Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt: Cần cân nhắc!

VOV.VN -Nếu còn nhiều tranh cãi thì có thể lùi thời gian áp dụng tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

Trong tờ trình sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt có ga không cồn vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Về dự kiến thu thuế TTĐB đối với nước giải khát có ga không cồn vẫn có nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, đây là mặt hàng hiện nay chủ yếu là thương hiệu ngoại, còn các sản phẩm truyền thống của Việt Nam còn rất ít. Số khác cho rằng, sản phẩm này hiện nay chiếm thị phần rất lớn ở Việt Nam, nên cần cân nhắc lại việc đánh thuế.

Trao đổi với VOV.VN, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết: “Tôi đã nghiên cứu tờ trình của Bộ tài chính và qua thực tế, tôi thấy rằng đúng là về giác độ sản phẩm tiêu dùng thì nó tương đối rộng rãi hơn. Ví dụ so với rượu bia thì tác hại của nước giải khát có ga không cồn có tác động về mặt xã hội tiêu cực ít hơn, vì nó không có độ cồn”.

Về vấn đề thuế, bà Cúc cho rằng, Việt Nam cũng có thể cân nhắc, xem xét kinh nghiệm quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam để có thể áp dụng thuế TTĐB đối với sản phẩm này hay không. Thuế TTĐB cũng có một đặc tính là loại thuế này được đưa ra trong những thời gian lịch sử nhất định và ở những quốc gia khác nhau.

Bà Cúc dẫn chứng, thuế TTĐB đối với kinh doanh golf, một số nước cho rằng đây là hoạt động thể thao cao cấp và thông qua việc chơi golf, các DN có thể đàm phán và ký kết hợp đồng với nhau. Nhưng Việt Nam lại đánh giá đây là hoạt động xa xỉ. Trước đây, thuế với hoạt động chơi golf chỉ có 10% và bây giờ luật sửa đổi nâng lên 20%. Hoặc chúng ta đang đánh thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 PTU nhưng tại thời điểm này, khi kinh tế phát triển thì phải điều chỉnh, mặt hàng đó không đưa vào chịu thuế TTĐB nữa. Vì trong thuế TTĐB nêu rõ là sẽ được điều chỉnh trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau và ở từng quốc gia khác nhau.

 “Như vậy, chúng ta có thể nghiên cứu tình hình của từng quốc gia đó. Ví dụ, giai đoạn mới phát triển thì người ta đánh thuế, đến giai đoạn phát triển cao thì đánh thuế thấp đi. Máy điều hòa nhiệt độ bây giờ cũng đang trong điều kiện như vậy” – bà Cúc nói.

Có thực sự tăng thu ngân sách?

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, về nguyên tắc, cơ cấu thuế TTĐB là người tiêu dùng nộp còn người sản xuất và nhập khẩu là người đứng ra nộp thay, khoản này sẽ nằm trong giá bán. Cho nên, người tiêu dùng chịu giá đó. “Đương nhiên, khi áp thuế TTĐB thì giá bán sản phẩm về nguyên tắc sẽ cao lên tương ứng” – bà Cúc nói.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sự thay đổi mạnh về lựa chọn của người tiêu dùng còn tác động trực tiếp tới mức thu của một loạt các loại thuế khác liên quan đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp và nhà sản xuất. Bởi trong trường hợp mức tiêu thụ nước ngọt có ga không cồn giảm, doanh thu của các bên nói trên sẽ giảm và kéo theo đó là hụt nguồn thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu tác động môi trường, y tế, an ninh xã hội của việc áp thuế TTĐB lên nước ngọt có ga không được chứng minh; khoản thu ngân sách nhà nước bị thâm hụt sẽ trở nên vô nghĩa. Nói cách khác, áp dụng thuế TTĐB cho nước ngọt có ga chưa chắc đã thực sự tăng thu ngân sách.

Chưa dừng lại ở đó, việc hụt nguồn thu ngân sách còn có thể phát sinh từ sự khác biệt giữa hệ thống thuế giữa các quốc gia láng giềng trong cùng một cộng đồng kinh tế. Liên minh châu Âu là một ví dụ, tại một số nước áp dụng thuế TTĐB cho nước giải khát không cồn, trong đó có nước ngọt có ga, như Đan Mạch, Hà Lan, Pháp. Các chuyên gia kinh tế chứng kiến sự dịch chuyển rất rõ của mức tiêu thụ mặt hàng chịu thuế từ các nước này sang các nước láng giềng. Cụ thể, người dân các nước nói trên đã sang các nước láng giềng để mua nước ngọt có ga (không bị đánh thuế) với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Hiện tượng này đã giáng một đòn nặng nề đến doanh thu quốc dân của Đan Mạch. Kết quả là nước này cùng với Hà Lan đã bắt đầu lộ trình xóa bỏ thuế TTĐB cho nước giải khát không cồn từ năm 2013. Trong khi đó ở Pháp, nước có ngành công nghiệp nước giải khát đang rơi tự do kể từ khi loại thuế này được áp dụng trong những năm gần đây, hiện chưa có động thái gì. Ở một diễn biến khác, Bỉ đã bác bỏ dự thảo điều chỉnh thuế TTĐB cho nước ngọt có ga vào cuối năm 2013, sau một thời gian cân nhắc.

Theo Tờ trình, lộ trình đưa ra để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn là 1/7/2017. Thuế suất TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn ở mức 10% là thấp nhất trong khung chịu thuế lên tới 70%.

Trong lúc còn nhiều ý kiến khác nhau, bà Cúc cho rằng: “Nếu đưa ra lộ trình thì có thể lùi thời gian áp dụng chứ không thể nào lùi thuế suất. Vì thế, chúng ta phải cân nhắc, xem xét lại là tác động khi áp thuế sẽ như thế nào”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nước ngọt có ga không cồn: Lợi hay hại với sức khỏe?
Nước ngọt có ga không cồn: Lợi hay hại với sức khỏe?

VOV.VN -Để dự phòng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì… phải có một chế độ ăn lành mạnh.

Nước ngọt có ga không cồn: Lợi hay hại với sức khỏe?

Nước ngọt có ga không cồn: Lợi hay hại với sức khỏe?

VOV.VN -Để dự phòng bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì… phải có một chế độ ăn lành mạnh.

Nước ngọt có ga không cồn sẽ thành hàng xa xỉ
Nước ngọt có ga không cồn sẽ thành hàng xa xỉ

VOV.VN -Từ một mặt hàng tiêu dùng phổ thông, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì nhiều người dân sẽ quay lưng với nước ngọt có ga không cồn.

Nước ngọt có ga không cồn sẽ thành hàng xa xỉ

Nước ngọt có ga không cồn sẽ thành hàng xa xỉ

VOV.VN -Từ một mặt hàng tiêu dùng phổ thông, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì nhiều người dân sẽ quay lưng với nước ngọt có ga không cồn.