Bài 2: Làm gì để thực sự có thị trường xăng dầu

Đi tìm lời giải cho bài toàn đảm bảo an ninh năng lượng, vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường không có con đường nào khác là cởi bỏ cơ chế độc quyền.

Bài 1: Giá xăng dầu, càng điều hành càng rối

Việc vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh cả về giá bán của các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, để tạo ra một thị trường có nhiều giá bán. Tuy nhiên, mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp lại có chung một mức điều chỉnh và thời gian thì cũng… gần như trùng thời điểm. Điều này khẳng định thị trường xăng dầu nước ta đang bị độc quyền về giá. Và một khi Petrolimex là một doanh nghiệp lớn của nhà nước, chiếm giữ tới 60% thị phần xăng dầu cả nước thì đương nhiên cũng chi phối luôn giá cả thị trường này. Còn 10 doanh nghiệp đầu mối khác, cũng vẫn là các doanh nghiệp nhà nước.

Trên nguyên tắc, với thị phần ít hơn, sức ép đảm bảo nguồn cung cũng ít hơn… thì cho dù quyền lợi có được hưởng nhiều hơn cũng chẳng dại gì đưa giá xuống thấp hơn. Nhưng còn một nguyên tắc nữa, quan trọng, mang tính quyết định, đó chính là bởi họ không được quyền định giá, dù giá bán đó thực sự cạnh tranh, thấp hơn so với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác. Và tất yếu dẫn đến một hệ quả là không thể có sự cạnh tranh khi thị trường chỉ có một giá!

Yêu cầu tất yếu

Để đảm bảo kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá - BTC, Tổ trưởng Tổ giám sát Liên bộ Tài chính – Công thương về giá xăng dầu cho biết: sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế, quản lý, điều hành giá xăng dầu, cụ thể là việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 55 với mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền tự chủ về giá, cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh về giá, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời, đảm bảo vai trò quản lý nhà nước về giá hướng vào việc khắc phục tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả của nền sản xuất xã hội, bình ổn giá, ngăn ngừa tác động tự phát của giá thế giới vào hệ thống giá trong nước, đẩy giá trong nước tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.

Để làm được điều này, 3 nguyên tắc điều hành được thiết lập. Đó là: Nhất quán điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng môi trường pháp lý…; DN kinh doanh xăng dầu được quyền quy định giá bán trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính giá, cơ chế kiểm soát giá và các biện pháp bình ổn giá do nhà nước quy định…; Nhà nước hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá thị trường thế giới tăng làm cho giá vốn trong nước tăng đột biến. Qũy bình ổn giá xăng dầu là một khoản trích bằng tiền cụ thể và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá thành để hình thành giá bán tính đúng, tính đủ của giá bán lẻ xăng dầu…

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho rằng, với tỷ lệ thị phần chi phối thị trường khác nhau thì việc quy định như vậy vẫn còn khá cứng nhắc. Đó là chưa kể đến việc thu nộp một mức chung vào quỹ bình ổn giá đối với các doanh nghiệp cũng chưa phù hợp.

Còn ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - BTC thì phân tích: vấn đề mà BCT  đưa ra vẫn dựa trên 3 ý, thứ nhất là có điều kiện để cho DN tự quyết, thứ 2 là nếu mức giá tự quyết quá lớn thì phải xin phép, và thứ là nếu lớn hơn nữa thì nhà nước lại sẽ can thiệp. Việc làm này vẫn ở trong vòng luẩn quẩn - và đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự can thiệp của Nhà nước như trước.

Theo ông Ánh, phương án quản lý giá thời gian tới với tính chất của thị trường Việt Nam hiện nay thì nên để Nhà nước công bố giá trần bán lẻ xăng dầu chứ không giao quyền đó cho DN...

Đi vào chi tiết hơn, ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng công ty xăng dầu quân đội, cho rằng: Nhà nước điều chỉnh chỉ khi xảy ra  mất cân đối lớn, còn những điều chỉnh nhỏ thì nên giao cho DN.

Không chỉ có những ý kiến trái chiều về cơ chế quản lý giá giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp mà ngay cả khoảng thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá vẫn còn 2 ý kiến khác nhau của chính Liên bộ. Bộ Tài chính cho rằng vẫn nên giữ là 20 ngày như hiện nay theo số ngày quy định dự trữ xăng dầu trong lưu thông, còn BCT kiến nghị chỉ nên là 10 ngày…

Bao nhiêu doanh nghiệp đầu mối là đủ?

Bên cạnh vấn đề về giá thì số lượng DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng được quan tâm đặc biệt. Nhiều chuyên gia cho rằng, 11 DN đầu mối là quá ít, và tất cả DN này đều là DN nhà nước thì sức ỳ lớn đồng nghĩa với sức cạnh tranh không cao. Vì thế, nên khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia nhập khẩu, cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Ông Dương Cao Sơn - PGĐ Công ty CP hóa dầu quân đội, cho rằng: Với những đầu mối nhập khẩu có đủ năng lực uy tín và năng lực về tài chính thì cũng nên mở. Đã gọi là thị trường thì phải phong phú, đa dạng, nhiều thành phần. Vấn đề là quản lý của Nhà nước như thế nào, theo quan điểm của tôi, càng mở rộng càng tốt…

Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương thì các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… chỉ có vài ba đầu mối nhưng tính cạnh tranh rất cao. Vì thế chỉ cần vài ba doanh nghiệp đủ mạnh vừa đủ sức cạnh tranh với nhau, vừa có thể cạnh tranh quốc tế thì đã đảm bảo có được một thị trường thực sự rồi. Vấn đề vẫn là phương cách quản lý ở tầm vĩ mô. Nên giao quyền quyết định giá bán lẻ cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để họ điều tiết thị trường, có thế mới tạo được sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đến từng đại lý, cửa hàng, cây xăng...

Ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng công ty xăng dầu Quân đội, đề xuất: “Thuế phải ổn định. Nhà nước cần có qui hoạch mạng lưới kho cảng xăng dầu và quản lý chặt chẽ hơn mạng lưới phân phối”.

Còn ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Nên giao tự chủ cho các doanh nghiệp nhiều hơn. Tự chủ không những về nguồn cung mà tự chủ trong cả việc hoạch định chính sách kinh doanh của họ đồng thời tự chủ trong việc định giá kinh doanh của họ theo cơ chế giá thị trường và tuân thủ mục tiêu quản lý của nhà nước. Doanh nghiệp cũng cần tự chủ hơn trong việc xây dựng mạng lưới kinh doanh”.

Vấn đề đặt ra là, nếu đã quyết định đưa xăng dầu theo cơ chế thị trường thì ngay từ bây giờ chúng ta buộc phải tuân thủ những nguyên tắc, cơ chế đã ban hành nhưng không thực hiện hoặc chưa thể thực hiện được thời gian qua. Phải mạnh dạn thay đổi cơ chế từ điều hành trực tiếp kiểu xin - cho - áp đặt bằng cơ chế quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, như: quản lý và minh bạch cách tính các khoản thu (thuế, phí) cộng thêm để tạo thành giá xăng dầu, xây dựng cơ sở hạ tầng đủ mạnh cả về hệ thống cầu, cảng, hệ thống phân phối… và quan trọng hơn, đó là việc xây dựng một bộ máy quản lý Nhà nước với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu về lĩnh vực hàng hóa đặc biệt quan trọng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên