Phong vị Tết quê

27 tháng Chạp là má tôi lụm cụm đi rọc lá chuối đem phơi, ngâm gạo nếp để xay bột, chuẩn bị làm bánh. Đến ngày 28, không khí Tết xuất hiện.  

Với những người lớn tuổi, từng sống dưới quê và có cuộc sống nghèo khổ thuở thiếu thời như tôi, Tết quê xưa cứ hằn sâu trong tâm khảm, ám ảnh như một niềm day dứt. Bây giờ ngồi nhớ lại, đem so sánh thì thấy cái Tết hôm nay nhạt dần các phong tục, thấy Tết xưa có rất nhiều phong vị. Thời buổi này người ta chợt thấy rất cần nhớ về cội nguồn, để có sức “đề kháng” trong thời buổi hội nhập. Thế nên Tết con Mèo này tôi quyết định kể về cái Tết quê xưa của làng tôi, để góp một tiếng nói cho cuộc hành trình quay về nguồn cội.

Làng tôi xưa nghèo lắm, lưa thưa những căn nhà lá nhỏ dài nằm trên bờ sông Bạc Liêu. Sau làng là một cánh đồng, người dân trồng lúa để sinh sống. 30 Tết nước dâng rất cao, lé mé nền nhà, xóm làng như nổi trôi trên mặt nước. Có  năm nước dâng cao quá, tràn ngập bờ bao, gây nhiễm nặn cho toàn bộ cánh đồng. Mùa màng thất bát liên miên, nhiều gia đình chỉ ăn Tết xong là hết lúa. Gió bắc kéo về trong nỗi nôn nao của bọn trẻ và trong nỗi lo lắng của người lớn. Hầu hết dân làng đều ăn Tết trong cảnh thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, họ vẫn ăn Tết theo cách riêng, theo kiểu “cây nhà lá vườn”.

Làng tôi có tập quán là sau khi cúng đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, người ta bỏ hết công việc đồng áng để tập trung lo Tết. Trước tiên là lo sửa sang, trang hoàng nhà cửa. Tôi nhớ rất rõ chị Hai, anh Ba tôi lúc đó khoảng 17 – 18 tuổi, mang hết quần áo, mùng mền chiếu gối đi giặt, rồi quét nhà, quét tổ nhện trên nóc nhà, lau chùi sạch sẽ giường chiếu… Sau đó thì đi lấy giấy ngũ sắc cắt màn cửa, cắt và xếp bông để treo ở nhà trước…Tuy nó hoa hoè hoa sói, nhưng nhìn cũng có sinh khí Tết lắm. Sau đó, chị Hai tôi tắm cho mấy đứa em rồi chải tóc, xức dầu dừa lên đầu từng đứa, bóng mượt.

Ba tôi thì chùi rửa, đánh bóng bàn thờ ông, bà nội tôi. Có năm nghèo lắm, không có tiền nhưng ba tôi cũng phải chạy vạy ra chợ mua tấm liễn thờ bằng giấy đỏ, có chữ Tàu dán lên trên bàn thờ; mua thêm cặp dưa, nhang đèn, giấy quần áo, bánh trái để lên chưng, cúng. Ba tôi nói: “Tết nhứt mà bàn thờ vun trùng bánh trái thì nhà sẽ vượng khí suốt năm”. Thế nhưng, tôi hiểu đó còn là tấm lòng của ông với cha mẹ, ông làm công việc sắp xếp bàn thờ Tết một cách thành kính lạ thường.

Má tôi thì tất tả với quá nhiều công việc. Hồi đó, đâu có tiền mua củ kiệu, thay vào đó má tôi chỉ mua dưa cải, củ cải để ăn Tết. Bà làm cá phơi khô, chuẩn bị gà, vịt cúng Tết. 27 tháng Chạp là má tôi lụm cụm đi rọc lá chuối đem phơi, ngâm gạo nếp để xay bột, chuẩn bị làm bánh. Đến ngày 28, không khí Tết xuất hiện, cái bếp sau nhà, tiếng cười nổ như bắp rang của mấy người bạn chị Hai tôi. Họ tập trung đến để làm bánh đổi công cho nhau, lúc ở nhà này lúc ở nhà khác. Hồi đó bánh Tết không ai mua, mà tự làm lấy. Họ sên mứt dừa, nướng bánh bông lan, bánh kẹp, bánh ống…

Má tôi cũng có một nhóm gói bánh tét đổi công với mấy bà già ở xóm. Họ cũng luân phiên đến nhà gói bánh tét cho nhau, cũng xôm tụ rôm rả lắm.

Tối 30 Tết là nấu bánh tét đồng loạt cả xóm. Nhà nào cũng đỏ lửa ngoài sân. Ánh lửa kéo tất cả trẻ con của làng vây quanh nồi bánh. Đó là bọn trẻ gầy còm, đói thèm ăn bánh. Chúng đùa giỡn quanh nồi bánh tét, chúng hít thở đê mê cái hương bánh tét nồng nàn. Chúng thức thật khuya, đến gần giao thừa mà chờ bánh chín để được cho ăn. Để rồi lớn lên, chúng rời khỏi xóm làng mang theo ký ức vẹn nguyên một đêm ngồi chờ bánh chín và chờ giao thừa.

Hồi xưa không có các lớp hướng nghiệp hay nữ công gia chánh như bây giờ, vậy mà phụ nữ làng tôi ai cũng biết làm bánh, làm mứt rất ngon và khéo. Không phải chỉ có dịp Tết mà trong năm nhà ai có cưới hỏi, giỗ chạp là xóm giềng, họ hàng đến giúp làm bánh. Điều này cũng dễ hiểu, vì mấy bà già xưa xem việc gói bánh, làm mứt là đức hạnh phải có của phụ  nữ. Chính cái nếp gói bánh tét của làng là một trường học. Người ta tập trung làm để học hỏi kinh nghiệm của nhau. Mẹ dạy con, dì dạy cháu… Các em gái 5 – 6 tuổi theo mấy cái hội gói bánh chơi, lớn lên nghiễm nhiên trở thành thợ làm bánh.

Lớn lên đi xa, mỗi lần nhìn về làng mình, tôi cảm được vẻ đẹp của phụ nữ. Họ đảm đang, nết na và đức hạnh. Sau này đời sống khá lên, em gái tôi bảo: “Tết ra chợ mua bánh về cúng khỏi ngồi gói cho đau lưng”. Má tôi rầy. Bà bảo: “Cái hiếu hạnh nằm cả trong chiếc bánh con ơi, lòng thành không mua được bằng tiền”.

30 Tết là ngày cúng rước ông bà, nhà ai nấy cúng, nhưng khi cúng xong rồi thì nó trở thành bữa tiệc của cả xóm. Cái lệ này có từ bao giờ tôi không biết, nhưng từ bé tôi đã thấy. Từ 9 – 10 giờ sáng, làng tôi có một đoàn người rất dài, già trẻ đủ cả, cứ thế ghé từng nhà một, nhà nào cúng trước thì ghé trước. Chủ nhà bày mâm cỗ cúng ra đãi khách. Khách ăn uống vui say, rồi đàn ca. Xóm nghèo mà vui lắm. Không khí Tết rộn ràng, văng vẳng câu ca vọng cổ. Qua đó, người thấy tính cộng đồng của cái Tết rất rõ, chứ không phải riêng lẻ như bây giờ. Cuộc vui ấy kéo dài đến giao thừa thì tan, để ai về nhà nấy làm lễ đón giao thừa.

Cái tục lệ thắp nhang lạy tạ ông bà đem giao thừa đã nhiễm vào máu thịt người quê. Họ xem đó là một việc thiêng liêng. Đối với ba tôi, cúng giao thừa là cả nhà phải đủ mặt, bởi ông quan niệm: Giao thừa là thời khắc tinh tuý nhất của năm. Vì vậy, lạy trả ơn ông bà cha mẹ là ta trả nghĩa suốt năm. Ta cầu mong ông bà phù hộ thì ông bà sẽ phù hộ suốt năm. Bắt đầu từ giao thừa là ba tôi ăn chay 3 ngày Tết. Ông chuẩn bị trà lá, nhang đèn, bánh trái và một mâm cơm thịnh soạn nhất rồi đi tắm rửa sạch sẽ, thay bộ đồ đẹp  nhất. Đúng giao thừa, ông chỉ huy con cháu thắp nhang bàn thờ. Thắp nhang xong ba tôi quỳ lạy bàn thờ tổ tiên 4 lạy.

Hồi nhỏ vì ham chơi nên có một đôi lần tôi và anh Ba tôi về không kịp giờ cúng giao thừa. Thế là ba tôi giận, cách giận của ông lạ lắm, không có sự chửi bới la rầy. Chúng tôi đã lớn tồng ngồng mà ba tôi mắc mùng cho ngủ. Khuya, ông vô mùng soi đèn bắt muỗi cho các con (việc này xảy ra từ khi má tôi qua đời). Nhà có làm gà vịt, ba tôi gắp thịt ngon bỏ vào chén từng đứa. Sau đó, bằng giọng buồn buồn ông nói: “Ông nội, bà nội tụi mày mãn phần sớm quá, không kịp chăm sóc cháu nên tụi bây đâu có thấy công lao của ông bà. Chỉ có ba mới thấy được miếng đất nuôi sống gia đình mình là do ông bà nội chịu cực khổ, đói khát mà khai khẩn. Má mày cũng vậy, bà ra đi khi chưa lo cho con đủ đầy như người ta nên công lao của bà tụi mày đâu có nhớ. Ba thì ba sợ, nên ba gắng lo. Để khi ba có theo ông theo bà thì tụi bây còn nhớ mà giao thừa về lạy trả ơn…”. Ba tôi nói tới đâu, anh em tôi “nổi da gà” đến đó.

Và cũng từ đó, hễ chắp tay quỳ trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương đêm giao thừa thiêng liêng, tôi lập tức nhớ đến cái dáng lực điền cầm dao dọn rừng của ông nội tôi, nhớ má tôi trầm mình giữa đồng sâu cấy lúa đến đỏ đèn để nuôi anh em tôi. Cứ thế, một nhân cách, một tâm hồn hình thành hồi nào không biết. Đó là nhân cách, là tâm hồn của những con người biết trước, biết sau. Anh không nhớ ơn cha mẹ, thì làm sao biết đường dạy con cái. Anh không tỏ tường công lao trời biển của tổ tiên, thì làm sao hiểu được đất nước gian truân đến cỡ nào. Đã không hiểu thì không thể yêu. Đã yêu thì nó làm ta hiểu và yêu nhiều thứ khác. Ta nhớ mẹ ta như thân cò lặn lội đồng sâu, thì ta cũng sẽ nhớ cái mảnh đồng sâu ấy dã hoài thai hạt gạo để cùng mẹ nuôi ta thành người.

Ba bốn chục năm sau, tức là bây giờ làng tôi có nhiều thay đổi. Từ trồng lúa người ta chuyển sang nuôi tôm. Đời sống đã khá giả hơn xưa. Nhưng trên căn bản, phong tục Tết vẫn ít thay đổi. Có lẽ nó giữ được lâu như thế là do môi trường nông thôn trong lành bảo lưu gìn giữ. Vì vậy mà năm nào đúng sáng mùng Một Tết là tôi dẫn các con về quê, về nhà cũ để thắp nhang lạy ông bà tổ tiên. Trước là tôi muốn tặng các con tôi một tấm lòng, sau nữa tôi muốn chúng hiểu về nông thôn – nơi mộc mạc đơn sơ mà vẫn sâu thẳm khôn lường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên