Chủ tịch ADB tới Việt Nam dự hội nghị tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Hội nghị “Tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với đói nghèo và phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương” là hội nghị quan trọng đầu tiên về các tác động xã hội của cuộc khủng hoảng đối với khu vực

Theo Văn phòng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Haruhiko Kuroda sẽ tới Việt Nam để tham dự hội nghị quốc tế về tác động xã hội của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hơn 300 đại biểu đến từ các nước, các tổ chức dân sự-xã hội, các viện nghiên cứu, các cơ quan phát triển song phương và đa phương sẽ tham dự hội nghị.        

Hội nghị “Tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với đói nghèo và phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương” do Ngân hàng Phát triển châu Á cùng Chính phủ Việt Nam, Ban Thư ký ASEAN, Chính phủ Trung Quốc phối hợp tổ chức. Đây là hội nghị quan trọng đầu tiên về các tác động xã hội của cuộc khủng hoảng đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Giám đốc phụ trách Nhóm nghiên cứu Đói nghèo của Chính phủ Trung Quốc Wenkai Zhang và Phó Tổng Thư ký ASEAN, Misran Bin Karmain sẽ là nhưng diễn giả quan trọng của hội nghị.

Hội nghị Hà Nội lần này sẽ tập trung vào việc thảo luận làm thế nào để các nhà hoạch định chính sách có thể biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội để cải cách hệ thống thị trường lao động và xã hội nhằm đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và bền vững trong khu vực.

Một loạt các câu hỏi sẽ được đưa ra phân tích và tìm lời giải đáp như: Tác động nào của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên người nghèo ở Châu Á? Bao nhiêu dân cư của Châu lục này bị đẩy trở lại xuống dưới chuẩn nghèo? Những hậu quả nào từ cơn xoáy gây ra bởi sự mất việc làm của cả triệu lao động nhập cư? Làm thế nào để các gói kích thích tài khóa có thể được sử dụng cho việc xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội bền vững ở châu Á?

Các chính phủ có thể làm gì để cân đối lại thị trường lao động và các chính sách tăng trưởng nhằm cung cấp công việc thích đáng hơn đối với các nhóm có thu nhập thấp? Làm thế nào để tăng trưởng trong tương lai của Châu Á mang tính toàn diện hơn thời gian qua?

Theo ước tính của ADB, nếu như tăng trưởng cao của Châu Á không dừng lại trong năm qua, 60 triệu người đã có thể thoát khỏi mức nghèo với dưới mức 1,25 USD mỗi ngày, và 100 triệu người (những người dễ bị tổn thương do đói nghèo) đã thoát khỏi mức cận nghèo với dưới mức 2 USD mỗi ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên