Doanh nghiệp phải đổi mới để tồn tại

(VOV) -Theo các chuyên gia, nhiều DN chưa có chiến lược phát triển bền vững, nhất là đầu tư cho ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao

Khó khăn nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là do nền sản xuất có giá trị thấp, chủ yếu là công nghiệp gia công, lắp ráp, dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản và giá nhân công rẻ.

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định như vậy tại Diễn đàn kinh doanh thường niên do Báo Sài gòn tiếp thị tổ chức ngày 18/4 tại TP.HCM.

Các chuyên gia còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua là quá nóng là do bơm nguồn vốn vào thị trường quá lớn nên dẫn đến lạm phát như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển bền vững, nhất là đầu tư cho những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế  thì trước khó khăn hiện nay để tồn tại và phát triển thì buộc các doanh nghiệp phải đổi mới.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam nói: “Tới năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN, cộng đồng an ninh, văn hóa… sẽ làm cho làm ASEAN liền khối và di chuyển nguồn lực lớn hơn. Nếu chúng ta không chuẩn bị và đổi mới từ bây giờ thì thì cơ hội sẽ trở thành thách thách và rủi ro”.

Để giải quyết vấn đề các doanh nghiệp sẽ đổi mới như thế nào để tồn tại và phát triển và mô hình nào cho tăng trưởng kinh tế hiện nay? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại ngành nghề sản xuất của mình, nhất là tập trung vào sản xuất, kinh doanh những ngành nghề cốt lõi của mình, ngay cả nguồn nhân sự cũng phải thay đổi để đáp ứng được hiệu qủa công việc.

Ông Võ Quang Huệ Tổng giám đốc Công ty 7 TNHH Robert Bosch Việt Nam, một công ty liên doanh nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm: “Doanh nghiệp phải đổi mới quy trình sản xuất, làm giá thành rẻ, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và  tiếp cận với thị trường thế giới…”.

Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp tránh phải lệ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng mà nên đa dạng hóa nguồn vốn huy động. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nói: “Các doanh nghiệp phải tập trung lại năng lực cốt lõi, củng cố lại năng lực quản lý của mình, nếu chưa có thì huy động từ bên ngoài. Trong thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp phải rút bài học về đòn bẩy tài chính và cân  nhắc nội lực tài chính của mình và việc vay ngân hàng”.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề về vai trò của ngân hàng trong việc đổi mới và tái cơ cấu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng,  thời gian qua ngành ngân hàng đã tăng trưởng quá nóng, lợi nhuận cao, nhưng trong thời điểm hiện nay, ngân hàng chưa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mà vẫn cho vay ở mức cao.

Mức lãi suất mà nhiều doanh nghiệp vay được hiện nay thường là khoảng 13%/năm. Mức cho vay này khoảng cách rất lớn giữa lãi suất cho vay và huy động,  chênh lệnh đến 5,5% là quá lớn, vì vậy nên có trần lãi cho vay.

Trước những khó khăn thách thức của nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp cần có những đổi mới phù hợp để tồn tại và phát triển. Trong đó, phát huy năng lực cốt lõi của các doanh nghiệp và những chiến lược kinh doanh bền vững sẽ là những bước đi vững chắc cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, điều doanh nghiệp cần là nhà nước tạo ra môi trường sản xuất,  kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp và nhà nước cũng không nên can thiệp quá sâu vào thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên