Ban Kinh tế Trung ương: Tham mưu các chính sách về kinh tế

Ban Kinh tế Trung ương được xác định là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực KT-XH

Ông Vương Đình Huệ là Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương

Theo quyết định của Bộ Chính trị, chức năng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương gồm 8 đơn vị, trong đó có 6 vụ chức năng, được giao thực hiện 5 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế-xã hội của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan về các đề án, dự án kinh tế -xã hội lớn.

Thứ hai, thẩm định các đề án về kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định,… của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế-xã hội.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ tư, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan kinh tế-xã hội theo phân công, phân cấp.

Thứ năm, thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Có quyền yêu cầu các đơn vị trong khối kinh tế-xã hội báo cáo định kỳ hoặc đột xuất

Quyết định của Bộ Chính trị cũng quy định mối quan hệ công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, là quan hệ phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất; thẩm định đề án; triển khai thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội và để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương có quan hệ phối hợp trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội của Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương có quyền yêu cầu các ban cán sự đảng bộ, ngành ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước có liên quan trong khối kinh tế-xã hội báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có quyền cử cán bộ, chuyên viên nghiên cứu của Ban tham dự các cuộc họp để bàn triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; chủ trương công tác của các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt thuộc phạm vi được phân công về lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Khả năng mời chuyên gia kinh tế uy tín kiêm nhiệm

Theo Quyết định 161, Ban Kinh tế Trung ương gồm có trưởng ban, các phó trưởng ban gồm cả chuyên trách và kiêm nhiệm. Quy định như vậy là khác với quy định trước đây - nêu rõ bốn phó trưởng ban chuyên trách là thứ trưởng một số bộ thuộc lĩnh vực KT-XH.

Do đó mở ra khả năng phó trưởng ban kiêm nhiệm có thể gồm cả chuyên gia kinh tế đầu ngành thuộc các viện nghiên cứu KT-XH lớn ở trung ương. Đây là quan điểm được thống nhất cao trong quá trình xây dựng đề án tái lập Ban Kinh tế Trung ương và cũng là điểm mới so với tổ chức, bộ máy Ban Kinh tế Trung ương trước đây.

Tám đầu mối tham mưu

Với quyết định tái lập Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương, đến nay tổ chức bộ máy tham mưu cho BCH Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm tám đầu mối: Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

So với quan điểm tổ chức sau Hội nghị Trung ương 4 khóa X (tháng 1/2007) về “đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng...” thì số đầu mối tăng thêm hai. Nhưng so với trước đó thì vẫn ít hơn ba đầu mối, là Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tài chính quản trị Trung ương và Ban Bảo vệ chính trị nội bộ - sau Trung ương 4 khóa X đã giải thể, sáp nhập chức năng vào Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương
Ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương

(VOV) -Hiện tại, ông Huệ vẫn kiêm nhiệm Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương

(VOV) -Hiện tại, ông Huệ vẫn kiêm nhiệm Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài chính.