Cơ hội mới cho ngành da giày TP HCM

Việc tham gia vào dự án chỉ là bước khởi động ban đầu, bởi mục tiêu không chỉ là nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp trong cách sản xuất, thiết kế của ngành da giày .

Một tin vui vừa đến với Hội Da giày TP HCM, đó là: Hội doanh nghiệp Italy đã quyết định chọn 8 cơ sở da giày quận 4 để  thực hiện dự án “Phát triển cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành da giày Việt Nam” với tổng kinh phí khoảng 3 triệu EURO.

Mấy tháng nay, cả làng nghề da giày quận 4 đều quan tâm sự kiện: Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Cơ quan hợp tác phát triển Italy và Hội Da giày TP HCM tiến hành khảo sát các cơ sở da giày quận 4  và đã chọn ra 8 cơ sở tham gia vào dự án “Phát triển cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành da giày Việt Nam”. Đối với các chủ cơ sở da giày quận 4 thì đây là một bước ngoặt lớn và là cơ hội cho các cơ sở tiếp cận với phương thức sản xuất sản phẩm da giày của nước ngoài để nâng cao tay nghề cũng như chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Thanh Phong, chủ cơ sở da giày Long Việt, một trong 8 cơ sở của quận 4 được chọn tham gia vào dự án cho biết:  Lâu nay những người làm nghề da giày ở đây chỉ biết làm nghề sản xuất da giày theo cách cha ông truyền lại. Mẫu mã thì cứ nhái theo kiểu dáng đang thịnh của thị trường, làm xong kiếm nơi tiêu thụ. Hoặc làm gia công theo đơn đặt hàng của các thương hiệu khác. Thợ làm lâu năm chỉ cho người mới vào nghề, học tới đâu, làm tới đó chứ cũng không biết làm sao đúng quy trình chuẩn và mang tính chuyên nghiệp. Vì vậy, nếu học được cách làm của giày của chuyên gia Italy thì quả là một cơ hội lớn.

Ông Trần Thanh Phong hồ hởi: “Xưa nay tay nghề của làng nghề quận 4 cũng như của TP HCM thì người thợ rất giỏi về tay nghề, nhưng chưa chuyên nghiệp được. Tôi nghĩ hợp tác với chương trình này,  người thợ và chủ cơ sở sẽ bài bản và chuyên nghiệp hơn trong vấn đề thiết kế hoặc bán hàng. Cơ hội phát triển là rất tốt”.

8 cơ sở được chọn đều đảm bảo các yếu tố: tài chính, nhân công, quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, các cơ sở được tổ chức thành lập Tổ hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa của quận 4. Tổ hợp này phải cam kết thực hiện 12 điểm quan trọng, cụ thể như: thành lập liên minh gồm các doanh nghiệp có đóng góp bình đẳng; Cùng hợp tác vượt qua cạnh tranh; Có kế hoạch hành động cụ thể; Thiết lập các mối quan hệ hợp tác với ngân hàng; quảng bá về tổ hợp… Bên cạnh đó, các cơ sở này được các doanh nghiệp và chuyên gia ngành da giày của Italy cùng Hội Da giày TP HCM phối hợp tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng về thiết kế, sản xuất da giày, cũng như tiếp thị sản phẩm, xúc tiến tìm thị trường, quảng bá thương hiệu…. nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng ngành da giày thành phố.

Chị  Võ Ngọc Xuân, chủ cơ sở gia công giày da quận 4 rất hào hứng khi được tham gia vào dự án: “Rõ ràng là cần sự hỗ trợ của nước ngoài về vấn đề kỹ thuật, mẫu mã, lúc đó mình sẽ nâng cấp hàng lên một bậc, và kể cả bên đó cung cấp cho mình những chiến lược, những cách thức. Khi có một sự đoàn kết như vậy để đồng lòng với nhau để làm thành một tổ hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ làm ăn hiệu quả hơn”.

Ông Vũ Chầm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giày Việt, Chủ tịch Hội Da giày TP HCM, một trong những thành viên tích cực cho hoạt động của dự án này cho biết:

“Người Việt Nam thông minh, nếu được đào tạo đúng, chúng ta làm giày với bàn tay khéo léo của người Việt Nam thì cũng không thua kém các nước trên thế giới. Người Italy cũng rất nhiệt tình, muốn giúp ta có công nghệ cao có thể là tương lai họ cần sẽ mua lại những sản phẩm của ta. Chúng tôi rất vui được hợp tác, giày Việt Nam tương lai không thua gì giày nước ngoài”.

Việc tham gia vào dự án chỉ là bước khởi động ban đầu, bởi mục tiêu không chỉ là nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp trong cách sản xuất, thiết kế của ngành da giày quận 4 mà quan trọng hơn đó là sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy. Và kết quả của sự hợp tác này là việc cho ra những sản phẩm tốt, rẻ, đẹp phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam và Châu Âu.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục tiêu quan trọng nhất là đem lợi ích cho 3 bên: doanh nghiệp Italy, doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng châu Âu. Doanh nghiệp của Ý hiện tại họ có nguồn vốn, có công nghệ hiện đại; người Việt Nam có tay nghề, có sức lao động. Chúng ta nên kết hợp những cái không và cái có lại thành một sản phẩm giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp Italy mua hàng Việt Nam về bán lại cho người Italy, trong đó có người châu Âu, họ sẽ hưởng thụ phần giày sản xuất tại Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm tốt mà giá cả rất hợp lý”.

3 năm với số tiền hỗ trợ là 3 triệu EURO sẽ góp phần để người thợ sản xuất giày da TP HCM đổi thay phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cho ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt có thể cạnh tranh với thị trường thế giới. Điều quan trọng nữa là giúp cho các doanh nghiệp da giày thành phố thoát khỏi cảnh gia công, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động bằng cái nghề đã gắn với mảnh đất Sài Gòn-TP HCM hơn 100 năm qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên