Chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm tăng cao

(VOV)-Để thị trường chứng khoán ổn định và phát triển bền vững, năm 2013 rất cần ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư…

Sáng 9/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2013.

Năm 2012, rất khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng dương

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, cho biết: năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, chỉ số TTCK của Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng cao trên thế giới. Đến cuối năm 2012, chỉ số VN-Index đứng ở mức 413,73 điểm, tăng 17,7% và chỉ số HNX đứng ở mức 57,09 điểm, giảm 2,8% so với cuối năm 2011.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng (đứng): Phải ưu tiên duy trì ổn định và sự bền vững của thị trường chứng khoán

Mức vốn hóa thị trường năm qua ở mức 765.000 tỷ đồng (tăng 226.000 tỷ đồng so với năm 2011) và ở mức 26% GDP. Trong đó, vốn hóa tại sàn HOSE chiếm 87%; sàn HNX có tổng giá trị vốn hóa thấp hơn tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá do có 283/391 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá. Đồng thời, năm qua bình quân khối lượng giao dịch mỗi phiên đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2011.

Tính chung 2 sàn, có 704 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá 338,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011.

Về hoạt động đầu tư, năm 2012 dòng vốn tăng trở lại chủ yếu vào những tháng cuối năm. Số lượng nhà đầu tư đạt khoảng 1,2 triệu tài khoản. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần đạt 300 triệu USD, tăng 25% so với năm 2011.

Tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư

Để duy trì ổn định và phát triển TTCK năm 2013 và các năm tiếp theo, UBCKNN đưa ra 8 nhóm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho TTCK, như: không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; và các giải pháp khác về thuế, thanh khoản, cổ phần hóa, triển khai các sản phẩm mới, tăng cường và nâng cao công tác kế toán - kiểm toán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô phải được chú trọng hàng đầu, nếu không sẽ không thể tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Đồng thời phải tạo môi trường kinh doanh tốt cho thị trường phát triển.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, nếu chỉ tập trung vào xử lý nợ xấu và gỡ khó bất động sản chưa phải mấu chốt. Theo ông Kỳ, muốn kích thích cho sản xuất kinh doanh phát triển phải xuất phát từ doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang bế tắc nhất là huy động vốn.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cho rằng thị trường TTCK khó khăn ở chỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung, trong đó có các công ty niêm yết chứng khoán. Cho nên, phải gỡ khó cho doanh nghiệp.

Còn ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CPQL Quỹ Việt Nam (VFM)- Chủ tịch CLB các công ty Quản lý Quỹ đầu tư, chia sẻ: lâu lắm mới thấy không khí sôi động như trên TTCK chiều 8/1/2013, thị trường đi lên, các nhà đầu tư và quản lý đều mừng. Đây là tín hiệu tốt cho năm mới. Tuy nhiên, theo ông Tân, TTCK đã trải qua 5 năm khó khăn, sức chịu đựng của nhà đầu tư đã gần hết. Nếu có khủng hoảng kinh tế nữa, thị trường và nhà đầu tư sẽ rất nguy nan. Cho nên, hiện tại, việc quan trọng nhất phải là tạo được niềm tin cho nhà đầu tư với thị trường. “Hy vọng thời kỳ đen tối của TTCK 5 năm qua sớm chấm dứt. Năm nay không mong tăng trưởng đột biến, nhưng hy vọng được ổn định và phát triển sẽ bền vững”- ông Tân cho biết.

Đồng tình với các quan điểm trên, nhưng Thứ trưởng Hà lưu ý, UBCKNN đưa ra 8 giải pháp là tốt, nhưng khi công bố và thực hiện phải thống nhất, phải có lộ trình.

Đặc biệt, Thứ trưởng Hà cho rằng, tìm giải pháp tạo niềm tin cho thị trường là đúng, nhưng trước hết bản thân các thành viên của UBCKNN và những ai đang tham gia thị trường phải tạo niềm tin cho thị trường. Bởi lẽ, năm qua, xảy ra rất nhiều vi phạm, nhiều sai phạm rất tinh vi, có trường hợp đã phải khởi tố trước pháp luật…

Đồng thời, “niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường bị xói mòn, nặng nhất là sau vụ việc liên quan đến ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên”- ông Hà nhấn mạnh, đồng thời phân tích thêm: Bản chất vấn đề là do chúng ta chưa thực hiện tốt việc công bố thông tin kịp thời, minh bạch. Còn chưa tuân thủ đúng pháp luật, còn vi phạm đạo đức nghề, chưa làm tốt công tác kiểm toán. Nếu với trình độ kiểm toán viên hiện nay, hoàn toàn có thể phát hiện được vi phạm, nhưng vấn đề là chất lượng kiểm toán đến đâu?.

Nhiều giải pháp tích cực

Nhìn lại thị trường năm 2012, có những kết quả trên, theo đánh giá của UBCKNN, liên quan đến cả mặt tích cực và hạn chế của các hoạt động liên quan đến TTCK, từ thể chế, chính sách đến thị trường.

Trong đó, tiêu biểu như khung pháp lý, cơ chế chính sách cho công tác phát triển và tái cấu trúc TTCK về cơ bản đã được hoàn thiện và ban hành. Trong đó đáng chú ý là đã có Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020; Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm; Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán…

Công tác phát triển và tái cấu trúc TTCK được triển khai đã hỗ trợ tích cực cho chất lượng niêm yết, phát hành, rút ngắn thời gian thanh toán, kéo dài thời gian giao dịch. Thị trường trái phiếu có bước phát triển vượt bậc nhờ áp dụng hệ thống đấu thầu điện tử, quy mô huy động vốn trái phiếu Chính phủ qua TTCK tăng kỷ lục đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2011. Công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm đã được phối hợp liên ngành thực hiện khá tốt, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK, như: điều kiện kinh tế vĩ mô diễn biến không thuận lợi; còn nhiều khó khăn trong thanh tra, xử lý vi phạm, các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý.

Hơn nữa, sự tuân thủ và năng lực hoạt động của công ty chứng khoán còn hạn chế, công tác tái cấu trúc CTCK còn nhiều khó khăn. Chất lượng hàng hóa phát hành, niêm yết còn phát triển theo chiều rộng; chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán chưa cao…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên