Thư thính giả, độc giả từ 11 đến 18/9

Tuần này, các bạn đọc chia sẻ với VOVNews nhiều phong phú nội dung phong phú như: an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, game online…

Bạn Nguyễn Vũ Định (nguyenvudinh.nvh@...) cho biết: Chúng tôi được xem, nghe và đọc rất nhiều tin, bài về việc Đài TNVN phát sóng biển Đông, nhưng thông tin chúng tôi cần là tần số phát sóng và giờ phát sóng các chương trình này?

Bạn thân mến, Đài TNVN phủ sóng biển Đông ở 3 tần số ngắn là: 7435 kHz, 9635 kHz và 11.720 kHz. Riêng tần số 9635 kHz được phát liên tục hệ VOV1 từ 5 giờ đến 24 giờ hàng ngày. Chúng tôi rất mong bạn sẽ giúp chúng tôi đánh giá chất lượng sóng khu vực này để kịp thời có điều chỉnh phù hợp. Trân trọng cảm ơn bạn!

** Bạn Chiến Công (chiencongac@...) cho biết: Tôi tự thấy mình có giọng đọc thông tin, quảng cáo rất truyền cảm. Nếu VOV cần tuyển vui lòng mail cho tôi. Tôi sẵn sàng làm tình nguyện viên (làm việc không lương). Đây là công việc tôi mơ ước từ lâu.

Bạn ạ, Đài TNVN liên tục đăng thông tin tuyển dụng trên website http://www.vovnews.vn/ trên sóng phát thanh và một số tờ báo lớn khác. Bạn chịu khó theo dõi để nộp hồ sơ dự tuyển. Chúng tôi rất mong sẽ sớm trở thành đồng nghiệp của bạn.

 Cần đảm bảo an toàn cho khách tham quan các vườn thú dữ

Vụ việc hổ cắn chết người ở Khu du lịch Đại Nam đã gây sự chú ý của nhiều độc giả trong tuần qua. VOVNews tiếp tục nhận được ý kiến của độc giả về việc giữ an toàn tại Đại Nam.

** Bạn Minh Cuong (anhhungx456@...): Hổ sổng chuồng rồi thì không ai dám đến nữa. Ban quản lý Khu du lịch cần làm lại hàng rào bảo vệ cho chắc chắn rồi mới cho khách vào.

** Bạn Trao Minh Toan (theghost687@...): Tôi thấy vườn thú Đại Nam quá nguy hiểm. Các bạn nên suy nghĩ trước khi đến đó.

** Bạn Nghiem Minh Thanh (thanh1353@y...): Án mạng xảy ra thật thương tâm, chỉ vì làm việc không cẩn thận đã dẫn đến tai nạn trên. Đây là bài học đắt giá cho tất cả các vườn thú khi tiến hành sửa chữa hay đại tu.

** Bạn Đinh Quý (thanchet_bongdem008@...) cho rằng: Đừng quá bi quan như thế, dù sao cũng chỉ là một sự cố. Không nên tẩy chay khu du lịch lớn vì một sai sót. Dù sao thì du khách không sao là tốt rồi.

** Còn bạn Hai Lua (in_my_heart091@...) thì phân vân: Liệu như vậy thì có ai còn can đảm để đến tham quan Đại Nam nữa không?

** Bạn Thanh Xuan (huyxuan8089@...) đặt câu hỏi: Để xảy ra sự việc như trên thì ai chịu trách nhiệm?

Đúng là cần làm rõ trách nhiệm của những người đã để xảy ra tai nạn thương tâm này. Đây là vụ việc khá hy hữu ở nước ta nhưng cũng cần phải cảnh báo vì hiện nay việc kiểm soát nuôi nhốt thú dữ còn nhiều kẽ hở.

Sốc lại đội tuyển bóng chuyền nữ

Qua Giải bóng chuyền vô địch nữ châu Á, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã để lại nhiều thất vọng cho người hâm mộ.

** Bạn Thành Lâm (lnl_108080@...) viết: Tôi thấy bóng chuyền nữ của chúng ta vẫn không có gì tiến bộ. Trong giải đấu này chúng ta mới thấy sự kém cỏi của mình chứ như mấy giải mà VTV Cup tổ chức toàn mời những đội yếu kém đến tham gia (họ chỉ là những CLB) thì tuyển Việt Nam làm gì mà không thắng. Đã như vậy VTV3 còn quảng cáo rầm rộ các nữ tuyển thủ của chúng ta thế này, thế kia...  càng khiến tôi thật thất vọng.

** Chia sẻ sự thất vọng này, bạn Hải Triều (nguyentrieu_bc@...) viết: Việc đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không đạt được mục tiêu đề ra quả là một câu chuyện đáng buồn... Nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận một điều, tại sao với một giải đấu tầm cỡ châu lục như thế mà đội tuyển của chúng ta thi đấu quá tệ??? Do trình độ? Đây là vấn đề đặt ra cho bóng chuyền nữ Việt Nam từ nhiều giải đấu và tại sao chúng ta vẫn không có gì thay đổi, vẫn là những cái tên quen thuộc Ngọc Hoa, Diệu Châu, Bùi Thị Huệ... Chúng ta hãy nhìn đội tuyển Thái Lan mà học hỏi.

** “Bóng chuyền nữ Việt Nam thua thật đáng tiếc!” - bạn Nguyễn Viết Xuân (nvitxuan@...) bày tỏ. Trong thư gửi đến VOVNews, bạn Nguyen Viet Xua cho rằng, Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam gặp đội tuyển Đài Loan là xứng tầm. Nhưng chúng ta có lợi thế sân nhà được lực lượng CĐV hùng hậu cổ vũ mạnh mẽ, nhiệt tình. Thế nhưng, các cô gái của chúng ta để thua một cách đáng tiếc, khi Việt Nam đã tạo lợi thế ở séc đầu tiên. Có thể vì thể lực một phần nhưng điểm yếu của các cô gái Việt Nam vẫn là vấn đề tâm lý thi đấu. Nếu muốn có kết quả tốt trong kỳ SEA Game sắp tới tại Lào thì ngay bây giờ Ban huấn luyện tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cần khắc phục ngay thể lực và đặc biệt là tâm lý thi đấu của vận động viên.

Lo ngại về an toàn thực phẩm

Cần có chế tài nghiêm hơn với vi phạm của Vinafood. Đó là ý kiến của bạn Quang (kimnam365@...) khi nói về mức xử lý những vi phạm của Vinafood.

Bạn Quang viết: “Tôi thấy một chuyện hết sức buồn cười. Vinafood bán thực phẩm hết hạn cho nhân dân ăn... Chuyện này ngay con nít cũng biết là có hại cho sức khỏe mà sức khỏe khi đã bị mất hoặc bị ảnh hưởng thì làm sao lấy lại được. Vậy mà mấy chục tấn thịt nhập khẩu chỉ mang đi tiêu hủy, phạt cảnh cáo,... Ban Giám đốc của Vinafood chẳng bị sao... Những hành động như vậy mà vẫn được bỏ qua. Tôi ví dụ cho quý vị thấy: Xe chạy ngoài đường chở quả tải trọng từ 10-20% có thể bị phạt 3 triệu đồng; trên 20% là 4 triệu đồng, không đội mũ bảo hiểm thì tăng gấp đôi tiền phạt. Sức khỏe người dân là thứ vô giá chẳng lẽ chỉ đáng phạt cảnh cáo sao? Vậy thử hỏi những người làm ở Vinafood có dám mang hết những thứ đã quá hạn sử dụng đó cho người thân của mình ăn không? Mong các cơ quan báo đài làm rõ vụ này. Cần khai tử ngay Vinafood và phải bồi thường sức khỏe cho nhân dân”.

Cũng liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, bạn Đạt (datnq@...) bày tỏ sự nghi ngại của mình đối với các sản phẩm đồ uống đóng hộp, lon: Ai đảm bảo các sản phẩm đang bán không được sản xuất từ nguyên liệu quá đát? Theo giới y học thì không nên lạm dụng các loại vitamin. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước giải khát và tăng lực được sản xuất bằng các hóa chất công nghiệp và được quảng cáo như những chất bổ dưỡng vô hại. Không cần biết các nguyên liệu để sản xuất các loại nước giải khát đó còn hạn sử dụng hay không thì việc đưa vào cơ thể một lượng lớn các chất bổ sung đó có thể lợi bất cập hại. Với sự đầu tư vào quảng cáo như hiện nay thì chắc chắn lợi nhuận của các nhà sản xuất là rất lớn. Khi các cơ quan chức năng gác cổng về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, vẫn chỉ chạy theo dư luận như hiện nay thì không ai kiểm soát được chất lượng các sản phẩm đã đưa ra thị trường kể cả tình trạng của nguyên liệu đưa vào sản xuất”.

Không riêng gì các bạn đâu mà rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người dân thành phố, tỏ ra lo lắng khi chọn lựa thực phẩm, đồ uống cho gia đình. Ăn gì cũng sợ ngộ độc. Gần đây, báo chí lại phanh phui hàng loạt vụ sử dụng mỡ, bì động vật đã bị phân huỷ, thối rữa để chế biến thành thức ăn bán cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng thì làm không xuể và người tiêu dùng thì chỉ biết dựa vào cảm quan, sự may mắn. Chúng tôi cũng rất đồng tình với việc phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì những hành vi này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, chất lượng giống nòi của quốc gia, dân tộc sau này.

Các vấn đề về giao thông

** Bạn Do Trong Hien (tronghien156@...) phản ánh: Tôi đi làm qua đoạn ngõ 192, Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội, thường xuyên thấy xe ô tô Huyndai 40 chỗ biển kiểm soát 29 LD-2000 đỗ dưới lòng đường để đón nhân viên đi làm. Xe này hình như đỗ từ đêm hôm trước đến 7g30 sáng mới khởi hành. Đó là một lý do gây tắc buổi sáng trên đường Lê Trọng Tấn. Đề nghị toà soạn phản ánh để cơ quan chức năng sớm giải quyết. Xin cảm ơn.

** Bạn Nguyen Thanh Binh (ngthanhbinh75@...) chia sẻ: 7h30 sáng 15/09/2009 ùn tắc đường tứ tung trong thành phố Hà Nội. Ví dụ, tắc từ Cầu Diễn đến Nhổn (tắc cả đường chính và các đường con, đường vòng qua làng). Gọi điện báo cho VOV Giao thông nhưng không ai nghe máy! Chắc các bác trực tổng đài cũng đang bị tắc đường nên không có ai nhận tin buổi sáng. Vậy đấy, thông cảm và buồn một tí vì đây cũng chuyện thường ngày. Nhưng sau các bác nhớ đi sớm vào nhé để có thể nhận thông tin báo cho người đang tham gia giao thông. Cố lên VOV giao thông người bạn của mỗi con đường.

** Bạn Việt Nhung (mimosav12@...) cho biết, đường hầm Kim Liên bị rải đinh. Thư gửi đến VOVNews, bạn Nhung cho biết: Chiều 1/9, khoảng 18 giờ tôi đi vào đường hầm và phát hiện có rất nhiều đinh rải ở đầu đường hầm từ phía đường Kim Liên mới sang Đại Cồ Việt. Việc này rất nguy hiểm vì xe qua hầm thường đi nhanh, nếu vướng đinh ngoài việc vá xe còn có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Tôi không biết ai là người có trách nhiệm quản lý đường hầm này nên gọi cho VOV giao thông. Tuy nhiên vào thời điểm 17h không ai nhấc máy cả. Vì sự an toàn cho người giao thông tôi gửi ý kiến này mong tới được Ban quản lý (bảo vệ) đường hầm và cũng mong các bạn đọc chú ý khi đi qua đoạn đường này.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn các bạn về những phản ánh này. Riêng những “sự cố” khi gọi điện thoại tới VOV giao thông chúng tôi thành thật xin lỗi và sẽ chuyển các ý kiến tới kênh này để rút kinh nghiệm. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự cộng tác của các bạn.

** Liên quan đến “Văn hoá giao thông”, bạn Tran Quan (vudan132@...) khẳng định, an toàn giao thông là một nếp sông văn hóa và bạn đã viết ra quan sát của mình để chia sẻ với VOVNews. “Tôi thấy ở những vùng quê chính những người nông dân vất vả lại là những người đi đúng đường (đi bên phải đường). Còn những em học sinh từ cấp 2, cấp 3 thì đa số lại đi hàng 3 hàng 4. Tôi chạnh lòng, vì sao các em có học vấn mà còn như thế thì chỉ khổ công cho những người làm công tác tuyên truyền thôi? Theo tôi chính các em phải cùng chung tay tuyên truyền về an toàn giao thông góp phần bảo vệ cho mọi người, và nhà trường cần can thiệp vào hành động của các em thế hệ tương lai của đất nước.

Hãy từ bỏ game online

Sau khi đăng tải bài viết: “Game online làm hỏng con tôi” VOVNews đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của độc giả đối với tác giả và nhân vật trong bài viết.

** Bạn H1T2 (tranhungktv@...) cho biết: Tôi cũng là một người từng chơi game online. Đã có nhiều lần tôi bỏ học đi chơi game. Đến năm lớp 11 thì suýt nữa tôi bị lưu ban. Vì thế, tôi nghĩ chơi game có được cả đời không? Ba mẹ có thể cấp cho mình tiền để chơi game không? Bạn có thể nghĩ số tiền bạn bỏ vào game là bao nhiêu, con số đó có thể mua được những cái gì trong cuộc sống? Số tiền đó thà bạn dùng để giúp những người khác chứ không nên đổ vào thế giới ảo. Bạn tự hỏi mình xem, thế giới ảo cho bạn được những gì hay chỉ khiến bạn có những suy nghĩ trái với cuộc sống thực.

** Bạn Lê Minh Toàn (minhtoan_19942003@...) chia sẻ: Có lẽ giải pháp sau đây của cháu có thể giúp ích cho "vụ" này. Cô chú có thể nhờ bạn bè quen biết của Hải xóa ID (tài khoản game) mà Hải đang chơi. Có lẽ việc này rất shock với cậu ta, nhưng chỉ có cách này mới có thể làm cậu ta từ bỏ Game Online. Hy vọng cô chú sẽ tìm thấy giải pháp tốt hơn.

** Theo bạn Phương Liên (phuonglien_pt26@...), những gì mà bài báo viết không còn quá xa lạ với thực tế xã hội trong một vài năm trở lại đây.

“Tôi hết sức cảm thông với những hoàn cảnh cha mẹ ở trên. Những ý kiến đóng góp của bạn đọc không thể biện hộ cho những tác hại mà game online đối với giới trẻ. Chỉ mong sao báo chí tác động đến hiện tượng này mạnh mẽ hơn, để các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. Đối tượng của Game online là học sinh, sinh viên, là mầm non, là người chủ tương lai của đất nước. Thử hỏi một thế hệ làm chủ lại chỉ mải mê sa đà vào thế giới ảo, không còn niềm say mê với thế giới hiện thực thì đất nước ta sẽ ra sao? Chúng ta sẽ lấy ai để xây dựng, kiến thiết đất nước? Có một điều đáng buồn là những hậu quả mà game online gây ra đã quá rõ ràng nhưng các cơ quan chức năng vẫn thờ ơ không giải quyết triệt để. Tại sao các quán game vẫn mọc như nấm sau mưa, các tấm biển, băng rôn quảng cáo cho các quán game vẫn ngang nhiên hiện hữu? Ai là người quản lý vấn đề này?” - bạn Phương Liên viết.

Trong tuần, chúng tôi còn nhận được thư của các bạn: Trinh Anh Tuan, Nguyen Sy Can, ngocpdp971, Út Ngọc, Vu Thi Quyen, Thu Hằng, Hoa, Nguyen Van A, Quang Long, Siriwong Hongsawan, Trinh Viet Thang, Nguyen Van Dinh…

Chúng tôi cũng nhận được tin, bài cộng tác của các bạn: Quang Vinh, Lê Thị Huệ, Thành Chung…

Cảm ơn các bạn đã viết thư trao đổi, cộng tác với chúng tôi.

Chúc các bạn một tuần mới làm việc hiệu quả, vui vẻ!

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên