Các nhà khoa học hiến kế phát triển Ninh Thuận

VOV.VN - TS Trần Du Lịch: Ninh Thuận cần tập trung vào 3 nhóm ngành lớn là nông -ngư nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.

>> Xây dựng hệ thống điện cho thi công Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận/
>> Ông Đinh Thế Huynh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận

Sáng nay, lần đầu tiên, tỉnh Ninh Thuận mời hơn 200 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, doanh nghiệp trong cả nước về địa phương hiến kế, tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích hơn 3.350 km2 với dân số khoảng 590 ngàn người. So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, chậm phát triển. Không có sẵn nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, nên tỉnh Ninh Thuận cần có một chiến lược mang tính đột phá để vực dậy nền kinh tế - xã hội của địa phương.

Các nhà khoa học hội thảo phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, từ năm 2016 trở đi, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung vào 3 nhóm ngành lớn là: nông - ngư nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến.

Đó là một trong những định hướng quan trọng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Ninh Thuận. Tiến sĩ Trần Du Lịch nói: “Chúng ta phải phát huy lợi thế về nông nghiệp, đặc biệt là ngư nghiệp. Nó nằm trong tầm tay và chúng ta phải tính toán. Chúng ta cũng khai thác thể mạnh cũng như tạo ra điểm nhấn về du lịch và phải gắn kết chặt chẽ Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng với nhau…”. 

Cùng với đó, Ninh Thuận nên ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện gió. Bởi nguồn gió dồi dào là lợi thế hiện có của địa phương. Nếu như tới đây giá điện được điều chỉnh và nâng sức mua lên ở mức 10 cent/1kWh, địa phương có thể thu hút nhiều nhà đầu tư.

Căn cứ trên điều kiện sẵn có của Ninh Thuận, Tiến sĩ Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương đề xuất tỉnh Ninh Thuận cần xác định 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đó là: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Địa phương cải cách thể chế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành các chính sách thu hút nhân tài, đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và du lịch.

Còn theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận cần đổi mới tư duy về vấn đề đầu tư. Không phải nhà đầu tư nào cũng cho vào ngay, mà phải có sự chọn lọc. Với quy mô kinh tế nhỏ, tốt nhất tỉnh Ninh Thuận nên chọn những nhà đầu tư chiến lược. Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên nói: “Bây giờ, Ninh Thuận trong tầm nhìn hội nhập, tính toán một cách đột phá, phải tính đến những nhà đầu tư chiến lược. Ninh Thuận hiện nay đã có những chương trình ưu tiên. Trong điều kiện quy mô nhỏ lại cần đến những nhà đầu tư chiến lược để khỏi băm nhỏ ra tiếp. Nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp Ninh Thuận vượt lên đẳng cấp cao, chứ không phải đi từng bước. Nếu đi từng bước, Ninh Thuận sẽ mãi mãi đi sau và thụt lùi”. 

Một số ý kiến cũng cho rằng địa phương cần tập trung vào một vài ngành gắn với lợi thế của địa phương để phát triển, có như vậy mới tạo nên sự độc đáo, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Trên cơ sở tiếp thu các ý tưởng, các đề xuất nêu ra tại hội thảo, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu đề án cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể nhằm bổ sung và hiện thực hóa các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên