Chuyên gia: 'Lấy đất sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất là tốt nhất'

Phản bác quan điểm của Bộ trưởng Giao thông, chuyên gia đưa ra những luận cứ cho thấy lấy đất sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất là khả thi.

Trong khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng "mở rộng sân bay về phía Bắc không khả thi", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia kỹ thuật hàng không - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP HCM) khẳng định, phương án này đồng nghĩa việc lấy lại 157 ha đang làm sân golf - là lựa chọn tốt nhất.

Theo ông Tống, quan điểm của Bộ Giao thông đang căn cứ vào báo cáo của Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng). "Tuy nhiên, công ty này không khách quan khi đưa ra số liệu về chi phí và thời gian thực hiện các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất", ông Tống nói.

Công ty ADCC đưa ra phương án xây mới đường cất - hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất - hạ cánh số 2 (25R/07L 1.800 m); xây 2 nhà ga mới và các công trình phụ tại khu vực đất sân golf với tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỷ đồng trong thời gian trên 15 năm; giải phóng 626 ha mặt bằng - trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 ha đất dân cư với khoảng 140.000 hộ dân.

"Ở đây có những con số được thổi phồng để dễ dàng đưa đến kết luận không khả thi. Tại sao khoảng cách giữa 2 đường cất hạ cánh là 1.800 m trong khi ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) khuyến cáo mức tối thiểu chỉ là 760 m?", ông Tống đặt vấn đề.

Sân bay Tân Sơn Nhất và sân golf (màu xanh) rộng 157 ha phía trong. Ảnh: Google maps.

Theo ông Tống, nếu dùng đất sân golf mở thêm nhà ga sẽ tăng khả năng phục vụ hành khách trong bối cảnh sân bay đang quá tải trầm trọng. Bên trong có thể mở đường nội bộ để nối các nhà ga với nhau. Từ đó, Trường Sơn không còn là đường độc đạo vào sân bay, sẽ giảm áp lực giao thông khu vực này. Người dân có thể chọn lối vào sân bay thuận tiện nhất với mình - vào nhà ga phía đường Tân Sơn, Quang Trung.

"Phần đất này còn có thể mở thêm đường băng, nâng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách mỗi năm, tôi khẳng định hoàn toàn khả thi", ông Tống nói.

Chuyên gia hàng không đưa ra phương án xây dựng đường cất hạ cánh thứ 3 trên đất thu hồi từ sân golf - có khoảng cách 760 m với đường cất hạ cánh số 1 dài 3.800 m hiện hữu. "Chiều dài trong phạm vi hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 3.000 m nên đường băng thứ 3 có thể dài khoảng 2.700 m mà không cần giải tỏa hộ dân nào. Do đó, Bộ Giao thông cho rằng mở rộng sân bay về phía Bắc sẽ tốn rất nhiều chi phí giải phóng mặt bằng nhà dân là không chính xác", ông nói.

PGS Tống giải thích thêm, Tân Sơn Nhất hiện có hai đường băng cất hạ cánh song song với chiều dài 3.048 m và 3.800 m, cách nhau 365 m, đảm bảo cho các máy bay lớn hạ cánh an toàn. Khi có thêm đường cất hạ cánh thứ 3 này, sân bay hoàn toàn có khả năng cất hạ cánh an toàn các máy bay thương mại thông dụng hiện nay với tần suất trên 360.000 chuyến mỗi năm, từ đó tăng năng suất tối đa đến 75-95 triệu khách mỗi năm.

Trong tương lai, đường băng thứ 3 có thể tăng đến 3.800 m như đường băng thứ nhất khi giải tỏa khoảng vài chục héc ta ra hướng đường Trường Chinh và đường Quang Trung.

Sân golf rộng 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động từ năm 2015. Ảnh: Mạnh Tùng.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP HCM - HASCON) cho rằng, Bộ Giao thông và Cục Hàng không nói muốn nâng cấp sân bay về phía Bắc phải giải phóng 500.000 dân và 5.000 ha đất với chi phí lên đến 9 tỷ USD, là không đúng. Ông khẳng định, phương án lấy đất sân golf để mở rộng Tân Sơn Nhất "không phải giải phóng một tấc đất nào của người dân".

Theo ông Phúc, phần đất sân golf trong sân bay có thể làm thêm 3 nhà ga quốc tế, mỗi nhà ga 16 ha (bằng ga quốc tế hiện hữu); làm thêm bãi đậu cho 85 máy bay (mỗi bãi đậu 1,3 ha). Tổng cộng đúng bằng diện tích sân golf. Như vậy, có thể nâng cấp sân bay lên công suất 56 triệu khách mỗi năm (nhà ga quốc tế có công suất 12 triệu khách một năm và một nhà ga quốc nội 8 triệu).

Còn trung tá Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng phòng Quản lý bay - sân bay Tân Sơn Nhất), chỉ cần thu hồi đất sân gofl sẽ giải quyết được những ách tắc trên bầu trời và dưới mặt đất cho Tân Sơn Nhất.

Ở vị trí này, ông đề xuất làm thêm một nhà ga, bãi đậu tàu bay và đường lăn từ chỗ tàu bay ra đường băng cất hạ cánh tại khu đất đang làm sân gofl hiện hữu. Đồng thời, cần mở thêm 2 tuyến đường hướng từ đường Trường Chinh và Quang Trung vào sân bay Tân Sơn Nhất.

"Bằng cách này, công suất phục vụ của sân bay sẽ tăng lên ít nhất 15 triệu khách mỗi năm, tránh được việc máy bay phải chờ hạ cánh bằng cách bay lòng vòng trên không. Máy bay hạ cánh sớm phút nào thì tiết kiệm được phút đó, hạn chế tối đa những rủi ro trên bầu trời. Đồng thời sẽ hạn chế ùn ứ đang tập trung vào đường Trường Sơn hiện tại", ông Sành nói.

Trước đó, tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hôm 8/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho hay, phương án mở rộng sân bay về phía Bắc là hoàn toàn không khả thi với nhiều lý do: chi phí giải phóng mặt bằng, ô nhiễm tiếng ồn và nhiều vấn đề khác.

Theo Bộ trưởng Nghĩa, phương án khả thi và tiết kiệm nhất được lựa chọn để mở rộng Tân Sơn Nhất là xây thêm một nhà ga T4 với công suất 10-15 triệu hành khách, nâng tổng công suất của sân bay lên khoảng 40-43 triệu hành khách mỗi năm. Trong phương án mở rộng này, đường lăn và sân đậu quyết tâm xong trước Tết năm 2018; nhà ga thì tiến độ trong năm 2019 sẽ xong. Tuy nhiên, đến khoảng năm 2022 Tân Sơn Nhất lại đạt công suất tối đa, tức là sân bay không thể đảm đương được với mức tăng trưởng hành khách hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bên trong sân golf sát đường băng Tân Sơn Nhất
Bên trong sân golf sát đường băng Tân Sơn Nhất

Bên trong cụm sân golf Tân Sơn Nhất (TPHCM) không chỉ có sân golf 36 lỗ mà còn có khu phức hợp như mua sắm, vui chơi giải trí, nhà hàng tiệc cưới,…

Bên trong sân golf sát đường băng Tân Sơn Nhất

Bên trong sân golf sát đường băng Tân Sơn Nhất

Bên trong cụm sân golf Tân Sơn Nhất (TPHCM) không chỉ có sân golf 36 lỗ mà còn có khu phức hợp như mua sắm, vui chơi giải trí, nhà hàng tiệc cưới,…

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sẽ bỏ quy hoạch sân golf
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sẽ bỏ quy hoạch sân golf

VOV.VN - Việc làm sân golf sẽ để các địa phương quyết định và chuyển thành đầu tư có điều kiện.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sẽ bỏ quy hoạch sân golf

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Sẽ bỏ quy hoạch sân golf

VOV.VN - Việc làm sân golf sẽ để các địa phương quyết định và chuyển thành đầu tư có điều kiện.

“Sân golf là đất dự phòng để bảo vệ TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất“
“Sân golf là đất dự phòng để bảo vệ TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất“

VOV.VN - “Nếu có nhu cầu về quốc phòng thì sẽ thu hồi vô điều kiện diện tích đất này khi có mệnh lệnh của cấp trên và liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng”.

“Sân golf là đất dự phòng để bảo vệ TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất“

“Sân golf là đất dự phòng để bảo vệ TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất“

VOV.VN - “Nếu có nhu cầu về quốc phòng thì sẽ thu hồi vô điều kiện diện tích đất này khi có mệnh lệnh của cấp trên và liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng”.

Xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng cạnh sân bay chật hẹp
Xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng cạnh sân bay chật hẹp

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội góp ý, phải xóa bỏ ngay hình ảnh một sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp.

Xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng cạnh sân bay chật hẹp

Xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng cạnh sân bay chật hẹp

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội góp ý, phải xóa bỏ ngay hình ảnh một sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp.

Cần phải xử lý ngay sân golf trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất
Cần phải xử lý ngay sân golf trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất

VOV.VN - Sự tồn tại của sân golf hiện đại, thông thoáng ngay trong lòng một sân bay quá tải cả trên trời và dưới đất là một hình ảnh phản cảm.

Cần phải xử lý ngay sân golf trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất

Cần phải xử lý ngay sân golf trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất

VOV.VN - Sự tồn tại của sân golf hiện đại, thông thoáng ngay trong lòng một sân bay quá tải cả trên trời và dưới đất là một hình ảnh phản cảm.