Mức phạt 5 triệu đồng DN để đường hỏng, gây ùn tắc chưa đủ sức răn đe?

Bộ GTVT vừa chủ động đưa ra các giải pháp xử lý doanh nghiệp (DN) hạ tầng để đường hỏng, mất an toàn giao thông, gây ùn tắc khi thu phí. 

Nhiều người cho đây là bước tiến dài về chính sách, nhưng chế tài chưa khả thi, thậm chí tạo kẽ hở cho tiêu cực.

Nhiều ý kiến cho rằng, xử phạt 3-5 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo trì, khai thác đường giao thông là không đủ sức răn đe (Ảnh: Sỹ Lực)

Lần đầu phạt DN hạ tầng

Bằng dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sửa đổi, lần đầu tiên, Bộ GTVT thể hiện quyết tâm cụ thể hóa biện pháp xử lý với các đơn vị bảo trì, khai thác hạ tầng giao thông.

Cụ thể, tại Điều 15, dự thảo quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nếu có các vi phạm: Không có biện pháp khắc phục các hư hỏng của công trình đường bộ gây mất an toàn giao thông (ATGT); không có quy trình quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ theo quy định hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung quy định trong quy trình quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ được phê duyệt.

Dự thảo còn đưa ra mức phạt tiền 30 - 40 triệu đồng với tổ chức thực hiện thu phí đường bộ để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại khu vực thu phí. Nếu không chấp hành quyết định về các biện pháp khắc phục, DN vi phạm bị phạt tiếp 50-70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động thu phí 1 - 3 tháng.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng ATGT (cơ quan giúp Bộ GTVT chủ trì soạn thảo), lý giải, các quy định lần đầu tiên được bổ sung này nhằm quy trách nhiệm cụ thể đối với DN tham gia bảo trì, chủ đầu tư đường BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao), DN thu phí đường bộ trong công tác đảm bảo ATGT. “Dù còn nhiều băn khoăn nhưng các ý kiến đều thống nhất rằng, các vi phạm này tác động lớn đến xã hội, nên ban soạn thảo mạnh dạn đưa vào”, ông Thạch nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, đánh giá, việc bổ sung hai hành vi vi phạm nêu trên là bước tiến dài về chính sách, thể hiện trách nhiệm, sự “sòng phẳng” của ngành GTVT với xã hội, với người phải trả phí đường bộ. Tuy nhiên, ông Thanh lo lắng về tính khả thi của các quy định này.

Đề nghị nâng mức phạt

Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe Hãng Taxi Thành Công (Hà Nội), cho rằng, xử phạt 3-5 triệu đồng với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không đủ sức nặng. Lái xe Nguyễn Huy (Cty Điện lực Thường Tín, Hà Nội) bức xức khi các con đường thường xuyên có ổ gà, sụt lún làm cho việc tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn, thường xuyên ùn tắc. Anh Huy cho rằng, các DN trong ngành GTVT ký hợp đồng bảo trì đường hàng chục, trăm tỷ đồng, đầu tư các tuyến đường hàng nghìn tỷ đồng mà khi xảy ra hư hỏng, không sửa chữa chỉ bị phạt 3-5 triệu đồng thì chỉ như “nhà giàu mất con lợn còi”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị ban soạn thảo nâng mức phạt với các đơn vị để đường hỏng, chậm trễ sửa chữa, thậm chí, cần quy định dừng thu phí với các dự án BOT để đường hỏng, chây ỳ sửa chữa. Điều ông Thanh và nhiều người khác quan tâm là tính khả thi của quy định này.

Gần đây, khi nhiều tuyến đường trên cả nước bị hằn lún, Bộ GTVT cam kết, nếu đường bị hằn lún trên 2,5 cm, sẽ buộc chủ đầu tư đường BOT dừng thu phí. Tuy nhiên, động thái này của Bộ GTVT chỉ dừng ở sự cam kết; số vụ việc xử lý được chỉ là đơn lẻ, phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo Bộ.

Ông Thanh cho rằng, cần phải lượng hóa quy định xử phạt hành vi này như: quy định diện tích mặt đường hỏng, độ sâu của vết lún, thời gian sửa đường từ khi có phản ánh. Ông Thanh cũng đề nghị quy định cụ thể về vai trò giám sát, cách thức để người dân báo tin, khiếu nại khi đường hỏng.

Về điều khoản xử phạt hành vi để gây ra ùn tắc tại trạm thu phí, ông Thanh và nhiều lái xe mà PV Tiền Phong khảo sát đều cho rằng, mức phạt 30-70 triệu đồng và dừng thu phí đủ sức răn đe. Tuy nhiên, vì dự thảo chỉ quy định chung chung về cách thức xác định “gây ùn tắc kéo dài” nên khó khả thi.

Ông Thanh cho rằng, Bộ GTVT cần có cách thức xác định rõ thời gian bao lâu, dòng xe kéo dài như thế nào được coi là ùn tắc kéo dài để xử lý. Ông Thanh cũng đề nghị ban hành cơ chế để người dân phản ánh ùn tắc để cơ quan chức năng xử lý.

Phản hồi về những thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Thạch cho hay, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu bổ sung, theo hướng tăng tính khả thi của các biện pháp xử phạt, trong đó tập trung sử dụng biện pháp khoa học - công nghệ để phát hiện, xử lý vi phạm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên