Để hàng mỹ nghệ chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản

Cùng với những chính sách khuyến khích phù hợp, các doanh nghiệp biết đoàn kết, tận dụng thế mạnh của mình, chắc chắn sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường khó tính này

Hàng Việt Nam có nhiều lợi thế

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là mặt hàng truyền thống lâu đời của Việt Nam và được xuất khẩu khá sớm, nhất là sang thị trường Nhật Bản. Và thực tế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường khó tính này. Người tiêu dùng Nhật Bản rất thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như: sản phẩm thêu, sản phẩm được làm từ sừng trâu, vỏ sò, hay từ đá…

Đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật Bản trên 12 triệu USD các sản phẩm làm từ mây, tre, cói thảm, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó phải kể đến mặt hàng túi xách thêu tay đang được người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa chuộng.

Nhật Bản cũng là thị trường nhập khẩu chính sản phẩm gốm sứ của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 15 triệu USD, chiếm trên 12% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này so với các thị trường như: Pháp, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)…

Cần thay đổi tư duy trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (Ảnh: KT)

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Nhật Bản, bà Phạm Minh Hoa - Giám đốc Công ty Việt Tường, chuyên xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre đan cho biết, Nhật Bản vốn là thị trường khó tính. Tuy nhiên, nếu đã làm việc được với thị trường này thì có cơ hội hợp tác lâu dài, vì khách hàng Nhật Bản rất chung thuỷ. Những công ty đáp ứng được yêu cầu của đối tác Nhật Bản thì không những sản phẩm đó sẽ được tiêu thụ tốt mà còn được các công ty Nhật Bản giới thiệu một cách rộng rãi.

Bà Setsuko Okura, chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực hàng và quà tặng đánh giá, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Sở dĩ hàng Việt Nam luôn có ưu thế tại đất nước "mặt trời mọc" vì giữa hai nước có những điểm tương đồng về văn hoá và địa lý. Bên cạnh đó, người Nhật Bản rất yêu quý người Việt và hàng Việt.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết, việc thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tương đối đặc thù. Người Nhật có khả năng mua được những sản phẩm cao cấp, đắt tiền. Chính vì thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản khá cao. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản thường bắt đầu bằng những hợp đồng nhỏ để thăm dò sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, “sản phẩm xanh” cũng được người tiêu dùng Nhật Bản rất quan tâm, đó là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn tiêu thụ khá dè dặt tại thị trường này. Theo bà Okura nguyên nhân là do nhiều sản phẩm chưa thích hợp người tiêu dùng Nhật Bản. Người Nhật thích những sản phẩm nhỏ, nhẹ, gọn gàng phù hợp với không gian sống của họ.

Bởi vậy, bà Setsuko Okura cho rằng, các nhà sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu kỹ hơn về đặc điểm của thị trường Nhật Bản từ kích thước, kiểu dáng phù hợp với khí hậu, đặc trưng văn hoá, tập quán sinh hoạt, độ tuổi, mức thu nhập của các đối tượng dân cư, yêu cầu thời trang, kết hợp với những ý tưởng độc đáo, sáng tạo…

Bà Setsuko Okura khuyên rằng, trước kia Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu là làm theo đơn đặt hàng theo yêu cầu. Nên giờ đây, nhà sản xuất Việt Nam nên chủ động trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sáng tạo nên những sản phẩm phù hợp. Có như vậy, mặt hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác.

Việt Nam có nhiều thế mạnh để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: nguồn nguyên liệu đồi dào, tay nghề nhân công khéo léo, các doanh nghiệp năng động... Tuy nhiên, các làng nghề của Việt Nam vẫn mang nặng phương thức sản xuất nhỏ lẻ ảnh hưởng lớn đến sự đồng đều về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, gắn kết doanh nghiệp với làng nghề là điều cần thiết, nhằm giúp những doanh nghiệp nhỏ, người sản xuất thủ công mỹ nghệ có sự thay đổi về tư duy trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, sự chuyên nghiệp trong sản xuất, nhất là phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực sản xuất khác nhau.

Bà Vũ Cẩm Tú, Giám đốc Công ty Ando, xóm 3 Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội thuộc lĩnh vực gốm sứ nói: “Nếu các doanh nghiệp biết đoàn kết, bắt tay nhau vì mỗi người có một thế mạnh. Không có một doanh nghiệp nào có thể làm tất cả mọi việc ví dụ như là mặt hàng gốm sứ kết hợp với mây tre hoặc những mặt hàng làm bằng sắt… chúng ta có thể cùng nhau tạo nên những sản phẩm độc đáo. Chia việc ra như thế thì với những đơn hàng lớn chúng ta có thể đáp ứng được”.

Với những thế mạnh như vậy cùng chính sách khuyến khích phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ có điều kiện đầu tư phát triển, tăng cường khả năng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã riêng, kiểu dáng đẹp, chất lượng phù hợp, hữu ích hướng tới đối tượng sử dụng. Có như vậy, chúng ta mới có khả năng thực hiện tốt các đơn hàng lớn và mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật khoảng 150 triệu USD trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên