Điều hòa tiết kiệm điện nhưng giá bán lại cao

Hiện nay, giá bán mỗi chiếc điều hòa có gắn thiết bị inverter có giá đắt hơn khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi tuổi thọ lại giảm 20%.

Tại hội thảo “Thúc đẩy các hoạt động hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng các thiết bị gia dụng theo cơ chế bù đắp tín dụng song phương Việt Nam- Nhật Bản (BOCM) về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, các chuyên gia đã phân tích kỹ những được – mất khi sử dụng thiết bị điện có gắn biến tần (inverter), trong đó có điều hòa  không khí.

Cần bàn tay của nhà nước

PGS TS Phạm Văn Bình (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: “Thiết bị điện, đặc biệt là máy điều hòa có inverter là tốt nhưng có một số vấn đề cần khuyến cáo. Thứ nhất là giá còn đắt. Người tiêu dùng chủ yếu quan tâm đến việc phải bỏ ra bao nhiêu tiền để mua điều hòa chứ không để ý nhiều đến chuyện sẽ phải trả bao nhiêu tiền điện một tháng. Vì thế, nếu muốn được sử dụng đại trà thì phải giảm giá bán, bằng cách Nhà nước giảm thuế, DN giảm lãi”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Masataka Shimazu (thuộc Mishubishi) cho rằng: “Để có thể áp dụng BOCM phải vượt qua 3 trở ngại: Phải làm người tiêu dùng hiểu được hiệu quả mà loại điều hòa này mang lại; áp dụng trợ cấp để có sự khác biệt giữa các loại điều hòa; xây dựng cơ chế giám sát, kiểm chứng về việc giảm CO2 khi sử dụng điều hòa này”. Bên cạnh đó, theo ông Masataka Shimazu, rất cần có những qui định của Chính phủ để áp dụng loại thiết bị này, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng. “Chúng tôi đang làm việc với Bộ Công thương Việt Nam để đưa ra các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng đối với sản phẩm điều hòa không khí có gắn inverter” – ông Masataka Shimazu nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, ông Shigenori Hata, Giám đốc Văn phòng môi trường và công nghệ toàn cầu, Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản cho biết: Khi thống nhất được cơ chế hợp tác sẽ có cơ chế tín dụng hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong phát triển công nghệ này vào sản xuất và tiêu dùng. Hiện nay, Chính phủ Nhật đang hỗ hợ nguồn kinh phí cho nghiên cứu khả thi, nghiên cứu đó sẽ tiếp tục kéo dài 1 năm nữa nên chưa có quyết định rõ ràng nào về sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề kinh tế, theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc TT Tiết kiệm năng lượng TP HCM, có thể giải quyết được vì đây là nhóm thiết bị nằm trong lộ trình dán nhãn năng lượng của Việt Nam. Với lộ trình này, chính sách của Việt Nam sẽ tạo ra cơ chế để khuyến khích những nhà sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những sản phẩm này thông qua các chính sách thuế, ưu đãi. Xét về tính kinh tế cho người sử dụng thì bài toán cân nhắc giữa giá trị đầu tư và hiệu quả năng lượng thì càng về sau tính khả thi càng gia tăng. Trong vòng đời của một thiết bị điều hòa thì chi phí năng lượng chiếm tới 90%, trong khi chi phí mua chỉ chiếm 5-7% ban đầu.

“Nếu sử dụng các thiết bị điều hòa không khí hiệu suất cao thì với sự gia tăng của giá điện trong tương lai thời gian hòa vốn chỉ trong 2-3 năm” – ông Tước tính toán.

DN và người sử dụng sẽ được hỗ trợ?

Cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM) là cơ chế thị trường mới mà Chính phủ Nhật Bản đang đề xuất tại Việt Nam để nhận diện những đóng góp của Việt Nam vào giảm khí thải nhà kính và phát triển bền vững khi sử dụng những sản phẩm có hàm lượng các-bon thấp. Thay thế cho cơ chế tín dụng cho phát triển sạch trên toàn cầu (CDM), trong BOCM, Nhật Bản sẽ hợp tác với từng quốc gia đang phát triển hướng tới mục tiêu đóng góp vào thực hiện công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững của các quốc gia.

Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn Mitsubisi đã thực hiện 1 nghiên cứu khả thi từ năm 2010 để đánh giá khả năng và triển vọng của hợp tác song phương trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng máy điều hoà không khí hiệu suất cao, sử dụng công nghệ inverter. Nhu cầu năng lượng điện ở Việt Nam tăng tới 26%/năm và hơn 30% năng lượng sử dụng ở Việt Nam là dùng trong gia đình. Nghiên cứu ứng dụng sử dụng điều hoà không khí có sử dụng công nghệ inverter tại Việt Nam cho thấy công nghệ này đã giúp giảm tiêu hao năng lượng 20-30% và nếu đến năm 2020 sử dụng 4,5 triệu chiếc điều hoà công nghệ này sẽ giảm 2 triệu tấn khí thải CO2.

Ông Masataka Shimazu (tập đoàn Mitshubishi) cho biết: “Hiện nay, 100% máy điều hòa ở Nhật Bản sử dụng công nghệ inveter. Công nghệ này đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm”.

Thực tế, biến tần được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng do Việt Nam có một thế hệ thiết bị không sử dụng công nghệ này và việc quản trị sản xuất của Việt Nam chưa tốt nên tạo ra những tải khác nhau, khó đưa công nghệ biến tần vào. Bên cạnh đó, cái bất lợi với Việt Nam là ở chỗ phải nhập khẩu công nghệ biến tần do công nghiệp phụ trợ của ta chưa đủ mạnh để sản xuất ở Việt Nam. Chính vì vậy, giá bán một sản phẩm có biến tần vẫn còn cao như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên