Các đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ nhưng luôn bị động

Các đơn vị chưa được tự quyết định biên chế, cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị...

Bộ Tài chính và Nội vụ vừa tổng kết Nghị định số 43 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Vẫn mang nặng tư duy bao cấp

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thẳng thắn thừa nhận: Quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là với các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập, yếu kém. Việc triển khai ở nhiều lĩnh vực còn chậm đổi mới, nặng về tư duy bao cấp, các đơn vị chưa chủ động huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển dịch vụ.

Dẫn chứng cho nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: “Đến thời điểm này mới có Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư hướng dẫn. Một số Bộ, ngành quản lý ngành, lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành”.

Các đơn vị chưa được tự chủ theo đúng nghĩa (ảnh KT)

Theo Nghị định 43, đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế. Tuy nhiên thực tế các đơn vị chưa được tự quyết định biên chế, cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị, đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị; dẫn đến có trường hợp giao nhiều biên chế, bộ máy cồng kềnh, trong khi nguồn thu của đơn vị không tăng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, thu nhập tăng thêm của cán bộ trong đơn vị… mà thực tế đơn vị chỉ cần ký hợp đồng thuê, khoán một số công việc đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên.

Và còn hàng loạt bất cập khác được nêu ra khi thực hiện Nghị định này như việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên; sự lung túng trong nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng hoạt động sự nghiệp của đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí nên còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước và cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình đẩy nhanh xã hội hóa đối với những dịch vụ công.

Và cần quyền tự chủ đầy đủ

Thực tế thực hiện cho thấy, một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp (như chế độ học phí, viện phí…); cũng như nhiều định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn ngành đã lạc hậu hoặc còn thiếu (định mức giờ giảng, định mức biên chế theo lĩnh vực, theo ngành, nghề...) chưa được ban hành hoặc sửa đổi kịp thời, nên hạn chế tính tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Trần Quang Quý cho rằng: Mặc dù NĐ 43 có quy định quyền tự chủ tài chính, song còn thiếu cơ chế khuyến khích các đơn vị tăng thu. Cơ chế thu bị khống chế ở mức tại các nhà trường chủ yếu là học phí. Vừa qua Chính phủ có Nghị định 49 tháng 5/2010 thực hiện Nghị quyết 35 của QH nhưng mức thu này còn thấp so với chi phí đào tạo. Do vậy khó khăn cho các nhà trường.

Còn chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ đã đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu, trên cơ sở tiêu chí của Bộ đã đề ra về số sinh viên/giáo viên, cũng như là số diện tích đất xây dựng/SV. Hai tiêu chí này cũng hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh, vì phải đảm bảo chất lượng. Do vậy, nguồn thu từ học phí còn thấp và cần tiếp tục nghiên cứu để bù đắp chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng cho rằng, cần cho phép các trường gửi các khoản thu lệ phí và học phí tại ngân hàng thương mại, để có lãi suất thực hiện các hoạt động. Thực tế hiện nay chỉ được gửi vào kho bạc thì không có chút lãi suất nào. Cũng cần giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường, để chủ động đảm bảo đầy đủ chi phí thường xuyên theo sử dụng thu hợp pháp để đầu tư trang thiết bị xây dựng phục vụ hoạt động. Đối với đơn vị công lập thì kiểm toán hàng năm và công khai kết quả tài chính của đơn vị.

Qua ba năm thực hiện Nghị định 43, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, lại tăng gánh nặng lo công ăn việc làm cho người lao động và trụ sở làm việc tăng đáng kể. Nhiều cơ sở thành lập nhưng không xét đến tính bền vững lâu dài, đặc biệt là về biên chế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài Nguyên - Môi trường tăng lên đáng kể.

Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì thấy, về tổ chức bộ máy, biên chế, giúp các đơn vị chủ động hơn. Nhưng tại Bộ, hầu hết các đơn vị đều phân loại vào nhóm đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí còn rất ít (52/79 đơn vị). Các đơn vị tự đảm bảo kinh phí đều chủ động tìm được nguồn và tăng thêm thu nhập, đảm bảo được nhiệm vụ nhà nước giao. Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng gặp vướng mắc. Thứ nhất là quy định các khoản chi thường xuyên và không chi thường xuyên là chưa phù hợp. Ví dụ chi cho các hoạt động dịch vụ, kể cả thực hiện nghĩa vụ với NSNN, trích khấu hao, trả lãi, trả vốn lại được xếp vào chi thường xuyên. Hay chi Nhà nước đặt hàng, lại xếp vào chi không thường xuyên dẫn đến khó khăn thanh toán đối với kho bạc.

Còn đối với địa phương như Thanh Hóa, bà Đinh Cẩm Vân (Giám đốc Sở Tài chính) cho rằng, khả năng tự chủ tài chính rất thấp. Toàn chính có 1.929 đơn vị thực hiện theo Nghị định 43 nhưng chỉ có 9 đơn vị tự trang trải được 100% kinh phí. Còn lại các đơn đơn vị gần như vẫn dựa vào ngân sách. Cũng có một số ít các đơn vị y tế và đào tạo trang trải được 1 phần.

Bà Vân cũng cho rằng, NĐ 43 thực sự chỉ hiệu quả ở những địa bàn thuận lợi, địa bàn lớn. Còn cơ bản các địa bàn vẫn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, theo tổng kết của Bộ Tài chính và Nội vụ, thu nhập của người lao động giữa các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động (không khống chế thu nhập); đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương cấp bậc chức vụ); đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí (tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương cấp bậc chức vụ) có sự chênh lệch lớn; chưa phản ánh đúng sự đóng góp của người lao động vì (chủ yếu do yếu tố về địa bàn, lĩnh vực hoạt động hoặc ưu đãi của cơ chế đem lại: các đơn vị có thu nhập cao chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, nguồn thu chủ yếu từ phí do nhà nước ban hành; một số đơn vị có ngành nghề độc quyền… Ngược lại các đơn vị có thu nhập thấp do cơ chế chính sách không cho phép thu, hoặc đóng tại địa bàn khó khăn)./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên