Phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ kém hiệu quả ngành Công Thương

VOV.VN-Đa phần các dự án được xử lý theo hình thức bán đấu giá, chuyển nhượng và thoái vốn, có 1 dự án được quyết định phá sản.

Thực hiện Quyết định số 2551/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 Dự án/doanh nghiệp (sau đây gọi chung là dự án) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Ban Chỉ đạo đã xác định được tổng mức đầu tư của 12 Dự án là 63.610,96 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng.

Phương án xử lý cụ thể từng dự án

Đối với 4 Dự án đầu tư sản xuất phân bón, phương án xử lý là tiếp tục tập trung thực hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc theo các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là các giải pháp liên quan tới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các Dự án. 

Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ sẽ khởi động lại để tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài. (Ảnh minh họa: KT)

Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018). Riêng dự án Đạm Ninh Bình phải tiến hành xử lý dứt điểm tranh chấp vướng mắc đối với hợp đồng EPC.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi…Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án chuyển nhượng/thoái vốn tại công ty.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án PVOil chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lựa chọn phương án PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên được đề xuất lựa chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO. Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai sẽ được tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Riêng với Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ sẽ lựa chọn phương án khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc PVTex chuyển nhượng công ty.

Bộ Công Thương lựa chọn phương án xử lý đối với Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) là phá sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có xem xét đến việc chuyển đổi sở hữu Công ty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ nếu tìm được nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện thực hiện phương án.

Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam đã được Bộ Công Thương thuê tư vấn thẩm định giá khởi điểm, phương án bán đấu giá Dự án và đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để tổ chức bán đấu giá công khai.

Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án phá sản Công ty DQS theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa: Internet)

Hoạt động của một số dự án còn lại

Nhà máy Đạm Ninh Bình đã vận hành sản xuất trở lại ở mức công suất 85% vào tháng 1/2017 sau gần 6 tháng dừng sản xuất. Nhà máy DAP số 1 - Lào Cai, đạm Hà Bắc trong quý I/2017 đã thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu đạt và vượt kế hoạch, đồng thời thực tế chi phí biến đổi khi sản xuất các sản phẩm của các nhà máy đã giảm so với trước (DAP 1 - Lào Cai giảm 27%; đạm Hà Bắc giảm 1% và đạm Ninh Bình giảm 6,9%).

Nhà máy thép Việt - Trung (VTM) trong 2 tháng đầu năm 2017 vẫn ghi nhận lỗ, nhưng sang tháng 3 đã có nhiều tiến bộ rõ rệt và đã có lãi 28,4 tỷ đồng, góp phần làm giảm bớt lỗ của quý I/2017 xuống còn -39,9 tỷ đồng trên tổng doanh thu đạt 1.165,5 tỷ đồng.

Với Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên đã hoàn tất việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khỏi Dự án theo đúng quy định của pháp luật để bảo toàn một phần vốn góp nhà nước tại Dự án này.

Mục tiêu, quan điểm xử lý và làm rõ trách nhiệm

Ban Chỉ đạo xác định mục tiêu xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp xử lý để sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ hoặc hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Trong năm 2017 sẽ hoàn thành được phương án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức triển khai, tạo chuyển biến về hoạt động và tài chính của các Dự án. Phấn đấu đến hết năm 2018 tạo được chuyển biến căn bản trong xử lý tồn tại, yếu kém ở các Dự án.

Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác các Dự án thua lỗ, kém hiệu quả, trên cơ sở đó hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Ban Chỉ đạo cũng xác định quan điểm kiên quyết xử lý các Dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các Dự án; Tập trung thực hiện tái cơ cấu các Dự án, ưu tiên các phuơng án bán/chuyển nhượng/thoái vốn, đồng thời xem xét thực hiện phá sản/giải thể các doanh nghiệp/dự án không có điều kiện phục hồi theo qui định của pháp luật.

Kiên quyết xử lý các Dự án, không để kéo dài gây hệ lụy cho nền kinh tế nhưng phải trên nguyên tắc thận trọng, đúng qui định của pháp luật, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước, người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường.

Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các Dự án. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Bảo đảm phối hợp đồng bộ giữa các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm các giải pháp về thể chế, chính sách, tăng cường quản trị doanh nghiệp.

Ngoài việc rà soát 12 Dự án nêu trên, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các dự án đầu tư trong ngành có nguy cơ kém hiệu quả kinh tế, từ đó có giải pháp phù hợp, kịp thời để tránh thiệt hại cho Nhà nước, tạo hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển chung của kinh tế đất nước./.

12 dự án chậm tiến độ kém hiệu quả của ngành Công Thương:

Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai; Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Công Thương loại bỏ 12 dự án thép khỏi quy hoạch
Bộ Công Thương loại bỏ 12 dự án thép khỏi quy hoạch

VOV.VN - Tổng công suất thiết kế dự kiến của 12 dự án này là 1.350 tấn gang, sắt xốp và 6.520 tấn phôi vuông/năm.

Bộ Công Thương loại bỏ 12 dự án thép khỏi quy hoạch

Bộ Công Thương loại bỏ 12 dự án thép khỏi quy hoạch

VOV.VN - Tổng công suất thiết kế dự kiến của 12 dự án này là 1.350 tấn gang, sắt xốp và 6.520 tấn phôi vuông/năm.

Thủ tướng yêu cầu xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương
Thủ tướng yêu cầu xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng hỗ trợ xử lý.

Thủ tướng yêu cầu xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương

Thủ tướng yêu cầu xử lý kịp thời 12 dự án thua lỗ tại Bộ Công Thương

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương giải quyết, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng hỗ trợ xử lý.

Xử lý 12 dự án yếu kém – Nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành
Xử lý 12 dự án yếu kém – Nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành

VOV.VN - Nếu các dự án yếu kém không thể hoạt động hiệu quả thì phải có phương án xử lý như bán hoặc cho phá sản.

Xử lý 12 dự án yếu kém – Nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành

Xử lý 12 dự án yếu kém – Nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành

VOV.VN - Nếu các dự án yếu kém không thể hoạt động hiệu quả thì phải có phương án xử lý như bán hoặc cho phá sản.