Lạng Sơn sau 1 năm chính thức thông quan điện tử:

Cần “thông quan” đồng bộ cả hệ thống

Việc thực hiện thông quan điện tử như một luồng gió mới trong CCHC ngành Hải quan, đem lại nhiều lợi ích cho DN. Sau 1 năm, việc thực hiện cũng bộc lộ không ít khó khăn, cần  phải có sự cải cách đồng bộ của các cơ quan liên quan…

Chúng tôi có mặt ở khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vào giữa giờ chiều một ngày cuối năm. Khác hẳn với cảnh nhộn nhịp của hàng đoàn xe tải, xe container nối đuôi nhau chở hàng nông sản, máy móc thông quan qua cửa khẩu, thì tại khu vực làm thủ tục thông quan lại khá vắng vẻ. Tại mỗi cửa khẩu đều có 4-5 ô cửa để doanh nghiệp vào làm thủ tục thông quan, nhưng thỉnh thoảng mới có ô có người đến làm thủ tục.

Giảm sức người, tăng sức của

Lý giải băn khoăn của chúng tôi, ông Trần Văn Nghĩa, Chi cục Phó Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, nếu như so với làm thủ tục thông quan truyền thống, doanh nghiệp phải chờ khoảng 30 phút để làm tờ khai thì từ việc thực hiện thông quan điện tử, thời gian đã rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 3-5 phút. Đến nay, tại cửa khẩu Tân Thanh có khoảng 70,54% lượng tờ khai đã được thực hiện qua hình thức thông quan điện tử.

Ông Bế Thái Hưng

Qua trò chuyện với chúng tôi tại bàn làm thủ tục thông quan điện tử, anh Lê Sỹ Hân, Công ty TNHH Hà Thành, Hà Nội cho biết, trước kia, anh mất ít nhất vài ba ngày để làm thủ tục nhập hàng. Nhiều lúc nếu khai không đúng lại phải làm lại rất mất thời gian. Từ khi thực hiện việc thông quan điện tử, anh chỉ việc khai tờ khai ở nhà, rồi gửi qua mạng để cơ quan Hải quan kiểm tra lại. Nếu tờ khai đã đầy đủ hay còn thiếu những chi tiết gì đều được thông báo lại ngay sau đó vài chục phút và doanh nghiệp có thể đến lấy kết quả. “Doanh nghiệp chúng tôi chuyên kinh doanh về nông sản, hoa quả nên thời gian đối với chúng tôi rất quan trọng. Hàng càng về sớm thì càng tránh được thất thoát, hư hỏng. Trước kia ngày nào chúng tôi cũng phải có mặt ở cửa khẩu để làm thủ tục nhập, bốc dỡ hàng. Từ khi thực hiện thủ tục thông quan điện tử, nhân viên của công ty chỉ việc ngồi ở nhà khai báo toàn bộ yêu cầu của hệ thống rồi gửi qua mạng để hải quan kiểm tra. Sau đó chúng tôi sẽ nhận được thông báo tờ khai đầy đủ và lên cửa khẩu làm thủ tục trong vòng 3-5 phút để đưa hàng về. Do đó doanh nghiệp giảm được rất nhiều chi phí về nhân công, photo giấy tờ, chi phí in ấn…”- Anh Hân phấn khởi nói.

Còn tại Chi cục hải quan Ga Đồng Đăng, lúc chúng tôi đến đây mới khoảng hơn 2 giờ chiều- “giờ vàng” mà trước kia các doanh nghiệp thường đến giao dịch. Nhưng trước mắt chúng tôi, mặc dù cán bộ hải quan vẫn làm việc đông đủ nhưng không khí giao dịch ở đây lại vắng vẻ hơn nhiều so với ở cửa khẩu Tân Thanh.

Giải thích về sự “vắng vẻ” này, ông Bế Thái Hưng, Chi Cục phó Chi cục Hải quan Ga Đồng Đăng cho biết, một phần do đặc thù của Ga Đồng Đăng là vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt nên phần lớn hàng hóa giao dịch qua cửa khẩu thường có số lượng lớn, từ vài chục tấn tr lên và chủ yếu là các mặt hàng như: phân bón, sắt, thép, quặng sắt… Vì đặc thù như vậy nên số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng ít hơn nhiều so với ở các cửa khẩu đường bộ. Mặt khác, từ tháng 1/2010, Ga thực hiện việc thông quan điện tử nên các doanh nghiệp chỉ việc ở nhà khai báo tờ khai qua mạng và lên Ga làm thủ tục thông quan 3-5 phút là được nhận hàng về.

Anh Nguyễn Duy Hòa

Anh Nguyễn Duy Hòa, đội nghiệp vụ Chi cục thông quan điện tử 15, Ga Đồng Đăng- người trực tiếp làm các thủ tục thông quan điện tử cho biết, so với thủ tục hải quan trước đây, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để đem hồ sơ, giấy tờ đến cửa lên làm thủ tục. Nếu hồ sơ không xảy ra sai sót gì thì có thể trong thời gian 30 phút có thể hoàn tất thủ tục. Nhưng nhiều trường hợp, hồ sơ vẫn cần chỉnh sửa hoặc thay đổi dữ liệu thì doanh nghiệp lại phải quay về công ty để làm lại. Còn đối với thủ tục hải quan điện tử, tất cả hồ sơ có thể scan trên máy hoặc qua hệ thống dữ liệu nên việc đối chiếu hồ sơ, số liệu thuận lợi hơn rất nhiều.

Đến nay, sau gần 1 năm thực hiện, Ga Đồng Đăng đạt đến 90% làm thủ tục giao nhận qua hệ thống thông quan điện tử. Số còn lại là những doanh nghiệp ít giao dịch hoặc lần đầu tiên làm thủ tục tại Ga, chưa đăng ký thủ tục thông quan điện tử. Do đó việc họ ở lại chờ đăng ký làm thủ tục hải quan điện tử khá lâu, có thể là 2 – 3 ngày, hàng hoá bị lưu lại kho bãi, chi phí sẽ đẩy lên cao. Vì thế, cơ quan Hải quan linh động cho doanh nghiệp được thực hiện khai theo phương pháp truyền thống để thuận tiện cho họ.

Sớm “điện tử hóa” đồng bộ

Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục hải quan Lạng Sơn cho biết, sau 1 năm chính thức áp dụng thực hiện việc thông quan điện tử, đến nay cả 6 Chi cục thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn gồm: Bắc Giang, Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma, Cốc Nam, Tân Thanh đều đã thực hiện thông quan điện tử. 100% chi cục thực hiện đạt 70% về lượng tờ khai và kim ngạch, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 50% được giao.

Ông Nguyễn Công Trưởng

Hiện Cục Hải quan Lạng Sơn đang quản lý 2.220 doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì có khoảng 475 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện thông quan điện tử. Tính đến 12/12/2010, toàn cục nộp ngân sách 2.011,6 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2009 và vượt 140% kế hoạch được giao.

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, kết quả lớn nhất trong việc thực hiện thủ tục thông quan điện tử là cải cách thủ tục hành chính về hải quan. Với việc làm thủ tục nhanh chóng, giảm thời gian từ việc phải giao dịch qua nhiều khâu thì giờ đây chỉ cần làm việc với hai bộ phận là tiếp nhận và trả hồ sơ. “Rút ngắn được thời gian làm giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Đặc biệt, do ít tiếp xúc với cán bộ hải quan, doanh nghiệp đỡ bức xúc và ngược lại, lực lượng hải quan ít tiếp xúc với doanh nghiệp thì sẽ ít gây phiền hà dẫn đến tiêu cực. Đây là việc làm mà chúng tôi được các doanh nghiệp ủng hộ rất cao”- ông Nguyễn Công Trưởng chia sẻ.

Dù có nhiều ưu điểm, nhưng sau 1 năm thực hiện chính thức, việc thông quan điện tử cũng đang dần bộc lộ những khó khăn cần sớm khắc phục. Trước hết là phần mềm hệ thống thông quan vẫn chưa qua giai đoạn thử nghiệm, vẫn xảy ra một số lỗi khi vận hành. Ông Bế Văn Hưng cho biết, tại Ga Đồng Đăng, do mới được thí điểm nên ban đầu phần mềm chạy chưa ổn định, chưa thích ứng với các chương trình khác, dẫn đến thông tin còn chậm, chưa chính xác.

Chia sẻ với những khó khăn này, anh Lê Sỹ Hân, Công ty TNHH Hà Thành, Hà Nội cho rằng: “Chúng tôi thỉnh thoảng cũng gặp phải trường hợp là mạng đang chạy thì bị nghẽn, thủ tục hải quan tạm dừng, đôi khi mất điện thì bị mất dữ liệu… Dĩ nhiên trong giai đoạn đầu còn có những khó khăn nhất định, chương trình vừa vận hành vừa sửa chữa, nhưng về lâu dài, đề nghị Tổng Cục Hải quan xem xét, điều chỉnh lại hệ thống phần mềm ổn định hơn”.

Tuy vậy, tồn tại lớn nhất mà có lẽ cán bộ hải quan nào làm nhiệm vụ thông quan điện tử cũng dễ nhận ra: “Khập khiễng” giữa việc sử dụng hệ thống điện tử và hệ thống văn bản giấy tờ.

Ông Bế Thái Hưng, Chi Cục phó Chi cục Hải quan Ga Đồng Đăng cho biết, hầu hết chủng loại các mặt hàng xuất nhập khẩu qua Chi cục Ga Đồng Đăng đều là hàng quản lý Nhà nước về chất lượng, xuất nhập khẩu có giấy phép, trọng điểm về giá… Những vấn đề này chưa có sự đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý, vì thế khi làm thủ tục hải quan đa số hồ sơ đều phải thực hiện việc chuyển luồng kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Như vậy, doanh nghiệp ngoài việc khai báo làm thủ tục thông quan điện tử vẫn phải mang hồ sơ để kiểm tra chi tiết hoặc xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế. Hoặc khi làm thủ tục thông quan qua hệ thống mạng, nhưng khi thanh toán doanh nghiệp lại phải mang tiền đến kho bạc… Đây dẫn đến việc chưa thuận lợi, doanh nghiệp không thấy được tiện ích của thủ tục thông quan điện tử, sẽ nảy sinh tư tưởng không muốn tiếp tục thực hiện.

Làm thủ tục thông quan điện tử tại cửa khẩu Tân Thanh

Ông Nguyễn Công Trưởng cũng cho rằng, thực hiện thủ tục hải quan điện tử là một điều tất yếu phù hợp với xu thế hội nhập nhưng nếu chỉ một mình ngành Hải quan thực hiện cải cách thì chưa đủ, mà phải có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. “Khi một tờ khai hải quan được tiếp nhận và thông quan ngay trong 3-5 phút nhưng doanh nghiệp có khi cả ngày vẫn chưa thực hiện xong các khâu bốc xếp, vận chuyển… Lý do là nhiều yếu tố liên quan đến bến bãi, các chức năng quản lý cửa khẩu chưa được cải cách. Vì thế phải có sự cải cách đồng bộ và triểu khai thành hệ thống thì các lĩnh vực thông quan mới thực sự hiệu quả”- ông Trưởng nói.

Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử như một luồng gió mới trong cải cách hành chính ngành Hải quan, đồng thời đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện còn bộc lộ không ít những khó khăn đòi hỏi phải có sự hợp tác mạnh mẽ của các cấp, các ngành. Có như vậy, việc thông quan điện tử mới đem đến những hiệu quả thiết thực, khẳng định vững chắc bước tiến dài trong hội nhập với kinh tế thế giới của hải quan Lạng Sơn nói riêng và của toàn ngành Hải quan nói chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên