Ở nơi Thánh Gióng về trời

Từ ngàn xưa, Thánh Gióng luôn là biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh của người dân nước Việt trong đấu tranh chống giặc giữ nước.  

Nói đến người Anh hùng tuổi trẻ này, “Đại Nam quốc sử diễn ca” đã viết: “… Làng Phù Đổng có một người/ Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ/ Những ngờ oan trái bao giờ/ Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân…”. Cùng với các vị thần trong “tứ bất tử” của người Việt, Thánh Gióng đã làm nên “Thiên anh hùng ca” rực rỡ trải dài suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Cuối tháng Tám, ở dãy núi Sóc Sơn - nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, kíp dựng tượng Thánh Gióng đang dốc sức hoàn thiện từng phần hạng mục để tượng đài “Phù Đổng Thiên Vương thăng thiên hóa Thánh” sẵn sàng ra mắt nhân dân cả nước vào đúng thời điểm Thủ đô 1.000 năm tuổi. Đối với họ, đây không chỉ là công việc xây dựng đơn thuần mà còn là cơ hội để họ gửi gắm niềm tự hào, thể hiện đức tin của bản thân đối với vị thần bất tử của dân tộc. Từ quyết tâm của những người thợ, hình tượng Thánh Gióng đang dần dần hiện lên hùng vĩ.

Cũng như truyền thuyết về bao vị anh hùng khác của dân tộc, luôn có xuất thân thật bình dị nhưng lại có những hành động phi thường, tiểu sử của Thánh Gióng được ghi lại rằng: Cậu bé Gióng được sinh ra do một lần người mẹ nghèo làng Gióng ra đồng, thấy vết chân to lớn lạ thường nên ướm thử, không ngờ về nhà thụ thai. Mười hai tháng sau, bà sinh một bé trai khôi ngô tuấn tú, nhưng thật kỳ lạ là lên ba mà cậu bé vẫn chẳng biết nói, biết cười. Lúc bấy giờ, giặc Ân đang xâm lấn nước ta. Thế giặc mạnh nên vua rất lo, truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm kiếm người tài cứu nước. Cậu bé nghe thấy tiếng loa, liền cất tiếng nhờ mẹ mời sứ giả tới nhà. Gặp sứ giả, cậu bé bảo: “Ông về tâu vua sắm ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt, ta sẽ đánh tan lũ giặc này”. Được lời, sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ vội về bẩm báo với nhà vua.

Chuyện càng lạ hơn nữa khi từ hôm gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng chẳng no, áo vừa may xong đã căng đứt chỉ. Mẹ cậu bé phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con trong làng thì mới lo đủ cho cậu. Khi giặc Ân đến chân núi Châu Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) thì cũng là lúc sứ giả đem kiếm, áo giáp và ngựa tới cho cậu bé. Cậu bé vươn vai thoắt biến thành một tráng sỹ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sỹ mặc giáp, cầm kiếm và nhảy lên mình ngựa. Ngựa sắt bỗng chuyển động, miệng hý vang. Tráng sỹ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Roi sắt gẫy, tráng sỹ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan, tráng sĩ bay về tìm mẹ đúng lúc bà đang bị lũ thủy quái ba ba, thuồng luồng dìm trên sông Cái.

Tráng sĩ lao thẳng xuống dòng lũ, quật nát bọn thủy quái, cứu sống mẹ, rồi lạy bà, xin được bay đến chân núi Sóc Sơn, cởi giáp, bỏ kiếm, rồi cả người và ngựa cùng thăng thiên. Tưởng nhớ công ơn, vua phong cho tráng sỹ là Phù Đồng Thiên Vương và cho lập đền thờ ở ngay quê nhà.

Tượng Thánh Gióng

Hiện nay, ngôi đền vẫn còn tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng vóc dáng, hồn cốt xưa của ngôi đền vẫn còn hầu như nguyên vẹn nét kiến trúc xưa trang nghiêm, cổ kính. Hàng năm, cứ đến ngày mồng chín tháng Tư (âm lịch), ngày ông Gióng thắng giặc Ân, dân làng Gióng lại mở hội rất long trọng.

Hội Gióng từ lâu đã không còn là ngày hội của riêng người làng Gióng mà còn của rất nhiều người Việt Nam yêu nước, nâng tầm lên thành lễ hội vùng với rất nhiều làng quê khác cùng tổ chức như: Hội đền Sóc (Xuân Đỉnh, Từ Liêm); hội Sóc Sơn (Đông Anh); hội Phù Gióng; hội Gióng Bộ Đầu… Vì vậy, người Kinh Bắc xưa còn lưu truyền về mãi sau này câu nói: “Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng” để nói lên quy mô cũng như sức hút của lễ hội cổ truyền này.

Cùng với đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở Gia Lâm, tại Sóc Sơn (Đông Anh) nơi Thánh Gióng sau khi phá giặc Ân đã cưỡi ngựa về trời, cũng có một quần thể di tích khác thờ vị Anh hùng này. Khu di tích có 6 điểm thờ gồm: Đền trình thờ thần núi Sóc; đền Mẫu thờ mẹ Thánh Gióng; đền Thượng thờ Phù Đổng Thiên Vương; chùa Đại Bi, chùa Non thờ Phật; Lăng bia đá ghi sử tích và tích hội.

Ở vùng đất bạt ngàn thông xanh yên bình này, mỗi nơi dường đều còn chứa đựng những dấu tích nhắc nhở tới câu chuyện thần thoại mà mỗi người Việt đều ghi sâu trong tâm khảm. Đó là hòn đá với hình thù áo giáp của Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời vẫn vẹn nguyên với cỏ mọc xanh tốt, mượt mà có tự bao đời. Có thể thấy, vẻ đẹp trời cho cùng truyền thuyết Thánh Gióng về trời đã khiến cho núi Sóc Sơn trở thành vùng đất linh thiêng.

Cùng với nhiều hạng mục di tích vinh danh vị thần trong tứ bất tử của dân tộc Việt, hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố Hà Nội đã quyết định dựng tượng Thánh Gióng tại đỉnh Đá Chồng. Tượng đài có tên gọi Phù Đổng Thiên Vương hóa Thánh được đúc bằng đồng (trọng lượng khoảng 60 – 70 tấn) với chiều cao 9,9m; chiều rộng 13,5m.

Hiện nay, dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng đang được thi công từng hạng mục công trình, đã hoàn thiện việc xây dựng 1.000 bậc đá lên đỉnh núi Sóc (con số 1.000 tượng trưng cho Thăng Long 1.000 năm tuổi). Việc phóng tác tượng bằng thạch cao cũng đã hoàn thành, đang chờ ý kiến thẩm định của Hội đồng nghệ thuật.

Dự kiến việc đúc đồng Tượng đài Thánh Gióng sẽ được tiến hành vào tháng 10/2009, trước khi thực hiện công đoạn này, các bộ phận liên quan sẽ phải khảo sát kỹ năng vận chuyển lên đỉnh Đá Chồng, lấy đó làm căn cứ để “chia thớt” (đúc từng phần) cho phù hợp. Với tiến độ như hiện nay, Tượng đài Thánh Gióng được đảm bảo sẽ hoàn thành khi Hà Nội đón mừng sinh nhật 1.000 năm tuổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên