Đầu tư công: Muốn hiệu quả, phải có “4 đột phá”

Đầu tư công muốn hiệu quả, cần tích cực hóa nhận thức và hành động 4 việc: Không lấn sân, có trọng điểm, rõ trách nhiệm, minh bạch tài chính!

 

Nhà nước không “lấn sân”…

Theo các chuyên gia, lâu nay đầu tư công còn dàn trải, thiếu hiệu quả do Nhà nước vẫn đang đầu tư “lấn sân” vào những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực lẽ ra nên để cho khối doanh nghiệp tư nhân làm sẽ hiệu quả hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công trình kết cấu hạ tầng cũng nên để khối tư nhân có năng lực tham gia đầu tư, không nhất thiết chỉ Nhà nước đầu tư

Về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh lý giải: Khi chúng ta mới giải phóng đất nước, thành phần kinh tế Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển nhiều. Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Nhà nước; lĩnh vực kinh doanh chủ yếu dựa vào thành phần kinh tế tập thể và doanh nghiệp Nhà nước.

Từ khi đổi mới, đầu tư của lĩnh vực tư nhân chiếm một tỷ trọng ngày càng cao lên. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6%. Đến giai đoạn 2011-2015, sẽ phấn đấu giảm tỷ trọng đầu tư công xuống 37- 39%, khối tư nhân tăng lên 45- 46%.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Đầu tư công đang giảm, từng bước nhường sân cho lĩnh vực tư. Quả thật, Nhà nước cũng cần làm như vậy!”.

Hơn nữa, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, trong tái cấu trúc đầu tư thì trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công. Theo đó, “những gì mà lĩnh vực tư nhân có thể đầu tư thì Nhà nước không “nhảy vào” nữa, kể cả đầu tư về kết cấu hạ tầng”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Đầu tư phải có trọng điểm

Có thể nói, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) đóng góp một phần rất quan trọng vào sản lượng công nghiệp, xuất khẩu, và GDP của Việt Nam. Hiện cả nước có 283 KCN, 15 KKT ven biển, 28 KKT cửa khẩu (tính đến cuối năm 2011).

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các KCN, KKT này phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên, nhiều dự án còn chưa được lấp đầy, hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, cần tập trung lấp đầy các KCN theo hướng nâng cao giá trị, để mỗi một diện tích đất KCN tạo ra một giá trị lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Với các KKT, phải có tiêu chí cụ thể để đầu tư tập trung hơn tránh mỏng vốn mà đầu tư dàn trải.

Phát triển KCN dàn trải, không lấp đầy dự án sẽ gây lãng phí lớn về tài nguyên đất

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Cần thay đổi cơ chế lựa chọn và phân bổ vốn đầu tư công cho các ngành, các địa phương và các dự án cụ thể để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư phân tán và đầu tư thiếu đồng bộ đã tồn tại từ nhiều năm”.

Về điểm này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Bộ KHĐT đã trình Chính phủ lựa chọn từ 5- 6 KKT ven biển quan trọng nhất với kinh tế biển Việt Nam để tập trung đầu tư. Hơn nữa, vừa qua, trong phân bổ nguồn vốn nhà nước năm 2012, Bộ KHĐT đã trình Chính phủ dành 65% vốn cho các khu này, chỉ dành 35% cho 9 khu còn lại. Với KKT cửa khẩu cũng vậy, sẽ tập trung cho 15 KKT, trong đó dành hơn 80% nguồn vốn ngân sách cho 6 khu có lợi thế nhất”.

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, các lĩnh vực tư nhân làm không hiệu quả, quốc phòng, an ninh, đầu tư cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Nhà nước có phần vốn hỗ trợ tư nhân thông qua các mô hình như đối tác công tư (PPP).

Rõ trách nhiệm quản lý

Việc phân cấp cho UBND các địa phương trong quản lý đầu tư công là chủ trương đúng đắn, nhằm tạo thế chủ động cho các bộ ngành, địa phương thực hiện dự án. Tuy nhiên, đầu tư công còn dàn trải, lãng phí và tốn kém.

Theo Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ KHĐT, cần nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, đồng thời hoàn thiện chế độ phân cấp quản lý đầu tư và các quy định về thủ tục đầu tư theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhưng phải đảm bảo thực hiện có hiệu qủa công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương.

Còn theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngay trong năm 2012, phải chấn chỉnh đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả theo nguyên tắc: “Xác định lại trách nhiệm của người ký quyết định phê duyệt đầu tư. Ai ký quyết định đầu tư phải đảm bảo đủ vốn để hoàn thành công trình đúng tiến độ, nếu sai, người ký phải chịu trách nhiệm;

Thứ hai, sẽ chấm dứt tình trạng địa phương cứ ký duyệt dự án, sau đó Nhà nước phải cấp ngân sách. Thay vào đó, địa phương nào xin Nhà nước cấp vốn phải báo cáo qua Bộ KHĐT và Bộ Tài chính để cân đối khả năng Chính phủ có lo được không. Trước đây, kinh phí được phân bổ về, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch đầu tư, nay Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Bộ KHĐT danh mục các công trình và kiểm soát.

Minh bạch tài chính

Số liệu từ Bộ KHĐT cho biết, tỷ trọng đầu tư của nhà nước đang giảm dần, từ 53,4% của 2001-2005 xuống còn 37-38% của nhiệm kỳ này. Năm 2012, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi của ngân sách nhà nước chỉ chiếm còn 9,8%. Nghĩa là chúng ta dành trên 80% trên tổng chi của ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên.

Tiến sĩ Phan Thanh Hà, Vụ phó Vụ Tài chính và Tiền tệ, Bộ KHĐT cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công phải đi kèm tái cơ cấu tài chính công, bao gồm cả thu và chi ngân sách nhà nước.

Vì theo TS Hà, việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương về ngân sách và đầu tư vừa thừa vừa thiếu, không phát huy được sức sáng tạo và cạnh tranh để phát triển mà lại chia sẻ đồng đều nguồn lực, làm chậm quá trình phát triển.

Lâu nay quản lý đầu tư (về phê duyệt và thẩm định dự án) được phân cấp dựa trên cơ sở quy mô vốn đầu tư mà không phân biệt tính chất của dự án do nhầm lẫn giữa địa giới hành chính với không gian kinh tế. Hầu hết các dự án đầu tư công được phân chia theo quy mô vốn thành ba nhóm A, B, C, không phân biệt theo tính chất liên ngành, khu vực - kết nối giữa các địa phương. Ngược lại, những dự án mang tính chất địa phương như xây dựng nhà ở, công trình dân dụng đều có trong cả ba danh mục.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, để thay đổi tư duy, cơ chế  “xin - cho”, nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực, từ 2012 sẽ có cơ chế đầu tư trung hạn, công khai nguồn vốn đầu tư trong 5 năm tới, từ đó Bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn những công trình thật tập trung, thật cần thiết, Trung ương cho phép mới được làm.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Vinh: “Sẽ công khai các quy hoạch để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đúng cho các dự án, công trình. Từ đó, nếu nhà thầu, nhà đầu tư làm không tốt sẽ thu hồi dự án”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên