Lỡ tin đăng kiểm tàu cá, ngư dân tiền mất tật mang

VOV.VN - Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định vừa đóng đã bị hỏng phải nằm bờ, ngư dân có nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất.

Việc hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ tại tỉnh Bình Định gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo cụ thể về tình trạng này. Chiều 22/6, Tổ kiểm định tàu vỏ thép tỉnh Bình Định vừa công bố dự thảo báo cáo kết quả thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn.

Báo cáo này chỉ ra hàng loạt sai phạm của cơ sở đóng tàu và đơn vị đăng kiểm tàu cá dẫn đến chất lượng tàu cá không đảm bảo, nằm bờ nhiều tháng qua. Ngư dân lỡ tin vào Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản, bây giờ tiền mất tật mang, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Hàng loạt tàu cá nằm bờ tại cảng Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Sau khi đối chiếu, kiểm tra hồ sơ, hợp đồng ký kết và gửi mẫu thép phân tích, các chuyên gia xác định 5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, tỉnh Nam Định, đóng có nguồn gốc xuất xứ thép Trung Quốc và 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu, thuộc Bộ Công an thi công có nguồn gốc xuất xứ thép Hàn Quốc.

Đã có 12 tàu cá phần vỏ bị gỉ sắt, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều do tiếp xúc, va chạm với ngư cụ. 5 tàu khác có phần vỏ tàu, mặt boong, trang thiết bị trên boong tàu hoen gỉ nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng. Về phần máy chính, có 9 máy chính hiệu Mitsubishi MPTA, các chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hãng Mitsubishi.

Máy phát điện hiệu Doosan của Hàn Quốc nhưng dán mác Made in China.
Tuy nhiên, hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có model và công suất như ghi trên decal máy. Như vậy, đây là những máy không chính hãng, phụ tùng không đồng bộ và hầu hết các máy này hoạt động không ổn định.

Sau khi nghe công bố kết quả thẩm định bước đầu, ông Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ-99086, ở huyện Phù Cát càng thêm bức xúc. Ông Khánh cho biết, tàu của ông do Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) đóng và bàn giao vào năm 2016, đến nay tàu bị gỉ sét, máy chính của tàu ghi là Mitshubishi nhưng khi kiểm tra lại phát hiện không chính hãng, máy thường xuyên hư hỏng, 2 máy phụ cũng thường xuyên hỏng hóc, hoạt động không ổn định, buộc phải nằm bờ.

Máy phát điện hiệu Doosan bị hỏng.
Ông Đinh Công Khánh “kêu trời” vì đã lỡ tin vào Công ty Nam Triệu, một doanh nghiệp thuộc Bộ Công an và Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản.

"Tôi đóng tàu cá và tin tưởng Trung tâm đăng kiểm nghề cá Trung ương kiểm định cho tôi. Ai ngờ hôm nay ra thẩm định lại toàn bộ là máy giả. Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm và đền bù tiền thiệt hại đăng kiểm cho ngư dân chúng tôi. Máy hỏng đâu dám đi, hỏng lên hỏng xuống, 5-6 tháng, 2 máy điện cũng hỏng rồi. Hại ngư dân, cuối cùng ngư dân nằm bờ. Tiền lãi ngân hàng thì không có mà trả" - ông Đinh Công Khánh than thở.

Tàu nằm bờ, chủ tàu cá thiệt đơn thiệt kép. Trong khi đó, các cơ sở đóng tàu lại trốn tránh trách nhiệm. Hai doanh nghiệp đóng tàu gây ra thiệt hại cho ngư dân là Đại Nguyên Dương và Nam Triệu được mời đến dự buổi công bố dự thảo báo cáo thì Công ty Đại Nguyên Dương vắng mặt không rõ lý do?. Thượng tá Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu trước đây từng lớn tiếng đổ lỗi “tàu gỉ sét do nước biển quá mặn” thì nay lại khư khư cho rằng, hợp đồng ký với nhà cung cấp là máy thủy hiệu Mitsubishi, mới 100%.

Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) phát biểu tại cuộc họp.
Trong khi đó, series máy ghi trong hợp đồng lại là seri máy bộ và tổ thẩm định cũng như nhà sản xuất đã khẳng định đây không phải là những máy chính hãng, phụ tùng không đồng bộ. Tuy nhiên, trước thực tế không thể chối cãi, ông Bùi Hữu Hùng phải đồng ý với bản dự thảo của Tổ thẩm định, đồng thời cam kết sẽ sớm thay thế 10 chiếc máy thủy không phù hợp đã gắn trên tàu cá của ngư dân Bình Định, thay thế các trang thiết bị không phù hợp, sơn sửa lại tàu cho ngư dân trong thời gian sớm nhất.

Thượng tá Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu của Bộ Công an thừa nhận: "Trong hợp đồng ký với các nhà cung cấp, Công ty Nam Triệu ký đúng theo hợp đồng với bà con ngư dân, động cơ máy thủy hiệu Mitsubishi mới 100%. Tôi thống nhất cao kết luận của Tổ thẩm định. Công ty Nam Triệu sẽ khắc phục toàn bộ những sự cố hỏng hóc cho bà con ngư dân trong thời gian sớm nhất".

Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá thừa nhận đăng kiểm viên yếu năng lực.
Sau mấy tháng xảy ra sự cố tàu vỏ thép, tại cuộc họp chiều 22/6, lần đầu tiên nhiều ngư dân mới gặp được ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản. Các chủ tàu cá cho rằng, chính sự kiểm định và cho phép tàu vỏ thép đưa vào hoạt động của đơn vị này đã gây ra nhiều thiệt hại cho ngư dân.

Theo ông Đào Hồng Đức, để đóng mới 1 con tàu có nhiều bộ phận giám sát như: Nhà máy, chủ tàu, trung tâm đăng kiểm tàu cá, đơn vị giám định độc lập. Việc kiểm tra của cơ quan đăng kiểm gồm nhiều bước bao gồm cả kiểm tra hồ sơ, kiểm tra kết quả của các đơn vị giám định độc lập, kiểm tra thực tế từ lúc lắp máy đến khi chạy thử. Chi phí đăng kiểm mỗi chiếc tàu từ 60-70 triệu đồng được hạch toán vào giá thành. Thu phí, nhiều khâu với quy trình được cho là chặt chẽ, thế nhưng những chiếc máy không đảm bảo chất lượng vẫn được lắp lên tàu, sau đó hạ thủy, bàn giao cho ngư dân đánh bắt. Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với tính mạng của ngư dân khi vươn khơi bám biển dài ngày nhưng những chiếc tàu này vừa hạ thủy, đi đánh bắt được vài chuyến đã nằm bờ.

Việc trả lại chi phí đăng kiểm, đền bù thiệt hại cho ngư dân là những câu hỏi không được ông Đào Hồng Đức trả lời mà ông chỉ thừa nhận nhân viên của mình năng lực yếu không phát hiện ra do các thiết bị được làm giả tinh vi, đăng kiểm viên đã có sai sót. Thừa nhận đăng kiểm viên yếu kém nhưng ông Đào Hồng Đức lại né tránh trách nhiệm bồi thường cho chủ tàu cá.

Thợ của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đang sửa máy chính cho tàu của ngư dân Phù Cát.
Ông Đào Hồng Đức cho biết thêm: "Kiểm tra hồ sơ thì kiểm tra chứng chỉ CO, tức là xuất xứ của máy. Đồng thời kiểm tra, giám định chất lượng của đơn vị giám định độc lập là máy thủy 100%. Khi kiểm tra khi lắp đặt, kiểm tra chạy thử, không phải kiểm tra chi tiết máy. Rõ ràng đăng kiểm viên có sai sót, chưa biết máy đấy thật hay giả".

Dư luận bất bình vụ hàng loạt tàu vỏ thép tại tỉnh Bình Định mới đóng đã hỏng phải nằm bờ từ nhiều tháng nay. UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại giữa chủ tàu, cơ sở đóng tàu, chính quyền địa phương nhưng giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu chưa tìm được tiếng nói chung.

Nhiều chủ tàu gửi đơn kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác thẩm định để xác định rõ chất lượng, giá trị, nguồn gốc sản phẩm của những con tàu này. Đồng thời, tổ thẩm định đã tiến hành thẩm định đối với 17 tàu có hư hỏng tại địa phương này. Qua đó phát hiện, không chỉ có 10 máy chính không phải chính hãng, thường xuyên hư hỏng mà 25 máy phụ cũng có nhiều khuất tất như: 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm; 1 máy phụ hiệu Cummins do Trung Quốc sản xuất nhưng xuất xứ hàng hóa lại ghi máy lắp ráp tại Singapore; 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.

Đặc biệt, phần vỏ tàu, mặc dù các mẫu đều đạt cấp thép loại A nhưng lại có 8 tàu có thành phần hóa học không đạt tiêu chuẩn loại A. Nhiều tàu có loại thép trong biên bản thanh toán ghi là thép Hàn Quốc nhưng thực tế lại là thép Trung Quốc. Độ dày của một số vị trí chỉ đạt ở mức giới hạn tối thiểu của đăng kiểm, dễ bị ăn mòn, không bảo đảm an toàn.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định cho biết, thời điểm thẩm định do các tàu đang neo đậu dưới nước nên việc thẩm định vật liệu, độ gỉ sét phần dưới nước không thể thực hiện được, chưa đánh giá toàn diện được phần vỏ tàu. Vì vậy, cần trưng cầu giám định, tham khảo ý kiến để có kết luận chính xác về chất lượng vỏ tàu. Vấn đề lưới cuốn chân vịt cũng chưa có điều kiện để kiểm chứng. Ông Trần Văn Phúc đề nghị:

Cũng theo ông Phúc: "Chỉ tiêu hóa học của quy chuẩn nhưng có 4 chỉ tiêu là đạt còn chỉ tiêu Mang gan là không đạt, chúng tôi cần trưng cầu ý kiến lại một lần nữa. Và xin ý kiến của những chuyên gia về vật liệu. Riêng tất cả những tàu bị hư hỏng đưa lên đà để kiểm tra một cách toàn bộ, xác định độ dày vỏ thép, có đảm bảo theo quy chuẩn quy phạm và đảm bảo theo hợp đồng".

Theo đề nghị của Tổ thẩm định, Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) phải thay mới 10 máy chính không chính hãng, khắc phục các máy phụ bị hỏng. Phần vỏ tàu thì làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép đối với các tàu gỉ sét. Nếu các tàu kiểm tra không đạt thép cấp A thì thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định đề nghị thay mới các máy tàu.
Các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo thép cấp A, nếu giữa chủ tàu và cơ sở đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu. Cơ sở đóng tàu phải sửa chữa các trang thiết bị hàng hải, hầm bảo quản, máy dò ngang Sonar, thay mới hệ thống điện khai thác cho 3 tàu theo đúng hợp đồng ký kết.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thì những thiệt hại do tàu nằm bờ cũng phải xem xét, hỗ trợ ngư dân: "Ai sai về kỹ thuật về hợp đồng thì đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm về bồi thường, nếu máy đó không phải là máy Mitsubishi đề nghị thay mới. Còn việc bồi thường chuyến biển cho ngư dân thì Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sẽ tổng hợp lại. Sau đó, cũng sẽ có buổi làm việc giữa ngư dân và các công ty đóng tàu bồi thường những thiệt hại cho ngư dân".

Vấn đề hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định vừa đóng đã bị hỏng phải nằm bờ, ngư dân có nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất. Có những mảng tối, khuất tất trong việc triển khai đóng tàu vỏ thép cần tiếp tục làm rõ. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các chủ tàu cá đều cho rằng, cơ quan chức năng nên vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan?. Có hay không "lợi ích nhóm" trong việc đóng mới tàu cá vỏ thép?. Trên cơ sở đó, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với những ai gây ra nhiều thiệt hại cho ngư dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngư dân Phú Yên: Chi trả bảo hiểm tàu cá rất nhiêu khê
Ngư dân Phú Yên: Chi trả bảo hiểm tàu cá rất nhiêu khê

VOV.VN - Không được hỗ trợ mua bảo hiểm, việc chi trả bồi thường nhiêu khê là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chủ tàu cá mua bảo hiểm giảm.

Ngư dân Phú Yên: Chi trả bảo hiểm tàu cá rất nhiêu khê

Ngư dân Phú Yên: Chi trả bảo hiểm tàu cá rất nhiêu khê

VOV.VN - Không được hỗ trợ mua bảo hiểm, việc chi trả bồi thường nhiêu khê là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chủ tàu cá mua bảo hiểm giảm.

Bảo hiểm tàu cá: Mua dễ khó đòi
Bảo hiểm tàu cá: Mua dễ khó đòi

VOV.VN -Chủ tàu cá BĐ 96763TS bị chìm vào tháng 8/2016 đã nhiều lần đề nghị Công ty Bảo hiểm chi trả nhưng phía bảo hiểm vẫn im lặng.

Bảo hiểm tàu cá: Mua dễ khó đòi

Bảo hiểm tàu cá: Mua dễ khó đòi

VOV.VN -Chủ tàu cá BĐ 96763TS bị chìm vào tháng 8/2016 đã nhiều lần đề nghị Công ty Bảo hiểm chi trả nhưng phía bảo hiểm vẫn im lặng.

Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Có trách nhiệm cơ quan đăng kiểm
Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Có trách nhiệm cơ quan đăng kiểm

Đơn vị sản xuất cam kết sẽ thay toàn bộ máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho 10 con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định.

Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Có trách nhiệm cơ quan đăng kiểm

Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Có trách nhiệm cơ quan đăng kiểm

Đơn vị sản xuất cam kết sẽ thay toàn bộ máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho 10 con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định.

Vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Cần xử lý hình sự
Vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Cần xử lý hình sự

VOV.VN - Đại diện nhiều cơ quan, chính quyền và người dân đề nghị cần xem xét khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm mỗi bên theo đúng quy định pháp luật.

Vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Cần xử lý hình sự

Vụ tàu cá vỏ thép nằm bờ: Cần xử lý hình sự

VOV.VN - Đại diện nhiều cơ quan, chính quyền và người dân đề nghị cần xem xét khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm mỗi bên theo đúng quy định pháp luật.

Tàu cá nằm bờ: Doanh nghiệp đóng tàu phải đền bù cho ngư dân
Tàu cá nằm bờ: Doanh nghiệp đóng tàu phải đền bù cho ngư dân

VOV.VN - Tàu cá hỏng không ra khơi gây thiệt hại cho ngư dân nên các đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại.

Tàu cá nằm bờ: Doanh nghiệp đóng tàu phải đền bù cho ngư dân

Tàu cá nằm bờ: Doanh nghiệp đóng tàu phải đền bù cho ngư dân

VOV.VN - Tàu cá hỏng không ra khơi gây thiệt hại cho ngư dân nên các đơn vị đóng tàu phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại.