Lo ngại lò đốt rác Quảng Nam gây ô nhiễm nguồn nước là thiếu thực tế?

VOV.VN - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Công ty Cấp nước Đà Nẵng không nên đi quá xa trong vấn đề này để gây hoang mang, hiểu nhầm.

Việc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng gửi công văn tới HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị can thiệp với chính quyền tỉnh Quảng Nam về Khu xử lý rác Đại Hiệp và Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước tại đập dâng An Trạch trên sông Yên, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu người dân Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của người dân địa phương.

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, lo lắng của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng là thiếu thực tế.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV giải thích rõ những băn khoăn, lo lắng của đơn vị cấp nước ở Đà Nẵng là thiếu thực tế.

Ông Thanh cho rằng, Công ty Cấp nước Đà Nẵng cần có thông tin chính thức và không nên đi quá xa trong vấn đề này để gây hoang mang, hiểu nhầm trong dư luận.

PV: Thưa ông, dư luận xôn xao về Khu xử lý rác Đại Hiệp và Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng việc triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Đại Nghĩa có nguy cơ gây ô nhiễm xã Hòa Khương và nguồn nước tại đập dâng An Trạch trên sông Yên. Xin ông cho biết thực tế của vấn đề này?

Ông Lê Trí Thanh: Thứ nhất là bãi rác Đại Hiệp đã hoạt động từ năm 2003, đến nay bãi rác này dung tích chứa 300.000m3 đã đầy. Và chúng ta phải khẩn trương để có 1 bãi rác khác phục vụ cho khu vực phía Bắc của tỉnh Quảng Nam. Địa điểm được lựa chọn cách đó 455m về phía Tây. Đây là khu vực có đỉnh cao 167m so với mực nước biển và nó nằm trong 1 khu vực rất là kín gió. Địa hình này được lựa chọn sở dĩ lên cao và vào sâu trong này là để giảm thiểu tất cả các yếu tố tác động tự nhiên đến hoạt động của nhà máy.

Khu vực bãi rác Đại Hiệp đã đầy.

Diện tích nhà máy hiện nay chỉ có 3 ha thôi chớ không phải 7 ha. Bởi vì 4 ha là tính chung luôn toàn bộ chiều dài của đường giao thông từ Quốc lộ 14 đi vào trong khu vực nhà máy. Từ vị trí của nhà máy rác Đại Nghĩa đến khu vực dân cư gần nhất của xã Đại Nghĩa, nơi những hộ dân sống ven Quốc lộ 14B hơn 1,2km. Và từ khu vực đó đến khu vực dân cư của xã Hòa Khương, thành phố Đà Nẵng là hơn 4,2km. Từ lò đốt rác Đại Nghĩa đến điểm tiếp cận sông Yên gần nhất là hơn 4 km. Từ nhà máy xử lý rác này đến đập An Trạch là 7,5km. Việc lựa chọn vị trí này được tính toán rất kỹ để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

PV: Điều mà nhiều người lo ngại là công nghệ sử dụng của lò đốt rác thải này như thế nào? Nước thải có tràn ra môi trường, đổ xuống sông Yên như lo ngại của Công ty Cấp nước Đà Nẵng?

 Ông Lê Trí Thanh: Về mặt công nghệ là sử dụng công nghệ đốt tiên tiến hơn rất nhiều so với bãi rác Đại Hiệp. Khi rác thu gom về tại Nhà máy rác Đại Hiệp sẽ được đưa vào trong 1 nhà chứa khép kín để trong 1 cái bể bằng bê tông xi măng và sẽ được khử mùi, tiệt trùng và đốt ngay trong ngày.

Toàn bộ khí phát sinh trong nhà máy sẽ được đưa và hệ thống ống dẫn để đưa vào trong khu vực lò đốt để bổ sung không khí đốt theo chu trình khép kín tuần hoàn để giảm thiểu mùi. Nước rỉ ra nếu có chăng cũng rất là thấp ở trong bể chứa này sẽ được dẫn qua hệ thống bể xử lý đưa vào bể chứa sinh học rồi đưa vào bể chứa tuần hoàn nước phục vụ cho việc làm mát thiết bị, làm mát quy trình đốt, đồng thời cũng là bể dự phòng cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Như thế có thể thấy, toàn bộ nước thải khu vực này theo tính toán tối đa là 65m3 ngày/ đêm và không đưa ra ngoài.

PV: Việc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng lên tiếng về lò đốt rác Đại Nghĩa, rồi tỉnh Quảng Nam phản bác lại một lần nữa cho thấy giữa 2 địa phương chưa có sự bàn bạc, thống nhất trong triển khai công việc. Vì trước đây Đà Nẵng cũng từng lên tiếng phản ứng về Nhà máy thép xây dựng ở đầu nguồn sông Vu Gia, hay mới đây nhất là tuyến du lịch biển Đà Nẵng- Cù Lao Chàm, ông giải thích như thế nào về vấn đề này?

 Rác chôn lấp tại bãi rác Đại Hiệp.

 Ông Lê Trí Thanh: Tôi nghĩ cơ chế chia sẻ thông tin để cùng nhau làm việc hiện nay chưa có quy định nào cụ thể về việc này. Do đó, trên từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phối hợp với nhau thì đúng là có những hạn chế. Đúng ra các cơ quan chuyên môn, các địa phương lân cận cần phải chủ động làm việc với nhau trước.

Ví dụ chúng ta cũng đã từng nghe là Nhà máy thép di dời lên Thạnh Mỹ, cũng từng nghe đập ngăn mặn có hệ thống val thủy lực điều tiết trên sông Vĩnh Điện, và cũng nghe một số vấn đề khác, gần đây là tuyến du lịch trực tiếp đưa khách từ Đà Nẵng ra Cù Lao Chàm hay ngày hôm nay có câu chuyện về rác. Trong mối quan hệ vùng bao giờ cũng có ảnh hưởng lẫn nhau hết. Việc này lẽ ra các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng phải làm việc kỹ với nhau, để thảo luận nhau rất rõ ràng.

Trước hết là phải dựa trên cơ sở khoa học. Thứ 2 là phải dựa trên tình hình thực tế tại địa bàn. Chớ còn nếu chưa có sự làm việc kỹ với nhau về các vấn đề có liên quan mà chúng ta lại nói theo cảm tính thì lúc đó sẽ gây tác dụng không tốt và có thể gây hiểu nhầm./.        

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng bãi rác Khánh Sơn
Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng bãi rác Khánh Sơn

VOV.VN -Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng giao 4 ha đất để mở rộng bãi rác Khánh Sơn, xử lý tình trạng quá tải tại bãi rác này.

Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng bãi rác Khánh Sơn

Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng giao đất để mở rộng bãi rác Khánh Sơn

VOV.VN -Đà Nẵng đề nghị Bộ Quốc phòng giao 4 ha đất để mở rộng bãi rác Khánh Sơn, xử lý tình trạng quá tải tại bãi rác này.

Người dân sống giữa bãi rác khổng lồ
Người dân sống giữa bãi rác khổng lồ

VOV.VN - Dù diện tích rất nhỏ, nhưng bãi rác thôn Ghép, xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang phải "cõng" lượng rác thải khổng lồ, gây ảnh hưởng đến người dân.

Người dân sống giữa bãi rác khổng lồ

Người dân sống giữa bãi rác khổng lồ

VOV.VN - Dù diện tích rất nhỏ, nhưng bãi rác thôn Ghép, xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang phải "cõng" lượng rác thải khổng lồ, gây ảnh hưởng đến người dân.