Doanh nghiệp có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị vì sợ lộ danh tính

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp bức xúc, muốn phản ánh với Chính phủ, VCCI nhưng sợ bị lộ danh tính, cán bộ tại chỗ định kiến.

Sáng 28/12, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

Phó Thủ tướng cho biết thay vì ban hành vào tháng 3-4 hàng năm, năm nay Nghị quyết 19 được ban hành ngay từ đầu năm, lần đầu tiên được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ với các địa phương để các bộ, ngành cùng địa phương hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nghị quyết được xây dựng dựa trên báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)… qua đó, đặt ra cách nhìn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng DN.

Nêu một số ví dụ về việc cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh nhiều người thường nghĩ là của Bộ KH&ĐT, đổi mới sáng tạo thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN hay cấp phép xây dựng thuộc Bộ Xây dựng… Phó Thủ tướng cho biết, có rất nhiều chỉ tiêu cụ thể trong từng chỉ số là của các bộ, ngành khác.

Ví dụ, trong khởi sự kinh doanh, Việt Nam hiện đứng 121, có tới 9 nhóm tiêu chí cụ thể liên quan đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Công an. Ví dụ thứ hai là cấp phép xây dựng đứng 24/190 nhưng vẫn còn 166 ngày và nếu cải tiến sẽ tốt hơn, thì còn liên quan đến Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng…

Theo Phó Thủ tướng, có tới 80% nhiệm vụ trong Nghị quyết 19 cần sự phối hợp liên ngành, vì vậy, rất cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong từng chỉ tiêu, chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 19 trong 3 năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm đầu tiên Nghị quyết đề ra 50 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, thực hiện được 8, đang thực hiện 17 giải pháp chưa có kết quả rõ ràng. Năm 2015 có 73 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đã thực hiện được 44%, đang thực hiện 23% và chưa thực hiện 33%. Năm 2016 có tới 83 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, đã thực hiện được 42% nhưng mới qua 8 tháng và nếu tính đủ 1 năm nhưng những năm trước đây thì tỷ lệ đã thực hiện sẽ vượt 30% so với các năm trước.

“Nghị quyết năm nay đưa ra trên 250 nhóm giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần càng cụ thể, càng tốt, giao cho từng bộ, ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh đến thực tế hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng các nước khác cũng tiến rất nhanh, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa đặc biệt là khâu thực hiện ở địa phương.

“Thuế chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi bên dưới còn khoảng cách, để văn bản xuống đến thực tế, cần các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc cùng Trung ương. Hay trong khởi sự kinh doanh thì đăng ký DN theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương còn khác nhau”.

Vai trò người đứng đầu rất quan trọng

Về vai trò của người đứng đầu trong thực hiện cải cách, Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công cho DN. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho DN khi mọi loại thiết bị sử dụng năng lượng khi nhập vào Việt Nam đều phải kiểm tra, dán nhãn năng lượng, dù năng lực kiểm định của Việt Nam có hạn.

“Bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thuê dịch vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết đưa ra mục tiêu thứ hạng rất cụ thể đối với những chỉ số môi trường kinh doanh đang thấp như: khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải xuống 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày có ngắn rút ngắn thêm 30 ngày; thuế có tiến bộ nhưng vẫn còn 540 giờ và phải tiếp tục giảm; thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày…

Liên quan đến Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết 19 đặt mục tiêu nâng thứ hạng từ 74 lên 60, trong đó chú trọng cải thiện về nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông, vốn chỉ tốt so với yêu cầu cũ, để đáp ứng yêu cầu, khả năng tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với trách nhiệm được giao làm đầu mối, các bộ KH&ĐT (cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh), KH&CN (đổi mới sáng tạo), Thông tin và Truyền thông (thực hiện Chính phủ điện tử) phải có tập huấn phổ biến sâu cho sở ngành bên dưới để cùng vào cuộc. Các bộ, ngành cố gắng sửa thông tư, quy định nhưng quan trọng nhất là thực thi của địa phương bởi “ra văn bản nhưng không nghiêm túc vào cuộc thì rất khó”.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế, giám sát, đánh giá độc lập huy động các hiệp hội, DN, chuyên gia, nhà khoa học tổ chức các đoàn giám sát thực tế, hội nghị đối thoại với DN, đặc biệt tăng cường đầu mối tiếp nhận kiến nghị của DN của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Bộ KH&ĐT.

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Ở đây có câu chuyện rất thật là DN có nhiều bức xúc nhưng ngại kiến nghị, phản ánh vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ tại chỗ. Vì vậy, cần có có chế để tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của DN ở bên dưới”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên