Chiến lược ngành gỗ

Bài 1: Mục tiêu và bài toán nguồn nguyên liệu

Mục tiêu đề ra cho ngành gỗ đến năm 2015 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 5,4 tỷ USD; năm 2020 đạt 7 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, không thể không kể đến mối lo nguồn nguyên liệu

Về đích 3 tỷ USD

"Ngành gỗ sẽ vượt mục tiêu 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2010" – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định.

Giá trị đơn hàng tính đến cuối năm 2010 ước đạt hơn 3 tỷ USD

“Hiện giá trị đơn hàng mà doanh nghiệp gỗ ký kết với các đối tác nhập khẩu ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng khoảng 320 triệu USD so với năm 2009 và đảm bảo có đơn hàng hoạt động đến hết năm 2010” – ông Quyền cho biết thêm.

Theo số liệu thống kê của ngành hải quan, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm từ gỗ ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2009.

Mỹ, Nhật và EU tiếp tục là những thị trường lớn xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam.

Theo ông Quyền, đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ tính đến hết năm 2010 tăng gần 10% so với năm 2009; nhiều thị trường truyền thống như Nhật Bản, Liên minh châu Âu… đã hồi phục với đơn hàng tăng cả về khối lượng lẫn trị giá.

Tính đến cuối tháng 6, doanh thu của không ít doanh nghiệp đã bằng hoặc hơn cả năm 2009. “Giá bán sản phẩm gỗ năm nay tăng khoảng 3-5%, góp phần làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp,” ông Quyền nói.

Hứa hẹn là một trong những ngành đem lại kim ngạch nằm trong top đầu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2010, ngành gỗ đang chuyển mình với những con số xuất khẩu khả quan.

Mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2020

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Chiến lược đề ra cho ngành gỗ là đến năm 2015 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 5,4 tỷ USD; năm 2020 đạt 7 tỷ USD.

Theo ông Quyền, muốn đạt được mục tiêu này, phải giải quyết được 3 vấn đề quan trọng: 

Thứ nhất, phát triển mạnh rừng trồng trong nước nhằm giảm mối lo nguyên liệu. Đến nay, diện tích rừng trồng đã đạt 3,3 triệu ha, đến cuối  năm 2020 phải đạt khoảng 4,3 triệu ha rừng trồng.

Thứ hai, xây dựng quỹ phát triển cho ngành gỗ. Quỹ này thông qua các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn phát triển.

Thứ ba, các khách hàng nước ngoài, các tổ chức quốc tế mua hàng sẵn sàng ứng tiền trước cho doanh nghiệp. Được như vậy, doanh nghiệp sẽ không phải lo nguồn vốn đầu tư. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp trước hết phải có thương hiệu, uy tín. Hiện nay đã có doanh nghiệp được khách hàng ứng trước hàng mấy chục triệu USD.

Ông Quyền cho rằng, thực hiện được 3 vấn đề này, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu sản phẩm mới, từ đó phát triển thị trường và kim ngạch xuất khẩu.

Bài toán nguồn nguyên liệu

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ sôi động đang đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Theo thống kê của Bộ Công thương, giá nguyên liệu gỗ cao su liên tục tăng trong các tháng qua với mức dao động từ 20-30%; giá gỗ nhập từ những thị trường chính như Mỹ, New Zealand cũng tăng 20-30%...

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2010, nhu cầu gỗ chế biến giấy và ván sẽ tăng hơn 40% và các loại gỗ như cao su, tràm bông vàng, bạch đàn sẽ đứng đầu nhóm tăng mạnh mẽ nhất.

Hiện ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa bớt lo lắng với giá nguyên liệu nhập khẩu tăng lại phải “gồng” mình cạnh tranh nguyên liệu gay gắt ngay trên sân nhà khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường thu gom nguyên liệu.

Bên cạnh đó, thị trường đồ gỗ sôi động trở lại khiến tình trạng tranh mua nguyên liệu gỗ tăng mạnh dẫn đến giá nguyên liệu tăng cao.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin thương mại - Bộ Công thương, bốn tháng đầu năm 2010 tình trạng xuất khẩu gỗ nguyên liệu qua sơ chế (phần nhiều là gỗ cao su, khoảng 45%) tăng 328% so với cùng kỳ năm 2009. Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ từ gỗ cao su cho biết từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu gỗ cao su liên tục tăng 20-30%.

Để đối phó vấn đề giá nguyên liệu trong nước, mới đây Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM có công văn đề nghị Bộ Công thương có những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xuất khẩu ồ ạt gỗ rừng trồng dạng sơ chế (chủ yếu là gỗ keo, cao su, tràm bông vàng) sang Trung Quốc.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các doanh nghiệp cũng cần chủ động có phương án dự trữ nguyên liệu để tránh rủi ro, chủ động sản xuất cũng như đón đầu nhu cầu của thị trường.

Và mục tiêu 4 triệu ha rừng sản xuất

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết: Theo chiến lược lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 – 2020 đặt mục tiêu sẽ trồng được 4 triệu ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cung cấp ổn định 45 triệu m3 gỗ/năm và mang về 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ.

Nhưng theo tính toán của Hiệp hội gỗ, còn phải chờ ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng chủ động được một phần nguyên liệu trong nước khi các khu rừng trồng gỗ lớn do các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cho khai thác. Còn trong tương lai gần, không có cách nào khác là phải tiếp tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Hiện tại phần lớn đất rừng (gần 5 triệu ha) là do các lâm trường quốc doanh và chính quyền địa phương quản lý, trong khi khoảng 3,1 triệu ha đã được giao cho hơn 1 triệu hộ gia đình và cá nhân, nhưng có 20-30% diện tích được sử dụng đúng mục đích, 70% còn lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn./.

Bài 2: Rào cản và thị trường tiềm năng

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên