Bài học về những trái dưa hấu đắng ở Lạng Sơn

VOV.VN -Câu chuyện ách tắc hàng nông sản ồ ạt cùng thời điểm ở Lạng Sơn lại tiếp diễn, gây thiệt hại nặng nề cho người dân chưa có hồi kết

Ảnh: Tuổi trẻ


Dòng  xe tải chở nông sản, trong đó chủ yếu chở dưa hấu tiếp tục dồn về phía các cửa khẩu Lạng Sơn. Gần 10 năm qua câu chuyện ách tắc hàng nông sản ồ ạt cùng thời điểm ở Lạng Sơn lại tiếp diễn, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người dân mà chưa có hồi kết. Thực tế này một lần nữa cảnh báo bài học về công tác dự báo thị trường cũng như quy hoạch vùng sản xuất nông sản.

Cứ vào vụ dưa hấu mỗi năm, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam...  ở tỉnh Lạng Sơn, tấp nập xe tải chở hàng nông sản từ các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam, gây ùn tắc cục bộ trên các tuyến đường gần khu vực biên giới.

Năm nay do các tỉnh phía Nam được mùa dưa nên lượng hàng nông sản đổ về cửa khẩu tăng đột biến khiến các lực lượng chức năng phải dồn sức giải tỏa ùn tắc. Hiện mỗi ngày, khoảng 800 xe container vào khu vực cửa khẩu Tân Thanh.

Hàng trăm xe container xếp hàng trên đường, có xe đã chờ cả 1 tuần chưa tới được cửa khẩu. Lực lượng Cảnh sát giao thông phải huy động hết quân số, trực tiếp phân luồng, dồn từng đoạn, khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ồ ạt dồn lên cửa khẩu. Hơn 2.000 lái xe tải mệt mỏi ngóng về phía trước chờ đợi tới lượt thông quan. Thế nhưng, các chủ hàng đã thu mua và quay trở ra không được, ở  lại cũng không xong nên đành cố chen chân lên cửa khẩu. Thậm chí, nhiều xe đã xuất được hàng nhưng bị trả lại quá nửa vì dưa hấu, thanh long, nhãn tươi có dấu hiệu hư hỏng. 

Chủ hàng Vũ Thị Nguyệt ngao ngán: “Tôi có 11 xe hàng chủ yếu là dưa hấu và thanh long được thu mua từ Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai… Lượng xe quá nhiều gây ách tắc khiến hai bên đều không thể thông quan nhanh được. Hiện chỉ chờ bên Trung Quốc thông thoáng bến bãi là xe sang nhưng do đã nằm chờ nhiều ngày nên lượng hoa quả tươi có thể bị hư hỏng thì phía bạn sẽ không nhập”.

Tình trạng ách tắc xuất khẩu hàng nông sản nói chung và mặt hàng dưa hấu diễn ra liên tiếp trong 10 năm qua. Các mặt hàng chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch nên giữa người bán với người mua đều không có giao kèo hợp đồng, đặt cọc trước. Các thương nhân Trung Quốc yêu cầu hàng hóa đóng gói, có xuất xứ thì người dân nước ta thường chở dưa đóng sọt, lót rơm khô, sang bên kia biên giới lại mất thời gian kiểm, đếm, bọc hàng nên vừa chậm, vừa trượt giá.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, chỉ cần cuộc gọi điện thoại của chủ hàng ở biên giới có nhu cầu mua giá cao thì tiểu thương ùn ùn đưa hàng lên bán. Trong khi cửa khẩu Tân Thanh là “nút cổ chai” không thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu lượng hàng hóa lớn trong thời điểm ngắn.

Ông Nguyễn Văn Chương, Chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Thanh, cho biết:  Hiện cán bộ hải quan đã làm hết công suất cũng chỉ thông quan được đến chừng 300 xe một ngày và trung bình mỗi xe phải đợi 6 ngày nữa mới đến lượt xuất khẩu. Khi hàng hóa nhiều thì nguy cơ phải giảm giá là việc khó tránh khỏi. Các địa phương cần thông tin với nhau để tiêu thụ nội địa và dàn trải sang các cửa khẩu khác trong tỉnh Lạng Sơn, hay ở các tỉnh phía Bắc.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Cửa khẩu chỉ là ngọn của vấn đề, cốt lõi là giải quyết mối tương quan giữa cung với cầu, cụ thể sản xuất nông nghiệp và chế biến sau bảo quản hoa quả. Hệ thống chế biến sâu, nước ép hoa quả gần như chưa có. Khâu vận chuyển chỉ mới dừng lại xếp trong ổ rơm, chưa chủ động phân loại hàng nên khi tháo dỡ phải tốn thêm nhiều thời gian bốc hàng, phân loại.

Rõ ràng, bài toán kinh tế khi nhu cầu có mức độ nhưng mức cung lớn hơn thì chỉ có người nông dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Dư luận cả nước đang đặt câu hỏi đối với ngành công thương và nông nghiệp về năng lực dự báo thị trường cũng như khuyến cáo tới người trồng, thương lái còn kém.

Dù giải tỏa ách tắc ở phía cửa khẩu nước ta được thì cũng khó lòng giải tỏa ách tắc phía nước bạn khi mà quyền chủ động chưa thuộc về các doanh nghiệp và người nông dân.

Định hướng của ngành nông nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Người dân chạy theo phong trào trồng cây có giá trị cao nhưng chưa thấy được hậu quả khi bị ách tắc trong khâu tiêu thụ. Đây là bài học cho mùa dưa tới.

Ông Hoàng Mạnh Cầu, Trưởng Trạm trưởng trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Lạng Sơn), nêu ý kiến: “Cần phải cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ, xác định đầu ra nhu cầu tiêu dùng hằng năm, nhược điểm sản xuất ồ ạt chưa theo quy hoạch nào cả, có thể dẫn đến tình trạng năm nay dư thừa sang năm lại thiếu. Đề nghị các nhà quản lý cần có hoạch định chính sách, thu thập thông tin từ nước bạn căn cứ nhu cầu trên cơ sở đó hoạch định chính sách từ đó giảm ách tắc cục bộ.

Người nông dân chỉ biết sản xuất, không thể cân đối, dự báo được nhu cầu tiêu thụ. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các địa phương cần thông tin kịp thời hướng dẫn người dân về cơ cấu cây trồng, mặt khác tìm hiểu thị trường và tìm đầu ra cho các sản phẩm ấy.

Mặc dù bài học về công tác dự báo thị trường không còn mới  nhưng nếu cứ để nông dân sản xuất theo phong trào để rồi dư thừa thì điệp khúc “thừa hàng” ách tắc xuất khẩu sẽ xảy ra.

Theo dự báo Cục Hải quan Lạng Sơn, những ngày sắp tới sẽ còn khoảng 1700 xe tải chở nông sản chờ thông quan. Giờ đây, chủ hàng, lái xe vẫn chỉ biết khắc khoải chờ đợi khi nhìn trái dưa hấu ngon ngọt bắt đầu có vị đắng mà nguyên nhân đầu tiên do thiếu thông tin thị trường từ phía các cơ quan chức năng ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên