Dòng sông soi bóng kinh thành

Nói tới Hà Nội, không chỉ có Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa mà còn có sông Hồng- con sông bồi đắp nên những làng quê trù phú, dệt nên miền văn hóa rực rỡ trước khi hòa vào biển mẹ.

Người xưa gọi sông Hồng bằng cái tên giản dị: sông Cái, tức là sông Mẹ. Con sông bao đời trĩu nặng phù sa đem nước về cho ruộng đồng tươi tốt, bồi đắp nên những miền quê trù phú, với đôi bờ tre nghiêng bóng nước, và nền văn hóa canh cửi thấp thoáng sau nét cong vút giữa nền trời xanh của những mái đình, mái chùa cổ kính.

Nói cách khác, đó chính là nét văn hóa đặc trưng mà nền văn minh lúa nước in dấu trên vùng châu thổ Bắc bộ nói chung, miền văn hóa Thăng Long- Hà Nội nói riêng. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết:“Ngay từ thời Nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương cũng như sau này Lý Công Uẩn chọn Thành Đại La đều nằm 2 bên bờ sông Hồng. Có thể nói sông Hồng như một nguồn sữa để nuôi sống cư dân không chỉ của đô thị này mà đô thị này là trái tim của đất nước”.

Nhưng rồi, sông Hồng cũng bao phen sắc tiếng gươm đao, nhấn chìm quân cướp nước. Thế kỷ 13, tại bến Đông Bộ Đầu, tướng Trần Khánh Dư tập kích đánh tan quân Mông Cổ. Trận Chương Dương, lần thứ 2, giặc lại ôm nỗi nhục thất bại về đến nước mà vẫn tim đập, chân run. Cũng dòng sông ấy, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, chứng kiến cuộc đại bại của 200.000 quân Thanh khi Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cắt cầu phao bỏ chạy về phương Bắc. Dòng sông nhuộm đỏ máu quân thù… 

Sông Hồng - dòng chảy văn hoá, lịch sử đất Thăng Long (Ảnh: internet+)

Những chiến công hiển hách của cha ông, những biến thiên của lịch sử đã để lại nơi đây tầng tầng, lớp lớp văn hóa. Di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long cho thấy, sông Hồng đã in dấu vào từng lớp lang văn hóa của mảnh đất Thăng Long- Hà Nội, khẳng định lịch sử tồn tại phát triển lâu đời của kinh đô xưa.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê cho biết: “Hà Nội là vùng bồi tụ cách đây khoảng 4.000 năm. Lúc bấy giờ có đợt biển lùi hình thành vùng thượng châu thổ sông Hồng nên nền tảng địa tầng không vững. Ông cha ta đã sáng tạo ra cách làm móng rất hay tạm gọi là móng trụ, móng bè. Đây là kho tư liệu cực kỳ phong phú và trung thực giúp chúng ta nghiên cứu về cấu trúc Hoàng thành”.

Sông Hồng 4.000 năm là dòng chảy khát vọng trị thuỷ của người Đại Việt, nay lại mang trên mình những cây cầu của khát vọng vưon lên. Cầu Long Biên hơn 100 tuổi, từng vang nhịp bước đoàn quân kéo về giải phóng Thủ đô tháng 10/1954.

Sông Hồng từng rộng ràng tiếng sóng hoan ca hoà cùng tiếng reo vui của người dân Hà Nội trong ngày đất nước trọn niềm vui chiến thắng. Rồi những cây cầu: Thăng Long, Chương Dương của Thủ đô những năm đầu đổi mới. Và ngày nay là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy như những cánh tay dài nâng thành phố 1000 tuổi bay lên.

Sông Hồng còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho bao tâm hồn nghệ sỹ. Nhạc sỹ Vĩnh Cát, người viết bản giao hưởng “Đây sông Hồng- sông Cái” tâm sự: “Qua chương “Soi bóng kinh thành” tôi muốn thể hiện nhịp đập cuộc sống Hà Nội xưa và nay ánh xuống dòng sông. Đến chương 2 tôi muốn nêu lên vẻ đẹp đặc trưng của sông Hồng tức là màu đỏ phù sa lấp lánh dưới ánh mặt trời và ánh điện ban đêm. Sang đến chương thứ 3 là chương nhẹ nhàng uyển chuyển với chủ đề mãi dạt dào ơi dòng sông để thể hiện dòng sông mãi hướng về biển cả như cuộc đời của con người, của thành phố luôn hướng về phía trước”.

Còn với nhiều người dân Hà Nội, sông Hồng là nơi lưu giữ những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, là dòng sông tắm mát, dung dưỡng tâm hồn để khi nghĩ về một thủa xa xưa, lòng thấy yêu Hà Nội hơn.

Bà Trương Thị Kim Dung ở phố Trần Nhật Duật là một trong số những người như thế. Bà lên tận Lào Cai- “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” rồi xuôi về hạ lưu để tìm cảm hứng cho trường ca “Miền sông Mẹ” Bà Trương Thị Kim Dung giãi bày: “Mẹ tôi kể, núm nhau của tôi bỏ vào nồi đất rồi thả xuống sông Hồng. Thế nên, tôi cảm thấy máu thịt của mình hòa vào dòng nước, bản thân mình như hạt cát phù sa quyện vào bãi bờ và dòng chảy của lịch sử”. 

Nhớ mùa thu 1.000 năm trước, từ sông Hồng trông về thành Đại La, Lý Công Uẩn thấy đám mây mang hình rồng bay lên, liền đặt tên đất ấy là Thăng Long. Điềm báo ấy thể hiện ý chí của vị Vua khai sinh triều Lý trong việc quyết định chọn đất đóng đô vì “đại nghiệp” muôn đời.

Miền đất ấy có thế “rồng chầu, hổ phục”, có đất rộng sông dài, mùa màng tươi tốt, là nơi tụ hội của tinh hoa khắp bốn phương. Sông Hồng vì vậy là một câu chuyện lịch sử hào hùng về công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông, là tấm gương soi ý chí nguyện vọng, tài năng của những người dân Đại Việt suốt hàng chục thế kỷ qua. Để hôm nay Hà Nội tiếp nối truyền thống văn hiến của cha ông, vững vàng đi lên thành một Thủ đô hiện đại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên