Thời gian không đợi

VOV.VN -“Điều vui nhất với chúng tôi là sau hơn nửa năm thi công, công trường đã đạt hơn 1 triệu giờ lao đông an toàn”.

Công ty cổ phần Sông Đà 9 (đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới) Tổng công ty Sông Đà đang thực hiện việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Công ty đã nhận được gói thầu EPC giai đoạn 1 xây dựng bãi thải xỉ số 2 Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Mông Dương 2. Chủ đầu tư công trình là Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực AES-VCM Mông Dương thuộc Tập đoàn AES Mỹ. Từ nhận thầu xây dựng đến Tổng thầu EPC là một bước tiến lớn trên con đường phát triển của Công ty cổ phần Sông Đà 9.

Vào những ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến công trường xây dựng bãi thải xỉ số 2 NMNĐ Mông Dương 2. Trời mưa rả rich. Tổng giám đốc Sông Đà 9, kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường sốt ruột nhìn trời, than: “Dưới này mưa nhiều hơn nắng. Nhiệt độ lúc nào cũng thấp hơn Hà Nội 2-3 độ. Tiến độ thật là căng…”

Khu vực xây dựng bãi thải xỉ số 2 nằm ở thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa huyện Mông Dương, tỉnh Quảng Ninh, nằm giáp biển Vân Đồn. Chính thức khởi công ngày 4/12/2013, đến nay, bãi thải số 2 đã hình thành với một mặt bằng mênh mông rộng hơn 100ha được bao quanh bằng hệ thống đê bao chu vi 4,6km với chân đáy chỗ rộng nhất 128,6m, chỗ hẹp nhất là 85 m (chiều cao trung bình khi hoàn thành là 10m).

 

       Hệ thống trụ đỡ đường ống dẫn xỉ thải qua sông đang được thi công 

“Là một đơn vị đã đắp đập thủy điện Hòa Binh, Sơn La, Lai Châu và nhiều đập thủy điện khác, cái khó nhất ở Công trình này là gì?”,  tôi hỏi Nguyễn Hoàng Cường.

“Cái khó nhất là từ tổng thầu xây lắp, Sông Đà 9 lần đầu tiên làm Tổng thầu EPC. Có nghĩa là phải chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế, thiết kế thi công, mua sắm thiết bị, xây dựng, vận hành và chuyển giao. Công ty TNHH Điện lực AES-VCM Mông Dương là chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2, có những yêu cầu rất khắt khe từ giai đoạn thương thảo, lựa chọn nhà thầu đến những quy định rất cụ thể trong việc thi công, đặc biệt là việc đảm bảo tiến độ, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…”, Nguyễn Hoàng Cường cho biết.

Những việc khác thì chưa thể biết ngay, nhưng đến công trường thi công bãi thải Mông Dương 2, thấy ngay việc đảm bảo an toàn lao động được đặt lên hàng đầu. Tất cả những ai đã ra công trường là phải mặc áo bảo hộ lao động có vạch phản quang, đội mũ và đeo kính bảo hộ lao động, đi giày da cao cổ hoặc ủng.

Tại khu vực Ban điều hành,lúc nào cũng có một xe cứu thương (với tài xế) trực. Khu vực nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ. Bếp ăn nào cũng có tủ lạnh để mẫu thực vật, mẫu thức ăn duy trì trong vòng 48h. Ở hiện trường, có nhà vệ sinh, lán nghỉ ngơi, uống nước,… Chỗ đỗ xe máy thi công đều phải trải bạt bên dưới để dầu mỡ xe máy không ngấm vào lòng đất. Đất dính dầu mỡ đều phải hót lên đưa đi xử lý… Tất cả mọi sinh hoạt của con người đều trong vòng tiêu chuẩn. Các sinh hoạt văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên.

 Một góc công trường xây dựng bãi thải xỉ số 2
Kỹ sư Đoàn Thiên Khoát, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án dẫn chúng tôi tới ven sông Thác Thầy, nơi đang thi công hệ thống trụ đỡ đường ống dẫn xỉ thải từ nhà máy xuống, đồng thời, giới thiệu vắn tắt quy trình vận hành hệ thống máy bơm, đường ống…Theo đó, xỉ thải từ lò đốt thải ra để trong xi lô, sau đó nghiền trộn với tro bay, thạch cao và nước được bơm theo đường ống (dài 4,3 km) xuống khu vực bãi thải.

Tại đây, lại có hệ thống 3,5 km đường ống trên đỉnh đê quai, dẫn đi các khu vực, và định kỳ được thải ra theo một sơ đồ nhất định. Cứ sau một chu kỳ bơm liên tục 4 ngày, lại tạm dừng, rửa sạch đường ống….Đoàn Thiên Khoát cho biết Sông Đà 9 đã huy động gần 500 lao động xuống công trường, triển khai đồng bộ việc đắp đê quai. Đến giữa tháng 8 đã hoàn thành 1.794 00o m3 trong tổng số 2 700 000 m3 đất. Công trường đã đổ gần xong 200 vị trí bệ đỡ ống, đang làm đường xuống trạm bơm…Toàn công trường phấn đấu đến hết tháng 11/2014 hoàn thành toàn bộ việc làm đất…

Chúng tôi gặp kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Giám đốc chi nhánh Sông Đà 9.10 khi anh đang phê bình một đội trưởng đã không hoàn thành phần việc trong ca của mình. Nghĩa phân tích: cùng một vị trí cạnh nhau, trời cũng mưa như thế, nhưng sao đội khác đổ được 5 m3 khối bê tông, đội anh không làm được? Rõ ràng có vấn đề về tổ chức công việc và tinh thần trách nhiệm. Trên bàn làm việc của Nghĩa, thấy ghi dòng chữ: Hãy tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động. Bếp ăn của Sông Đà 9.10 đủ chỗ cho 500 người ăn một lúc. Công nhân có thể ăn ngày 3 bữa ở đây, không phải ra đến bên ngoài. Tôi hỏi Nghĩa: “phần việc khó nhất hiện nay là gì?”. "Khó nhất là rải lớp phủ HDBE trên toàn bộ mặt bằng bãi thải. Bọn em đang lựa chọn mấy phương án, ạnh ạ”, Nghĩa trả lời.

Trao đổi vấn đề này với kỹ sư Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Ban điều hành dự án, được anh cho biết: Phủ màng chống thấm HDPE là quy định bắt buộc để nước thải không ngấm xuống đất. Cái khó là sau khi phủ xong, phải trải một lớp màng bảo vệ màng chống thấm này. Lớp màng này có thể là đất mỏng, có thể là một lớp màng khác. Điều quan trọng là không đê lớp HDPE bị rách. Khi làm thiết kế thi công, chúng tôi đã phải tính đến các phương án khác nhau.

 Hoạt đông thể thao là điều bắt buộc trên công trường
Điều vui nhất với chúng tôi là sau hơn nửa năm thi công, công trường đã đạt hơn 1 triệu giờ lao đông an toàn. Ông David Stone, Tổng giám đốc dự án NMNĐ Mông Dương 2, chủ đầu tư đề nghị Sông Đà 9 tổ chức một buổi lễ nho nhỏ, nhằm tôn vinh những người lao động. Công ty Sông Đà 9 cũng nhân dịp này phát động đợt thi đua mới, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ dự án. Bãi thải xỉ rộng 187ha hoạt động trong 25 năm. Sông Đà 9 hiện thi công giai đoạn 1 của bãi thải rộng 105 ha (hoạt động trong 10 năm). Hy vọng là kết thúc phần việc này sẽ trúng thầu làm nốt giai đoạn 2 của dự án.

Trời vẫn mưa rả rích. Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Cường lần lượt làm việc với từng đơn vị. Sông Đà 9 đã lo công ăn việc làm đến hết năm 2018. Ở dự án Mông Dương này, Tổng giám đốc đặt lịch làm viêc tai công trường từ thứ 5 đến thứ 7 hàng tuần. Nguyễn Hoàng Cường tâm niệm: Sông Đà 9 phải hoàn thành tốt gói thầu EPC này, tạo đà cho những dự án tổng thầu tiếp theo trong quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình. Mục tiêu là ngày 4/7/2015 kết thúc dự án.

Đối với họ, thời gian không đợi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

4.000 tỷ đồng làm ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội
4.000 tỷ đồng làm ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội

VOV.VN - Dự án sẽ nâng cấp công suất lên 300.000 mét khối/ngày đêm dự kiến sẽ được khởi công trước tháng 9/2014.

4.000 tỷ đồng làm ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội

4.000 tỷ đồng làm ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội

VOV.VN - Dự án sẽ nâng cấp công suất lên 300.000 mét khối/ngày đêm dự kiến sẽ được khởi công trước tháng 9/2014.

Sông Đà Thăng Long thay Tổng Giám đốc
Sông Đà Thăng Long thay Tổng Giám đốc

Tổng Giám đốc mới của Công ty CP Sông Đà Thăng Long chính là Chủ tịch HĐQT đương nhiệm Nguyễn Trí Dũng.

Sông Đà Thăng Long thay Tổng Giám đốc

Sông Đà Thăng Long thay Tổng Giám đốc

Tổng Giám đốc mới của Công ty CP Sông Đà Thăng Long chính là Chủ tịch HĐQT đương nhiệm Nguyễn Trí Dũng.

Chủ tịch Vinaconex trần tình chuyện vỡ ống nước Sông Đà
Chủ tịch Vinaconex trần tình chuyện vỡ ống nước Sông Đà

Chủ tịch Vinaconex cho biết, do khó khăn về vốn nên đơn vị này không lắp đặt thêm tuyến ống cấp nước năm 2006, dẫn đến xảy ra sự cố trên. 

Chủ tịch Vinaconex trần tình chuyện vỡ ống nước Sông Đà

Chủ tịch Vinaconex trần tình chuyện vỡ ống nước Sông Đà

Chủ tịch Vinaconex cho biết, do khó khăn về vốn nên đơn vị này không lắp đặt thêm tuyến ống cấp nước năm 2006, dẫn đến xảy ra sự cố trên.