng hương tưởng nhớ công lao của các bậc thánh hiền được thờ trong Văn Miếu. Những hoạt động như thế này được tổ chức khá thường xuyên trong Đại lễ để bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy vĩ đại của nhiều thế hệ Việt Nam.  

Vừa được chứng kiến các buổi tế lễ, xem triển lãm thư pháp, du khách vừa được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nơi được quan tâm nhất là Khuê Văn Các và hai khu vườn bia. Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805 (triều Nguyễn) gồm 2 tầng, 8 mái. Sở dĩ có tên Khuê Văn Các là do tầng trên công trình bốn mặt đều có cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra bốn phía, tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng. Khuê Văn Các  là nơi tổ chức bình các bài văn thơ hay của các sĩ tử.

Ngày nay, Khuê Văn Các còn được lấy làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Hai khu nhà bia lưu giữ 82 bia Tiến sĩ dựng từ năm 1484 đến năm 1780, ghi tên, quê quán của các vị Tiến sĩ của 82 khoa thi. Ðây chính là những di vật quý của khu di tích.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú với lối kiến trúc của nhà bia. Ngô Việt Cường, sinh viên năm thứ 2 khoa Kiến trúc, trường Đại học kinh doanh công nghệ, là hướng dẫn viên du lịch tình nguyện, giải thích về kết cấu của ngôi nhà này cho du khách. Cường đang thực hiện bài tập vẽ bản ghi nhà bia ở đây. Việc vẽ lại bản ghi các công trình cổ như thế này giúp chúng ta lưu giữ được một cách chính xác kết cấu của công trình, giúp cho việc bảo tồn, trùng tu di tích.

Sau khi nghe Cường giải thích, ông Hoster Willi, một kiến trúc sư ở thành phố Franfurt, nước Đức tỏ ra rất khâm phục cách thiết kế và xây dựng của người Việt xưa: “Những người xây dựng nên Văn Miếu- Quốc Tử Giám có cách rất hay. Họ sử dụng những vật liệu rất bình thường nhưng nhờ cách tính toán chính xác, nên ngôi nhà rất chắc mà vẫn rất đẹp”.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Những sinh viên như Cường là thế hệ tương lai của đất nước, những người sẽ tiếp tục bảo tồn các công trình như Văn Miếu Quốc Tử Giám và duy trì tinh thần hiếu học của dân tộc. Ngô Việt Cường cho biết: “Em đang học Đại học. Khi đến trường Đại học đầu tiên, em cảm thấy tự hào vì mình đang tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha. Chúng em đi vẽ thế này gặp rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước và có dịp trao đổi với họ để hiểu thêm về Văn Miếu-Quốc Tử Giám”.

Tháng 3 vừa qua, 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Sự kiện này càng làm dấy lên niềm tự hào của người dân Việt Nam. Có những người lần đầu tiên đến Hà Nội đã chọn địa điểm thăm quan trước tiên là Văn Miếu Quốc Tử Giám, như bà Marie Jeanne, một Việt kiều Đức xa Việt Nam đã hơn 30 năm. Bà Marie, có tên gọi Việt Nam là Ngọc xúc động: “Hồi trước tôi không biết Hà Nội. Bây giờ tôi mới có dịp đến Thủ đô và thấy rất đẹp. Tôi sẽ còn về Hà Nội để viết về nơi đây, viết về đất nước Việt Nam”.

Tấm lòng của những người con đang sống trên quê hương Việt Nam như Ngô Việt Cường, hay những người ở xa như bà Marie Jeanne góp phần lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ngọn lửa của tinh thần hiếu học được nhóm lên tại nơi đây hơn 900 năm trước sẽ còn cháy mãi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên