Ngày mới nơi phố cổ Hà Nội

Theo địa giới hành chính, 36 phố phường Hà Nội chủ yếu nằm ở Khu phố cổ Hà Nội, một khu vực đô thị có từ lâu đời của Thủ đô.

Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô.

Buổi sáng sớm ngày Đại lễ chào đón Hà Nội 1000 năm tuổi, đi trong lòng 36 phố phường để thêm yêu mảnh đất này

Hà Nội buổi sớm trong trẻo, thoảng mùi hương hoa sữa len lỏi trong từng con phố. Cảm giác yên bình dâng ngập lòng, đủ để hiểu những xúc cảm mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết:

 “…Gió thổi mùa thu hương cốm mới,

 Tôi nhớ những ngày Thu đã qua,

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội,

Những phố dài xao xác heo may…”

Sau những đêm “thức trắng” đón khách thăm nhà mừng Đại lễ, người dân “phố cổ” dường như dậy muộn hơn. Nhưng sáng nay, khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, thành phố đang dần nhuốm ánh bình mình của mùa Thu trong vắt để chuyển mình thức dậy

Khu phố cổ là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đặc trưng của tên phố cũng đủ làm xao xuyến những ai đã từng đến đây.

Phố cổ Hà Nội bình yên trong sáng mùa Thu (Ảnh: TP)

Mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng, nhưng đó là câu chuyện của thế kỷ trước. Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như: phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, phố Thuốc Bắc...

Bên cạnh đó, một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa, như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch…

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng: “Người Hà Nội chính là dân tứ chiếng, trong Nam ngoài Bắc về cùng ngụ cư với nhau, cùng sinh sôi trên mảnh đất Thăng Long. Cho nên mọi người chung đúc vào đây tài hoa của mình. Nghề có tinh, tài có cao mới trụ lại được ở đây…”

Đặc trưng kiến trúc khu phố cổ là những nhà cổ, với mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán với diện tích to nhỏ khác nhau. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Những ngôi nhà này chủ yếu được dựng vào thế kỉ XVIII – XIX. Trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.

Thời kì toàn quốc kháng chiến, người dân và Vệ quốc quân đã đục thông tường từ nhà này sang nhà khác, người ta có thể đi từ đầu đến cuối phố qua những lỗ hổng giữa các ngôi nhà mà không cần phải xuống đường.

Từ cuối thế kỉ XX, các nhà cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là các ngôi nhà ống xây mới. Có chút gì man mác với những người hoài cổ.

Ra Bờ Hồ buổi sớm đã trở thành một thói quen không thể thiếu của những người dân Hà thành, họ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ quanh hồ.

Với bác Hoàng Đình Hải sống hơn 70 năm ở phố Hàng Gà- quận Hoàn Kiếm, mỗi sớm ra bờ Hồ để cảm nhận mình yêu Hà Nội hơn:

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhất là khu phố cổ nữa nên bờ Hồ gắn với tôi với nhiều kỷ niệm. Gia đình nhiều đời sống ở Hà Nội nên có rất nhiều kỷ niệm. Cho nên những lúc ngồi bên Hồ thì những kỷ niệm xưa lại ùa về”.

Những chuyến tàu sớm lên phía Bắc đã chạy qua cầu Long Biên, xe chở hàng đã tấp nập hơn khu vực chợ Đồng Xuân, Bắc Qua.

Nhiều người cao tuổi ngồi nghỉ bên ghế đá quanh hồ Hoàn Kiếm, lặng ngắm những chậu hoa, khóm hoa khoe mầu rực rỡ để tận hưởng không khí trong lành dưới nắng bình minh. Chào ngày mới, chào Thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên