Đề xuất thu phí trên Đại lộ Thăng Long có hợp lý?

VOV.VN -Dự án sẽ triển khai thực hiện từ năm 2014 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

UBND TP. Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Giao thông (GT-VT) nghiên cứu lập Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quản lý giao thông thông minh (ATMS) trên Đại lộ Thăng Long bao gồm cả hạng mục tổ chức thu phí, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mục đích của việc thu phí là nhằm hoàn vốn đầu tư cho ngân sách, đồng thời tạo nguồn thu tiếp tục đầu tư các tuyến đường khác trên địa bàn; tạo nguồn thu để thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng. Dự án sẽ triển khai thực hiện từ năm 2014 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Đường dùng vốn Nhà nước nhưng… vẫn thu phí?

Điều đáng nói, việc đề xuất thu phí trên Đại lộ Thăng Long đi ngược lại quy định của Nghị định 18 về Quỹ bảo trì đường bộ của Chính phủ và Thông tư 197 của Bộ Tài chính.

Nếu không cân nhắc kỹ, việc thu phí trên Đại lộ Thăng  Long sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.

Theo đó, ngày 10/12/2012, Bộ GT-VT đã có thông báo về việc triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, theo thông báo này, kể từ ngày 1/1/2013, các trạm thu phí đường bộ để nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định tại Điều 11 - Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ngoài những trạm này, sẽ tiếp tục thu một số trạm để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Tổng Cty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM); các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; trạm chuyển giao quyền thu phí; trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn. Các trạm này sẽ xóa bỏ khi hết thời hạn hợp đồng.

Trong khi đó, Đại lộ Thăng Long được xây dựng với tổng mức đầu tư là 7.527 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách Trung ương là 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của thành phố Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.

Như vậy, Đại lộ Thăng Long không nằm trong danh mục “ngoại trừ” trong thông báo triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ GT-VT (có hiệu lực từ 1/1/2013).

Cần phải giải trình rõ!

Chiều 4/9, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Bảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, Sở GT-VT Hà Nội và được ông Bảo cho biết: Vừa qua, trong một cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở GT-VT xây dựng một đề án thu phí riêng trên tuyến Đại lộ Thăng Long.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, nếu đề án thu phí trên tuyến Đại lộ Thăng Long được thông qua, liệu có vấp phải phản ứng của dư luận không khi mà người tham gia giao thông đang phải chịu một thực tế là “phí chồng lên phí”?, ông Trần Hữu Bảo dè dặt: “Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu phía Sở GT-VT nghiên cứu kỹ về đề án thu phí này. Để đảm bảo làm sao cho phù hợp mà không phí chồng phí, gây bức xúc cho nhân dân, việc xây dựng đề án này phải nghiên cứu sao cho phù hợp”.

Trao đổi với phóng viên VOV, TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ cho biết: Hiện nay, Bộ GT-VT đang chỉ đạo một số các trạm thu phí kết thúc việc thu phí. Đây là việc làm đúng với chủ trương sau khi quỹ bảo trì đường bộ ra đời. Bên cạnh đó, trước đây, ngày 11/9/2009, Bộ GT-VT cũng đã từng có quyết định ngừng hoàn toàn việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long. Vậy, xung quanh đề án thu phí trên Đại lộ Thăng Long, đơn vị lập dự án, và chủ đầu tư phải giải thích rõ cho nhân dân lý do thu.

Đồng quan điểm với TS Doãn Minh Tâm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng lo ngại: Từ ngày 1/6, phí Quỹ bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực, chỉ tính riêng đối với ôtô, người sở hữu sẽ phải chịu tới 3 mức thuế cùng 7 loại phí. Việc thu phí trên Đại lộ Thăng Long cần phải được giải trình rõ xem có hợp lý hay không. Bản thân Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình với đề án này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xuất hiện nhiều vết lún, nứt trên Đại lộ Thăng Long
Xuất hiện nhiều vết lún, nứt trên Đại lộ Thăng Long

Chỉ chưa đầy 6 tháng thông xe, đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam đã có những dấu hiệu của sự xuống cấp.

Xuất hiện nhiều vết lún, nứt trên Đại lộ Thăng Long

Xuất hiện nhiều vết lún, nứt trên Đại lộ Thăng Long

Chỉ chưa đầy 6 tháng thông xe, đại lộ dài và hiện đại nhất Việt Nam đã có những dấu hiệu của sự xuống cấp.

Từ ngày 3/4, Đại lộ Thăng Long phân làn mới
Từ ngày 3/4, Đại lộ Thăng Long phân làn mới

Làn 1, làn 2 phương tiện được phép chạy với tốc độ 80km/h; làn 3 được phép chạy với tốc độ 60km/h; làn 4 dành cho xe dừng khẩn cấp.  

Từ ngày 3/4, Đại lộ Thăng Long phân làn mới

Từ ngày 3/4, Đại lộ Thăng Long phân làn mới

Làn 1, làn 2 phương tiện được phép chạy với tốc độ 80km/h; làn 3 được phép chạy với tốc độ 60km/h; làn 4 dành cho xe dừng khẩn cấp.