Có chuyện “làm giá” đường trong nước

Mặc dù lượng đường tồn kho còn khoảng 110.000 tấn, song các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào sản xuất lại rất khó tiếp cận lượng đường này.

Thực trạng đường trong nước dư thừa nhưng giá vẫn tăng cao đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng các nhà cung cấp đường đang cố tình “găm” hàng, khiến giá đường trong nước tăng cao hơn giá thế giới?

Giá liên tục tăng

Ngày 23/9, giá đường trắng tinh luyện bán lẻ ở các chợ, siêu thị Big C tại Đà Nẵng dao động từ 14.400 - 16.800đ/kg. Như vậy, giá đường trong nước đang cao hơn giá đường nhập khẩu từ 2.500 - 3.000đ/kg.

“Bắt đầu từ tháng 5/2009, giá đường trắng tinh luyện liên tục tăng từ 9.000đ/kg lên 10.500đ/kg. Đến tháng 8/2009, giá đường bất ngờ vọt lên 13.000 - 14.000đ/kg (tăng 33,3%). Từ đầu tháng 9 đến nay, giá bán lẻ đường trắng tinh luyện luôn ở mức 15.000 - 16.000đ/kg. Nếu so với thời điểm đầu năm thì giá đã tăng khoảng 50 - 65%” - một chuyên gia trong lĩnh vực mía đường cho biết.

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đường tăng cao thời gian qua là do sản lượng toàn thế giới niên vụ 2008 - 2009 sụt giảm mạnh, dẫn tới thiếu hụt 4,2 triệu tấn so với nhu cầu tiêu dùng. Sự thiếu hụt này làm giá đường trên thị trường thế giới tăng 60,2% so với đầu năm 2009 và tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ở trong nước, do nguồn cung hạn chế, nên giá đường cũng tăng mạnh. Vì thế, sau khi thống nhất với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã quyết định cho nhập khẩu bổ sung thêm 40.000 tấn đường từ ngày 17/8 (trước đó đã cho phép nhập khẩu 60.000 tấn), cộng với 15.000 tấn còn trong hạn ngạch (nhưng chưa nhập) và 22.000 tấn còn tồn kho, nâng tổng số đường thực tế (chưa kể niên vụ mới bắt đầu từ ngày 15/9) lên đến 77.000 tấn.

Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường đang tồn kho hiện đã lên tới 110.000 tấn. Thế nhưng, vì sao giá đường trong nước vẫn tăng, còn một số công ty sữa lại kêu thiếu đường sản xuất?

Một số doanh nghiệp “găm” hàng

Việc giá đường nhập khẩu và giá đường trong nước chênh lệch nhau trên 3.000 đồng/kg là thông tin không mấy dễ chịu đối với người tiêu dùng, với những doanh nghiệp sản xuất có sử dụng đường là nguyên liệu đầu vào thì nhấp nhổm như đang ngồi trên “đống lửa”.

“Giá đường Công ty Liên doanh TNHH Hải Hà (Kotobuki) lấy của nhà cung cấp trong nước chênh lệch 4.000 đồng/kg so với giá nhập khẩu. Tính trung bình, mỗi tháng Kotobuki sử dụng khoảng 200 tấn đường làm nguyên liệu sản xuất, như vậy công ty đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng/tháng để mua đường có giá đắt” - ông Doãn Minh Dũng, Tổng Giám đốc Kotobuki cho biết.

Vấn đề nan giải nhất hiện nay không phải là số lượng đường nhập khẩu chính ngạch, mà chúng ta đang bị đường nhập lậu chi phối. Số đường nhập lậu có thể gấp 20-30 lần so với đường nhập khẩu chính thức. Do vậy, việc nhập khẩu thêm nữa không chắc đã kéo được giá đường xuống, ngược còn làm mất sự bảo hộ trong nước.

Đại diện Công ty Vinamilk cho rằng, tổng lượng đường cần sử dụng trong năm 2009 của công ty này là 90.000 tấn, trong khi đến giờ cả đường nhập khẩu và mua trong nước, Vinamilk mới mua được hơn 41.000 tấn (35.000 tấn nhập khẩu, 6.320 tấn trong nước). Tuy nhiên, con số này của Vinamilk lập tức bị Bộ NN&PTNT bác bỏ.

Một chuyên gia trong ngành mía đường nói: “Nếu 8 tháng qua, họ mới sử dụng hết 41.000 tấn đường, có nghĩa là mỗi tháng hết khoảng 5.000 tấn, như vậy tính từ tháng 9 đến cuối năm họ chỉ cần thêm 20.000 tấn nữa là đủ, tức họ đã “vống” lên tới 30.000 tấn, như vậy là không chính xác”.

Theo danh sách của Bộ NN&PTNT, hiện còn khoảng 10 công ty có đường dự trữ ở các nhà máy, có công ty cao nhất đạt tới 13.000 tấn, thấp nhất 2.800 tấn. Song, những công ty này không muốn bán ra hoặc chỉ bán nhỏ giọt, dẫn đến lượng đường trong kho còn, nhưng lượng đường lưu thông trên thị trường lại khan hiếm. Một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do, các công ty luyện đường không muốn bán cho các hộ sản xuất lớn vì không được giá, mà họ thích xé lẻ các lô hàng ra để bán với giá chênh lệch cao hơn.

Một yếu tố nữa là do giữa các công ty đã ký hợp đồng kỳ hạn từ đầu năm, khi đó giá vẫn còn thấp, đến bây giờ khi giá lên cao, 2 bên đã không đàm phán lại được về giá, nên nhà máy đường không muốn giao hàng mà chấp nhận chịu phạt để bán đường ra ngoài.

Không nên nhập khẩu thêm đường

Để giải quyết vấn đề cung - cầu đường, ngày 22/9, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và đại diện các doanh nghiệp đã có buổi họp bàn và thảo luận để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất.

Theo ông Đoàn Xuân Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, sau cuộc họp chiều 22/9 vừa qua, cả 2 Bộ: NN&PTNT và Công Thương đều đã thống nhất, chỉ xem xét ưu tiên cho các hộ sản xuất lớn, có tác động xã hội lớn như sữa được nhập khẩu đường với số lượng khống chế, có địa chỉ, khuyến khích nhập đường thô về để cho các nhà máy trong nước luyện. Số lượng cho nhập bổ sung (nếu có) tối đa cũng chỉ khống chế mức dưới 10.000 tấn.

Một số chuyên gia cho rằng, việc các công ty kêu thiếu đường và đòi nhập khẩu thêm, thực chất là chỉ vì lợi ích của họ, do giá đường thế giới đang rẻ hơn Việt Nam, nên họ muốn nhập về để gỡ gạc chút ít lợi nhuận, bởi thực tế, công ty nào cũng có kế hoạch sản xuất từ đầu năm, làm gì có chuyện đến bây giờ mới kêu thiếu. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, các công ty sản xuất sữa, kẹo, nước giải khát đang rơi vào trạng thái bất an do giá thì lên cao, nguồn nguyên liệu cung cấp không ổn định. Cho nên, phải có sự điều tiết rất hợp lý mới đảm bảo được lợi ích của: người nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, từ giữa tháng 10, lượng đường trong nước bắt đầu dư thừa so với nhu cầu. Dự báo, lượng đường tiêu thụ từ 15/9 đến 15/10, cao nhất cũng chỉ đạt 81.800 tấn. Trong khi đó, lượng đường tồn kho ở các nhà máy hiện còn 58.700 tấn, cộng với 40.000 tấn nhập khẩu bổ sung đang bắt đầu nhập về và 50.000 tấn sản xuất trong nước, chưa kể đường còn tồn kho ở các khâu thương mại. Như vậy, lượng đường trong nước sẽ dư thừa từ 70.000-80.000 tấn./.

Ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối: Không có chuyện doanh nghiệp "đòi" là đáp ứng

Việc hàng loạt các công ty “té nước theo mưa” xin nhập khẩu thêm đường là không chấp nhận được. Trên thực tế, chỉ có Vinamilk đúng là cần có đường chất lượng cao (đường trắng) để sản xuất sữa, tất nhiên với số lượng không nhiều, còn lại các công ty sản xuất bánh kẹo, nước giải khát chỉ sử dụng loại đường RS thì trong nước vẫn còn rất nhiều, không cần phải nhập khẩu… Không thể có chuyện cứ công ty nào đòi nhập cũng được đáp ứng. Đường là 1 trong 10 mặt hàng được Nhà nước bảo hộ, nên mới có quo-ta, dù gì chúng ta cũng phải ưu tiên sử dụng hàng trong nước nhằm 2 mục tiêu: kiềm chế lạm phát và thực hiện theo cuộc vận động của Bộ Chính trị là “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, mới cho nhập.

Ông Hà Hữu Phái - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Nên cân nhắc việc nhập khẩu

Theo tính toán của chúng tôi, cho đến thời điểm này, lượng cung trong nước vẫn đảm bảo. Cho nên, theo quan điểm của Hiệp hội, việc nhập khẩu vào lúc này phải cân nhắc rất kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân và các nhà máy trong nước.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng Giám đốc Công ty CP đường Biên Hòa: Chúng tôi không "găm" hàng!

Nhà máy đường Biên Hòa khẳng định không “găm” hàng. Cách đây mấy ngày, chúng tôi đã ký cho Vinamilk 8.000 tấn. Hiện nay, đường đầy rẫy thị trường, song do Việt Nam ưu ái một số doanh nghiệp nên mới có chính sách mở quo-ta để cấp đường. Thực tế mà nói, đường sử dụng cho vụ Trung thu đã xong, những người làm bánh Trung thu đã ngưng sản xuất rồi. Trong khi đó, nhu cầu đường tiêu thụ hiện nay không lớn vì không phải mùa nắng nóng. Hôm qua, 10 nhà máy ở đồng bằng sông Cửu Long đã mở máy chạy rồi, thậm chí có nhà máy đường sản xuất ra nhưng không có người mua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên