Doanh nghiệp chậm giảm giá cước vận tải sẽ bị phạt 25 triệu đồng

VOV.VN - Theo Bộ Tài chính, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa kê khai giảm cước.

>>  Giá xăng giảm, cước vận tải lặng thinh:Trách nhiệm thuộc Bộ Tài chính?
>> Doanh nghiệp vận tải “chây ỳ” không giảm cước, Nhà nước phải làm gì?
>> Hạn chót để DN vận tải đăng ký giảm cước 

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa kê khai giảm cước. Với trường hợp quá thời hạn mà không giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng. 

Theo Bộ Tài chính, cước vận tải hàng không nội địa được điều chỉnh giảm 15% so với mức trần liền kề quy định từ cuối năm 2011.

Với cước vận tải đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10% giá vé tất cả các loại chỗ. Trong khi đó, theo báo cáo của 38/63 địa phương, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình từ 0,92%-26,32% (phổ biến giảm từ 3-10%).

Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%). Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do: đối với các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%.

Đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013, tỷ lệ giảm trên dưới 10%; đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng), tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.

Bộ Tài chính nhận định, nhìn chung, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Đối với vận tải bằng ô tô, với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 01/01/2014, giá cước vận tải giảm trung bình từ 3-10% là tương đối phù hợp.

Đối với vận tải hàng không nội địa: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5%, mức giảm giá trần 15%. Đối với vận tải đường sắt: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành, giá cước đường sắt đã điều chỉnh giảm trung bình khoảng 10%.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại một số địa phương (Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ).

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương vào dịp tết nguyên đán Ất Mùi 2015, trong đó có tình hình triển khai quản lý giá cước vận tải hành khách bằng ôtô.

Hiện tại, các địa phương vẫn tiếp tục thanh tra, kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên