Doanh nghiệp phá sản tăng bất thường trong 20 năm qua

Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và chờ phá sản đã lên tới 48.800 doanh nghiệp.

Tại giao ban thường kỳ Bộ Kế hoạch- Đầu tư sáng 26/10, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: Số liệu doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động chờ phá sản tăng bất thường trong vòng năm 20 năm trở lại đây là minh chứng rõ nét về tính chưa ổn định của kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, Hà Nội và TP HCM, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng lên nhanh chóng.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 14.500 doanh nghiệp đăng ký mới nhưng lại có tới 3.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bỏ kinh doanh, chờ phá sản. Tuy nhiên, con số trên thực tế mà Sở Kế hoạch- Đầu tư ước tính phải lên tới 4.000-5.000 doanh nghiệp.

Tại TP HCM có 20.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng cũng có gần 1.700 doanh nghiệp giải thể.

Sở Kế hoạch- Đầu tư TP HCM cho rằng, doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn do giá chi phí đầu vào và lãi suất cho vay vốn ngân hàng tăng quá cao. Đáng chú ý, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp đã tăng 21,1% so với cùng kỳ khiến doanh nghiệp đã yếu do thiếu vốn sản xuất lại bị bồi thêm việc đọng vốn khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp có dấu hiệu bị thắt lại.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường, con số doanh nghiệp giải thể tăng bất thường trong 10 tháng qua là quá trình bình thường, là sự thanh lọc của thị trường với các doanh nghiệp có vốn sở hữu ít, năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu.

Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cần học cách thích ứng với các cú sốc kinh tế hiện nay, cách cạnh tranh và kết nối theo cụm giá trị từ sản xuất đến dịch vụ và đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp bao gồm: Tái cơ cấu sản xuất, đầu tư, sản phẩm ngành nghề, sắp xếp và cấu trúc lại nhân sự theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả ra ngoài ngành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên