Nữ doanh nhân Việt Nam - Những trái tim chinh phục thương trường

VOV.VN - Những nữ doanh nhân Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ 4 doanh nghiệp hoạt động thì có 1 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Những chủ doanh nghiệp nữ đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Là một doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chị Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH gốm, sứ xuất khẩu Quang Vinh Hà Nội cho biết, có đến 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu sang 20 nước trên thế giới. Trong những năm qua, công ty luôn tạo việc làm ổn định cho 300 lao động, chủ yếu là lao động nữ, với mức lương trung bình gần 4,5 triệu đồng/tháng.

Đội ngũ nữ doanh nhân có xu hướng tạo việc làm cho nhiều lao động nữ.
Ngoài ra, nhằm giúp các gia đình chị em phụ nữ khó khăn, doanh nghiệp còn có Quỹ “Tương thân tương ái” giúp cho chị em sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống; “Quỹ Khuyến học” hỗ trợ con em công nhân lao động có thành tích cao trong học tập…

Chị Hà Chị Vinh tâm sự, phụ nữ làm doanh nhân gặp nhiều bất lợi hơn so với nam giới, do vừa phải làm thiên chức làm vợ, làm mẹ, lo cho gia đình con cái, một phần làm kinh tế, phát triển doanh nghiệp. Để thành công, người nữ doanh nhân phải có bản lĩnh, tự tin, đổi mới sáng tạo làm ra những sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn.

“Phụ nữ làm kinh doanh phải trau dồi cho mình bản lĩnh tự tin, quyết chí để xây đựng được sự tín nhiệm cao. Khi đã cam kết với đối tác cũng như với người lao động, người lãnh đạo luôn phải hoàn thành đúng chuẩn theo thời gian. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa cho các doanh nhân nữ làm chủ doanh nghiệp và đặc biệt có nhiều doanh nghiệp có nhiều lao động nữ”, chị Hà mong muốn.

Trong xu thế hội nhập, doanh nhân nữ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung gặp rất nhiều khó khăn, do 95% doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên thường thiếu vốn, công nghệ...

Tuy nhiên, đối với doanh nhân nữ còn gặp thêm những rào cản về giới tính, khó tiếp tiếp cận nguồn lực tài chính, các khóa đào tạo, cũng như thiếu thông tin, cơ hội để tham gia các mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm trong qúa trình điều hành doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sông Đuống ở Hà Nội cho rằng, để hội nhập tốt, doanh nghiệp phải có đầy đủ thông tin, kiến thức về pháp lý và trình độ tri thức. Đồng thời có trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm với đất nước.

“Đội ngũ doanh nhân nói chung, doanh nhân nữ nói riêng cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để sẵn sàng bơi ra biển lớn. Càng hội nhập càng phải hiểu sâu, hiểu rộng để nâng cao tri thức. Dù xác định phải làm kinh tế, doanh nhân cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với đất nước và không gì khác là điều hành doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp làm tốt đất nước sẽ phát triển và sẽ có một nền tảng bền vững để sẵn sàng hội nhập với thế giới”, bà Liên chia sẻ..

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Vũ Tiến Lộc khẳng định, đội ngũ doanh nhân nữ đã và đang đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động nữ. Doanh nhân nữ hiện nay hoạt động phần lớn trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… Ngoài ra, các doanh nghiệp xã hội chủ yếu là do các doanh nhân nữ làm chủ góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong những biến động của nền kinh tế thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp nữ làm chủ thường phát triển bền vững hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

“Phụ nữ với tố chất đặc biệt là sự tinh tế, thường sản xuất kinh doanh bằng trái tim nên phụ nữ sẽ có lợi thế. Phong trào doanh nhân nữ đang có những nỗ lực bước đầu trong việc liên kết, hỗ trợ chị em trong hội nhập và đổi mới sáng tạo. VCCI sẽ đồng hành với chị em doanh nhân nữ, hy vọng là các doanh nhân nữ sẽ bứt phá, chiến thắng trong nền kinh tế nhân văn hơn, sáng tạo hơn, tinh tế hơn và vì con người hơn”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng, đội ngũ doanh nhân nữ ở nước ta vẫn còn nhiều rào cản, do đó cần có sự hỗ trợ đặc thù của Chính phủ. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có Luật riêng để hỗ trợ doanh nhân nữ như ở Hàn Quốc, Mỹ…Đây là kinh nghiệm để nước ta tham khảo tìm ra những cơ chế phù hợp hơn thúc đẩy giúp doanh nhân nữ phát triển, đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2015
Những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2015

Chị em bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng (đều là Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn ở top đầu

Những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2015

Những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2015

Chị em bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng (đều là Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn ở top đầu

Những nữ doanh nhân có máu mặt trên thương trường châu Á
Những nữ doanh nhân có máu mặt trên thương trường châu Á

VOV.VN - Nữ hoàng sữa Việt Nam - bà Mai Kiều Liên của Vinamilk cũng có tên trong danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Những nữ doanh nhân có máu mặt trên thương trường châu Á

Những nữ doanh nhân có máu mặt trên thương trường châu Á

VOV.VN - Nữ hoàng sữa Việt Nam - bà Mai Kiều Liên của Vinamilk cũng có tên trong danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Chân dung các nữ doanh nhân quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt
Chân dung các nữ doanh nhân quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt

VOV.VN - Những nữ doanh nhân quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt bao gồm Phạm Thu Hương, Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Mai Thanh…

Chân dung các nữ doanh nhân quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt

Chân dung các nữ doanh nhân quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt

VOV.VN - Những nữ doanh nhân quyền lực nhất thị trường chứng khoán Việt bao gồm Phạm Thu Hương, Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Mai Thanh…