“Cứu tinh” cho người thu nhập thấp

VOV.VN - Đối với người thu nhập thấp, dưới chuẩn cho vay của ngân hàng thì dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là “cứu tinh”...


Dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính giúp họ có thể mua sắm các phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu công việc và nâng cao đời sống… 

Những cánh cửa hẹp…

Chị Trần Hiền Thục (công nhân khu CN Thăng Long, Hà Nội) ao ước có một chiếc xe máy để việc di chuyển đến công ty được dễ dàng hơn. Sau khi đắn đo và gõ cửa nhiều ngân hàng, kể cả bạn bè và người thân của mình mà không được chị Thục đã quyết định lựa chọn công ty tài chính có uy tín để được hỗ trợ vay vốn.

Cũng như trường hợp của chị Hiền Thục, hàng triệu người dân Việt Nam ở cả đô thị và nông thôn hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Các đối tượng này có nhu cầu mua sắm các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống là rất lớn trong khi để cùng lúc bỏ ra một khoản tiền là điều bất khả thi.

Một giải pháp thường được “chỉ định” là kênh tín dụng ngân hàng; nhưng những người thu nhập thấp đến trung bình lại khó có thể tìm đến. Bởi lẽ, là một tổ chức tín dụng huy động tiền gửi từ dân cư, chịu ràng buộc những quy định chặt chẽ để quản trị rủi ro, nhằm tránh đổ vỡ hệ thống có thể gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế, mô hình hoạt động truyền thống của hầu hết các ngân hàng đều chỉ xem xét cho vay với những đối tượng có với mức độ rủi ro thấp. Điều này có nghĩa để vay được tiền từ ngân hàng, người đi vay cần phải làm rất nhiều hồ sơ thủ tục chứng minh thu nhập của mình như hợp đồng lao động, bản sao kê lương ba tháng gần nhất, và hơn hết là thu nhập phải ở mức đủ cao để vừa trang trải cuộc sống hàng ngày vừa trả lãi ngân hàng.

Đa số ngân hàng hiện nay chỉ cho vay những khoản vay trên 100 triệu đồng, nếu muốn vay những khoản nhỏ vài chục triệu để mua một chiếc xe máy, người vay thường sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng hoặc thấu chi từ tài khoản tiền gửi ở ngân hàng. Lại một lần nữa, những người có thu nhập trung bình thấp sẽ không thể tiếp cận dịch vụ này, vì thu nhập của họ không đủ để làm thẻ tín dụng tại ngân hàng hoặc hạn mức thấu chi của họ không đủ để mua món đồ họ đang cần. Cánh cửa ngân hàng dường như quá hẹp đối với những người thu nhập thấp, lao động tự do không chứng minh được thu nhập.

Và như vậy, họ chỉ có thể có tiền từ hai nguồn: vay mượn từ người thân, bạn bè; hoặc vay nóng hay có thể nói là vay từ “tín dụng đen”. Nhưng không phải lúc nào việc vay tiêu dùng từ người thân, bạn bè cũng dễ dàng. Trong khi đó, vay “tín dụng đen” là một rủi ro rất lớn cho người vay tiền, vì “dịch vụ” này hoạt động một cách thiếu minh bạch, không nằm dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, và cách thức đòi tiền thì như “xã hội đen”.

Vậy ai sẽ là người cho người thu nhập thấp vay?

Cho vay tiêu dùng - giải pháp nhân văn

Câu trả lời cho những người như chị Hiền Thục đó là các công ty tài chính tiêu dùng. Chỉ mới xuất hiện trong khoảng chục năm trở lại đây, nhưng các công ty tài chính đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vươn đến phục vụ tầng lớp người dân thu nhập trung bình thấp ở nhiều khu vực trên cả nước. Theo ước tính của các chuyên gia tài chính, hiện có khoảng gần 16 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng, với sự thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập.

Các khoản vay mà công ty tài chính cung cấp chủ yếu là những khoản vay nhỏ dưới 50 triệu đồng, thường cho vay thông qua hình thức mua hàng trả góp. Để chủ động tiếp cận được người tiêu dùng, các công ty tài chính đã liên kết với tất cả các nhà bán lẻ trên toàn quốc (các cửa hàng xe máy, trung tâm điện máy…), đưa nhân viên đến tận nơi tư vấn cho người vay mua hàng trả góp.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 17 công ty tài chính ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp phép  hoạt động nhưng hoạt động mạnh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng đúng nghĩa chỉ có vài công ty như: FE Credit, Home Credit, HD SAISON, Prudential Finance… Cho đến nay, các công ty này đã mở rộng mạng lưới ở hàng chục nghìn điểm bán lẻ trên toàn quốc và đã phục vụ cho gần chục triệu triệu khách hàng.

Tại Việt Nam, tín dụng tiêu dùng hiện chiếm khoảng 10 tỷ USD và khoảng 6% tổng dư nợ. Tuy nhiên, trong số đó, đối tượng khách hàng mà công ty tài chính phục vụ, cho vay tín chấp mới chỉ chiếm khoảng 1/10 còn lại là khách hàng của các NHTM (cho vay mua mua nhà, ô tô… có tài sản thế chấp hoặc cho vay qua thẻ chứng minh được khả năng thu nhập cao).

Hiện nay, dải lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp tại Việt Nam vào khoảng từ 25% - 60% trong khi đó lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước khoảng 9%. Nếu so sánh tỷ lệ lãi suất cho vay tiêu dùng/lãi suất cơ bản của Việt Nam với các nước khác trên thế giới, ví dụ Mỹ 8%-36%/0,25%; EU 15% - 25%/0,25%; Trung Quốc 10% - 40%/6%; Brazil 30% - 70%/10,5%; Nhật 9% - 17%/0,1%; Ấn Độ 12% - 48%/8%... thì rõ ràng lãi suất cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có một tỷ lệ khá tương đương. Và theo các chuyên gia tài chính, với đặc thù khoản vay nhỏ, chi phí trả nợ (gốc và lãi) mỗi lần không nhiều, thủ tục cho vay nhanh gọn, kịp thời… thì loại hình này đang rất hấp dẫn người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp trên cả nước.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm tới, tài chính tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển khi mà đời sống của người dân Việt Nam được nâng lên và các nhu cầu tiêu dùng không ngừng mở rộng. Do vậy, hoạt động cho vay tiêu dùng cần được khuyến khích phát triển phù hợp vì nó giúp gia tăng độ tiếp cận dịch vụ tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có thu nhập thấp, qua đó,  góp phần trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự hiểu biết về mặt tài chính, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Trở lại câu chuyện của chị Hiền Thục. Hiện đã ký hợp đồng vay với kỳ hạn 9 tháng và số tiền chị trả hàng tháng gần 2 triệu đồng. Chị cho biết “Trước khi vay, tôi đã tìm hiểu cả ở ngân hàng và nhân viên tư vấn tài chính ở cửa hàng xe máy. Ở ngân hàng thì họ bảo không có dịch vụ cho vay mua xe máy, còn để vay theo hình thức khác thì tôi phải thế chấp tài sản mà khoản vay nhỏ thế này tôi biết thế chấp cái gì? Vì thế, dù biết rằng lãi suất ở đây có cao hơn ngân hàng nhưng vì khoản vay nhỏ nên tính ra mỗi tháng không phải trả quá nhiều lại tiện lợi, nhanh chóng nên tôi quyết định vay ở đây”. Tâm sự của chị Hiền Thục cũng là tâm lý và hoàn cảnh chung của các khách hàng sử dụng dịch vụ của những công ty TCTD./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên