Không tách người nghèo ở xa người giàu

VOV.VN -Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định thông tin này và cho rằng, cần thúc đẩy phát triển NƠXH... 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị, lâu nay có nhiều quan điểm cho rằng muốn nhà giá rẻ, cần đưa các dự án nhà ở giá rẻ ra xa trung tâm; người nghèo, người thu nhập thấp nên sống ở ngoại ô. Nhưng cũng có ý kiến đánh giá, thực tế xây nhà xã hội, nhà tái định cư đang có sự tách rời khu dân cư, thiếu hạ tầng, khiến người dân như sống trên một ốc đảo, khó khăn về sinh kế.

Phát triển đô thị: Không tách người nghèo ở xa người giàu

Ông Nam khẳng định, “quan điểm của Bộ Xây dựng là không tách rời người nghèo khỏi người giàu trong phát triển đô thị. Phải để người nghèo sống gần người giàu để họ được hưởng môi trường sống, hạ tầng đô thị chung như người giàu. Khi có sự xen lấn này, người giàu có thể bị ảnh hưởng một phần nào đó, nhưng người nghèo sẽ được ảnh hưởng lan tỏa của lối sống văn minh từ người giàu”.

Quan điểm của Bộ Xây dựng là không tách rời người nghèo khỏi người giàu trong phát triển đô thị.

Cũng có ý kiến băn khoăn về việc thực hiện hỗ trợ từ phía Nhà nước cho nhiều đối tượng được hỗ trợ về nhà ở (gồm 8 nhóm đối tượng), điều này “có màu sắc bao cấp”. Nhưng Thứ trưởng Nam giải thích: Nhìn thực tế phát triển thị trường BĐS thời gian từ 1999 đến nay cho thấy, trong 10 năm từ 1999-2009, Nhà nước không bỏ ra một đồng xu nào xây nhà. Nhưng giai đoạn này, xã hội đã phát triển quỹ nhà ở lên gấp đôi so với trước đó. Tức là chỉ 10 năm, quỹ nhà ở tăng bằng toàn bộ quỹ nhà ở từ 1999 trở về trước.

Cụ thể, năm 1999, quỹ  nhà ở toàn quốc là 709 triệu m2 (đô thị 252 triệu m2, nông thôn 457 triệu m2); diện tích nhà ở bình quân là 9,68 m2/người. Đến năm 2009, tổng quỹ nhà ở đã tăng lên 1.415 triệu m2 (đô thị là 476 triệu m2, nông thôn là 938 triệu m2); diện tích nhà ở bình quân 16,7 m2/người.

Hiện tại, tổng quỹ nhà ở toàn quốc 1.790 triệu m2, trong đó nông thôn 1.100 triệu m2, đô thị 690 triệu m2; diện tích nhà ở bình quân 20m2/người.

“Đây là một thành quả quan  trọng trong việc thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”- ông Nam đánh giá. Tuy nhiên, trong 10 năm đó cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề về thị trường BĐS, đó là sự phân cách giàu nghèo cao. Nó cũng làm nảy sinh nhiều khiếm khuyết của thị trường BĐS. Biểu hiện là phát triển nhà cho người giàu quá nhiều, nhà cho người nghèo quá ít, mất cân đối thị trường.  

Với thực tế này, ông Nam cho biết: “Quan điểm của Chính phủ là giải quyết nhà ở bằng con đường thị trường, để cho thị trường tự điều chỉnh, quyết định, dứt khoát không quay lại cơ chế bao cấp nhà ở”.

Tâm lý người Việt vẫn thích sở hữu nhà

Hiện nay, theo ông Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu người di cư từ nông thôn lên các đô thị để làm việc và học tập. Những đối tượng này phần lớn sẽ khó tiếp cận được với nhà ở tại các thành phố lớn, ngay cả khi có sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, tâm lý của người Việt nói chung vẫn thích sở hữu nhà, thay vì trích một khoản tiền đi thuê nhà để ở.Do đó, để đáp ứng phần lớn nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân là điều không thể.

Tuy nhiên, bên cạnh chủ trương “để thị trường tự điều chỉnh”, Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, từ đất đai, thủ tục, nguồn vốn…để làm sao không bỏ quên một số đối tượng quá khó khăn về nhà ở và có thu nhập thấp. Gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là một ví dụ.

Ông Nam cũng khẳng định, tới đây sẽ kiên quyết để không có chuyện nhà ở xã hội, nhà tái định cư xa rời khu dân cư tập trung, thiếu hạ tầng, và đặc biệt là khó khăn về sinh kế. Bởi, “nhà ở gắn liền sinh kế là yêu cầu chính đáng. Cái nhà không phải chỉ là chỗ ăn nghỉ, nó còn gắn liền với sinh kế của người dân”- ông Nam nhấn mạnh.

Liên quan đến chất lượng các dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội được cho là kém chất lượng, ông Nam khẳng định “nhà ở xã hội không bao giờ có thể so sánh chất lượng ngang bằng với các dự án nhà thương mại giá cao được. “Nói gì thì nói, người nghèo thì không thể sống bằng mức sống với người giàu được”.

Còn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, qua thực tế thị sát tìm hiểu, bản thân Bộ trưởng thấy quan ngại trước thực tế một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động tại các thành phố, khu công nghiệp - những người trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội, lại đang phải sinh sống trong các khu nhà trọ chật chội, kém chất lượng.

“Chính điều này cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động, từ đó làm giảm thu nhập của người lao động. Đây chính là vòng luẩn quẩn mà muốn thoát ra không hề đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà tại Việt Nam vẫn cao hơn mặt bằng thu nhập của người dân”- ông Dũng khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên