3 kịch bản của Việt Nam ứng phó giá dầu thô giảm sâu

VOV.VN-Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh phân tích về 3 kịch bản ứng phó khi giá dầu giảm sâu.

>>  Bộ trưởng Tài chính: Không tăng thuế nhập khẩu xăng dầu
>> IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn u ám khi giá dầu rẻ
>> Giá dầu lao dốc khó có thể là “thảm họa” với kinh tế Nga

Theo Bộ Công Thương, ngày 22/1, Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm thảo luận để đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh giá dầu thô giảm.

Trả lời sau phiên họp, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, khi Chính phủ trình kịch bản thu chi ngân sách để trình Quốc hội thông qua trong năm 2015, dự kiến trong dự toán này là xuất khẩu dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đang giảm dưới 60 USD/thùng, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng. Việc giá dầu giảm mạnh và khó lường không theo thị trường cung cầu.


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Giá dầu xuống dưới 40USD/thùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và thu hút đầu tư

Do vậy, Tổ công tác đưa ra 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 dựa trên những đánh giá phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới cũng như các chuyên gia kinh tế, ở các ngưỡng: khoảng 60 USD/thùng; khoảng 50 USD/thùng và khoảng 40 USD/thùng. Đây là các mức giá xem xét tính toán các phương án, vì hiện nay giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu do chất lượng tốt hơn nên thường xuyên cao so với bình quân giá thế giới khoảng 5 USD/thùng.

Giá dầu 40 USD/thùng, sẽ gây nhiều xáo trộn

Xem xét giá dầu giảm tác động ở các lĩnh vực, đầu tiên là tác động trực tiếp đến khai thác, xuất khẩu dầu mỏ. Nếu 60 USD/thùng thì sản xuất, xuất khẩu giảm nhưng không đáng kể, sẽ chỉ phải xem xét tiết giảm sản lượng tại các lô có giá sản xuất cao. Nếu 50 USD/thùng thì sẽ giảm khai thác nhiều hơn. Nếu ở mức 40 USD/thùng thì sẽ giảm 1,8 đến 2 triệu tấn dầu khai thác.

Kế hoạch năm nay của Bộ Công Thương phải sản xuất và xuất khẩu 14,74 triệu tấn trong năm nay. Nếu các kịch bản này diễn ra, Tổ công tác đang phân tích đánh giá, nếu giá dầu bình quân 50-60 USD/ thùng thì không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam. Mặc dù ảnh hưởng lĩnh vực khác nhưng không tác động nhiều lắm về mặt sản xuất. Giá xuống 40 USD/thùng sẽ có nhiều ảnh hưởng xáo trộn. Đồng thời ảnh hưởng cả đến những dự án mới đang dự kiến đầu tư.

Xem xét tác động đến tăng trưởng kinh tế, nếu giá dầu thô là 60 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,21 điểm phần trăm so với dự kiến. Nếu giá 50 USD/ thùng thì giảm khai thác còn ở mức độ 14,4 triệu tấn, giảm tăng trưởng có khoảng 0,56 điểm phần trăm. Nếu giá dầu thô giảm mạnh còn 40 USD/thùng thì chỉ khai thác xuất khẩu khoảng 13,08 triệu tấn, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đến 1 điểm phần trăm. Khi đó tăng trưởng năm 2015 dự kiến là 6,2 % thì sẽ giảm chỉ còn 5,2%.

Giá xăng dầu giảm tiếp, có thể gia tăng buôn lậu xăng dầu

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam không chỉ xuất khẩu dầu mỏ mà còn nhập khẩu xăng dầu thành phẩm với số lượng lớn hơn so với xuất khẩu. Chính vì vậy, tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở hai chiều.

Khi giá dầu thô giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo. Và hai yếu tố quan trọng là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải giảm.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh giảm giá cước vận tải tương ứng và phải giảm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và chỉ cao hơn Singapore và Malaysia, là hai nước có trợ giá về xăng dầu.

Nếu giá xăng dầu giảm tiếp, có thể lợi cho sản xuất tiêu dùng nhưng lại làm gia tăng buôn lậu xăng dầu. Chính vì vậy, Tổ công tác kiến nghị cần phải cân nhắc, so sánh giá bán lẻ trong nước với các nước trong khu vực để quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng tuồn xăng dầu lậu sang các nước bạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên