4 chỉ tiêu không hoàn thành theo Nghị quyết Quốc hội

(VOV) - Trong số này có hai chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.

Báo cáo trước Quốc hội sáng 20/5, thay mặt chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: So với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng. 

So với số đã báo cáo Quốc hội, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi. Với kết quả như vậy, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012 vẫn cơ bản phù hợp.

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đồng thời trong nước phải thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là việc giảm mạnh tốc độ tăng tín dụng, thắt chặt chi tiêu ngân sách nhà nước, cắt giảm đầu tư công,…đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011 (thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6-6,5%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, khu vực dịch vụ tăng 6,42%.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi chậm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cả năm chỉ tăng 4,7% so với năm 2011, tăng thấp hơn so với số đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 (5,3%) và thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (8,5%). Sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 11,4% nhờ thời tiết thuận lợi và một số nhà máy điện đi vào hoạt động, đặc biệt là toàn bộ 6 tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La với tổng công suất 2.400 MW đã được hoàn thành, sớm 3 năm so với dự kiến. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,2%.

Một số ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với năm trước là: khai thác dầu thô và khí tự nhiên; sản xuất, truyền tải và phân phối điện;  sản xuất thiết bị truyền thông, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe, linh kiện điện tử, dây cáp, dây điện, giấy nhăn, bì nhăn, bao bì; mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh, chế biến sữa và sản phẩm từ sữa, bia, phân bón, sợi,... Trong khi đó, một số ngành có tốc độ tăng trưởng thấp so với năm trước là: sản xuất xe có động cơ, mô tô, xe máy; điện tử dân dụng; xi măng; hàng may sẵn (trừ trang phục); khai thác và thu gom than cứng;...

Tính đến thời điểm 01/12/2012 chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tồn kho còn ở mức cao nhưng đã có xu hướng giảm dần trong năm 2012. Từ mức tăng cao 34,9% tại thời điểm 01/3/2012, tốc độ tăng chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm xuống còn 26% tại thời điểm 01/6/2012, 20,4% tại thời điểm 01/9/2012 và 20,1% tại thời điểm 01/12/2012.

Phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao. Trong năm 2012, cả nước có 69.874 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 467,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,9% về số doanh nghiệp và giảm 9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm là 54.261 doanh nghiệp, trong đó có 44.906 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 9.355 doanh nghiệp giải thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên