Thế chấp chung cư: Người dân có nguy cơ mất nhà

VOV.VN - Tại nhiều khu chung cư ở TP HCM đang có tình trạng chủ đầu tư mang căn hộ của cư dân đi thế chấp và bị ngân hàng siết nợ.

Hiện nay, hàng trăm hộ dân tại TP HCM đang ở ổn định trong các khu chung cư bỗng dưng bị ngân hàng đến đòi siết nhà. Việc chủ đầu tư mang căn hộ của người dân đi thế chấp ngân hàng đã không còn là hiện tượng cá biệt tại thành phố này. Thực tế cho thấy, công tác quản lý nhà nước của các ngành chức năng trong việc mua, bán căn hộ của các chủ đầu tư còn nhiều lỗ hổng.

Chủ đầu tư mang căn hộ của người dân đi thế chấp ngân hàng không còn là chuyện hiếm. (Ảnh minh họa: KT)

“Khi mua chung cư mình đã thanh toán đầy đủ với chủ đầu tư, vậy mà bên Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn gửi tới cho mình 1 văn bản thế chấp. Thực sự mình không có vay nên mình không có biết. Tìm hiểu kỹ mới biết, chủ đầu tư đã thế chấp 5 căn hộ, trong đó có căn hộ của mình”.

“Chủ đầu tư cứ hứa mãi mà không làm sổ hồng cho cư dân vì họ đã mang tài sản này đi thế chấp tại ngân hàng. Mãi sau này chúng tôi mới biết”.

“Chủ đầu tư chưa trả được nợ nên ngân hàng chuẩn bị siết nợ bằng cách lấy hết căn hộ của cư dân. Hiện nay chúng tôi sống mà rất lo lắng, bất an”.

Trên đây là ý kiến của 3 trong số hàng trăm hộ dân đang ở trong khu chung cư Rubyland tại quận Tân Phú và chung cư Harmona, quận Tân Bình. Đó là hai khu chung cư mà chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng cả dự án và cả căn hộ họ đã bán cho người dân.

Chung cư Harmona bị chủ đầu tư là Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình, mang đi thế chấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bắc Sài Gòn. Ngân hàng này phát văn bản yêu cầu Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình thực hiện bàn giao tài sản thế chấp là chung cư Harmona vào 9 giờ sáng ngày 9/6. Tuy nhiên, người dân trong khu chung cư này không đồng ý, sinh ra tranh chấp tài sản với ngân hàng.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Cơ, Đoàn Luật sư TP HCM, trong trường hợp những người mua căn hộ vi phạm hợp đồng, tức là không trả tiền theo đúng tiến độ dự án thì chủ đầu tư mới được quyền mang căn hộ đó đi thế chấp ngân hàng. Khi đó, chủ đầu tư phải thông báo cho người mua căn hộ biết và phải trả lại số tiền mà người mua căn hộ đã thanh toán.

Nếu người mua căn hộ đã thanh toán đầy đủ tiền theo hợp đồng hai bên đã ký kết thì họ đã là chủ sở hữu tài sản đó, chủ đầu tư không được phép mang căn hộ của người dân đi thế chấp ngân hàng.

Trường hợp chủ đầu tư mang tài sản của các chủ sở hữu căn hộ đi thế chấp có dấu hiệu của tội lừa đảo theo Điều 139 Bộ Luật hình sự. Việc ngân hàng đến siết nợ chủ đầu tư, yêu cầu cư dân ra khỏi nhà để tiến hành phát mãi, thì người dân có quyền không đi và khởi kiện ra tòa. Người dân chỉ phải ra khỏi nhà khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Ngân hàng, chủ đầu tư và người dân mua căn hộ hợp pháp là các bên tham gia vào một giao dịch dân sự. Về nguyên tắc của giao dịch dân sự thì không thể một đương sự này yêu cầu đương sự kia phải làm theo mình. Chế tài là phải do tòa án hoặc do UBND các cấp quyết định”, Luật sư Nguyễn Hồng Cơ cho biết.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, việc chủ đầu tư mang căn hộ của cư dân đi thế chấp xảy ra ở nhiều khu chung cư trên địa bàn thành phố. Chỉ đến khi chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ, ngân hàng đến siết tài sản thì mọi việc mới vỡ lở.

Thị trường bất động sản tại TP HCM đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở; chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng. Những hành động đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, dẫn đến tranh chấp trong các chung cư trở nên phức tạp.

TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về lĩnh vực tín dụng, bất động sản cho rằng, việc chủ đầu tư mang dự án đi thế chấp cho nhiều người là hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nói trên là do ngân hàng không kiểm soát được dòng tiền của các chủ đầu tư.

Qua sự việc này, có thể thấy lỗ hổng lớn của các cơ quan nhà nước về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp. Việc các chủ đầu tư không bị kiểm soát chặt, họ đã dùng dự án đó để huy động tiền của khách hàng rồi xây dựng dự án tiếp theo, hoặc sử dụng vào mục đích khác.

“Cúng ta cần xem xét lại có nên để cho chủ đầu tư ra ngoài huy động vốn của người dân hay không? Tôi đề nghị là phải ngăn chặn việc này. Tuy nhiên, nếu các chủ đầu tư cần huy động vốn của người dân thì người dân phải là những người đầu tư trực tiếp vào căn hộ đó. Nếu người dân đầu tư không đủ thì chủ đầu tư mới đi vay ngân hàng. Ngân hàng sẽ quản lý tài sản thế chấp và chủ sở hữu để bảo đảm rằng, chỉ có một người cho vay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Hiện nay, tranh chấp giữa ngân hàng và các hộ dân trong hai khu chung cư bị chủ đầu tư thế chấp là Rubyland, Harmona ngày càng gay gắt. Chưa biết ngân hàng có “đuổi” được người dân ra khỏi nhà hay không, nhưng việc quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng đối với chủ đầu tư đang khiến người dân mất niềm tin vào thị trường bất động sản TP HCM./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chậm làm “sổ đỏ” chung cư: Không tác dụng nếu chỉ phạt chủ đầu tư
Chậm làm “sổ đỏ” chung cư: Không tác dụng nếu chỉ phạt chủ đầu tư

VOV.VN - Xử phạt chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ thì Nhà nước được hưởng, chủ đầu tư chịu thiệt, nhưng sau đó vẫn không làm thì phạt cũng vô nghĩa.

Chậm làm “sổ đỏ” chung cư: Không tác dụng nếu chỉ phạt chủ đầu tư

Chậm làm “sổ đỏ” chung cư: Không tác dụng nếu chỉ phạt chủ đầu tư

VOV.VN - Xử phạt chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ thì Nhà nước được hưởng, chủ đầu tư chịu thiệt, nhưng sau đó vẫn không làm thì phạt cũng vô nghĩa.

Yêu cầu kiểm tra việc hộ dân chung cư Bảy Hiền bị “đuổi” ra khỏi nhà
Yêu cầu kiểm tra việc hộ dân chung cư Bảy Hiền bị “đuổi” ra khỏi nhà

VOV.VN - Chính phủ yêu cầu kiểm tra thông tin hơn 20 hộ dân tại Chung cư Bảy Hiền Tower , TP HCM bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà.

Yêu cầu kiểm tra việc hộ dân chung cư Bảy Hiền bị “đuổi” ra khỏi nhà

Yêu cầu kiểm tra việc hộ dân chung cư Bảy Hiền bị “đuổi” ra khỏi nhà

VOV.VN - Chính phủ yêu cầu kiểm tra thông tin hơn 20 hộ dân tại Chung cư Bảy Hiền Tower , TP HCM bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà.

Đầu tư cải tạo chung cư cũ: Doanh nghiệp vẫn nhiều e ngại
Đầu tư cải tạo chung cư cũ: Doanh nghiệp vẫn nhiều e ngại

VOV.VN - Việc cho phép nâng số tầng nhưng không tăng mật độ xây dựng và dân số khiến cân đối tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đảm bảo.

Đầu tư cải tạo chung cư cũ: Doanh nghiệp vẫn nhiều e ngại

Đầu tư cải tạo chung cư cũ: Doanh nghiệp vẫn nhiều e ngại

VOV.VN - Việc cho phép nâng số tầng nhưng không tăng mật độ xây dựng và dân số khiến cân đối tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đảm bảo.