Doanh nghiệp như một “mắt xích kép” của nạn tham nhũng

VOV.VN - Giám đốc CENSOGOR cho rằng, doanh nghiệp được nhìn nhận đóng vai trò như một “mắt xích kép” trong thực trạng tham nhũng hiện nay ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp như cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Tuy nhiên, các nỗ lực này chưa đạt hiệu quả cao do mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực đăng kí thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư…

Hội thảo Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể.
Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu vẫn đang nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.

Tại Hội thảo Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể, do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) tổ chức ngày 12/4, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) chỉ ra rằng, doanh nghiệp được nhìn nhận đóng vai trò như một “mắt xích kép” trong thực trạng tham nhũng hiện nay. Cụ thể, doanh nghiệp vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là tác nhân gây ra tình trạng tham nhũng.

Minh chứng cho điều này, bà Viễn cho biết, có đến 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước, 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phải chi trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có hành vi “lại quả” cho đối tác.

“Hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp đang bị đi xuống trong mắt của người dân Việt Nam. Có đến 38% người dân Việt Nam khi được hỏi đã đánh giá rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp là 1 trong 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhiều nhất”, bà Viễn cho biết.

Trước những thực trạng kể trên, trong những năm qua Chính phủ đã có cái nhìn tích cực hơn về vai trò của doanh nghiệp, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng với những quy mô khác nhau, từ trong nội bộ doanh nghiệp cũng như phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.

Sáng kiến thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam, thông qua hành động tập thể do VCCI và CENSOGOR được thực hiện bằng Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính doanh nghiệp (Đề án 12) và Dự án thúc đẩy ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về liêm chính trong kinh doanh, để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam và tăng cường hội nhập quốc tế, được đưa ra trong thời điểm chín muồi, để Việt Nam tăng cường hành động tập thể trong doanh nghiệp, như là một cách chống tham nhũng và tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh.

Bà Đinh Thị Bích Xuân, Điều phối viên Đề án 12 cho biết, đề án hướng đến mục tiêu thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài) cùng hợp tác hành động, thực hiện liêm chính trong kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019.

“Nguyên tắc hoạt động của Đề án dựa trên 3 định hướng: Thúc đẩy xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ tốt trong doanh nghiệp; tăng cường chủ động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đề xuất với chính phủ hoàn thiện các quy định chính sách pháp luật và cải cách thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp”, bà Xuân thông tin.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư kí của VCCI cho rằng, trong thời gian qua, VCCI đã phối hợp với các đối tác trong và nước ngoài thành lập liên minh, tập thể về phòng chống tham nhũng. Tiếng nói của liên minh này sẽ có ảnh hưởng hơn đối với xã hội và sẽ có ảnh hưởng hơn với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, VCCI còn cho ra đời Bộ công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phòng chống tham nhũng. Đây hiện là công cụ online với các doanh nghiệp vừa và nhỏ được các doanh nghiệp hưởng ứng rất cao.

“Đề án 12 của VCCI là cơ hội cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam học hỏi và ứng dụng các phương cách chống hối lộ, giúp họ có thể tham gia vào thị trường kinh tế toàn cầu. Dự án đã triển khai hỗ trợ hàng loạt các cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Thông qua Đề án này, VCCI đã tổ chức hàng trăm các khóa huấn luận về quản trị để hỗ trợ đắc lực các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam trong việc hoàn thiện công tác phòng, chống tham nhũng”, ông Vinh cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn
Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn

VOV.VN -Chỉ số PCI 2015 cho thấy, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng và nhiều rào cản khiến doanh nghiệp “ngại lớn”.

Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn

Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn

VOV.VN -Chỉ số PCI 2015 cho thấy, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng và nhiều rào cản khiến doanh nghiệp “ngại lớn”.

28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan
28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan

VOV.VN-VCCI và Tổng Cục Hải quan công bố kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan

28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan

VOV.VN-VCCI và Tổng Cục Hải quan công bố kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp khoáng sản luôn ở mức cao
Chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp khoáng sản luôn ở mức cao

VOV.VN - Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các doanh nghiệp khác.

Chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp khoáng sản luôn ở mức cao

Chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp khoáng sản luôn ở mức cao

VOV.VN - Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí không chính thức của các doanh nghiệp khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các doanh nghiệp khác.