Độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế

Sự phát triển của Việt Nam phải dựa vào việc huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất mọi nguồn lực của đất nước

Đã tròn 66 năm nước ta giành được độc lập và cũng là 36 năm nước nhà thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trong suốt 36 năm ấy, nước ta từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã có những bước phát triển đáng kể. Giờ đây, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. GDP đầu người đã đạt con số 1.000 USD, bước vào nhóm những nước có thu nhập trung bình. Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế...

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập với nền kinh tế thế giới, GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đánh giá: Việt Nam đã có bước tiến vững chắc trong chủ động hội nhập quốc tế, khá toàn diện cả về kinh tế và ngoài kinh tế.

GS Nguyễn Quang Thái

Trong lĩnh vực kinh tế, có thể nêu ra những bước phát triển đáng tự hào. Về thương mại, Việt Nam chuyển từ mức xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD năm 1990, chủ yếu với Liên Xô và các nước XHCN, đến nay đã có thương mại rộng khắp, có quy mô xuất khẩu lớn hơn 40 lần, với các bạn hàng lớn như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN...

Sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thương mại với Mỹ đã vượt lên đứng đầu; sau khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại quốc tế cũng tiến vượt bậc; Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kể từ năm 1988 đến nay có hàng nghìn dự án vào Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 200 tỷ USD, và đã giải ngân chừng 1/3, đóng góp lớn cho nền kinh tế về vốn (1/4 tổng vốn) và thu nhập (19% GDP)...

Về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), từ năm 1993, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 40 tỷ USD với những điều kiện ưu đãi (về thời hạn, lãi suất, ân hạn, chuyển giao công nghệ,...), và số vốn đã được giải ngân...

Tuy nhiên, GS Nguyễn Quang Thái cũng nêu rõ, cần thấy rằng, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, quan điểm độc lập dân tộc đi cùng với hội nhập quốc tế sẽ tạo ra thế tùy thuộc lẫn nhau. Nếu trong thực tế, việc thực hiện chỗ này, chỗ khác làm cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt ở một vài lĩnh vực bị lệ thuộc quá nặng nề vào một vài đối tác nào đó thì rất cần có sự nhìn nhận lại, điều chỉnh để tạo thế phụ thuộc lẫn nhau, bảo đảm lợi ích dân tộc, phòng khi có tác động xấu từ bên ngoài, không làm đất nước bị bất ngờ.

Ví dụ, thương mại mà nhập siêu lớn quá, lệch với một vài đối tác là chưa đúng; huy động FDI đến mức 25% tổng vốn; huy động và sử dụng ODA tuy có nhiều ưu đãi nhưng không phải là cho không, cũng cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nhất; vốn bên ngoài nói chung chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư là quá lớn, nay cần điều chỉnh dần theo hướng chuyển mạnh sang chất lượng, hiệu quả, tạo sự lan tỏa ngày càng mạnh trong nền kinh tế.

Trong điều kiện đất nước bị tác động mạnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, rất cần xem lại cả chính sách hội nhập trong kinh tế, khoa học công nghệ... để đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Cảng Sài Gòn. (Ảnh:  Phỉ Thúy)

** Chúng ta tự chủ nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế phức tạp, đan xen nhiều yếu tố. Giữ độc lập và tự chủ trong điều kiện này như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Quang Thái: Trong hội nhập quốc tế, việc giao lưu hợp tác là bình thường. Trong điều kiện ngày nay, nền kinh tế độc lập tự chủ không phải là “đóng cửa”, là “bế quan tỏa cảng”, mà phải độc lập từ trong quan điểm phát triển, trong xây dựng và thực thi chính sách, thực hiện đúng các quy hoạch và kế hoạch ngành, vùng... để bảo vệ lợi ích dân tộc, phát huy các lợi thế so sánh tĩnh của đất nước, tạo ra các lợi thế so sánh động trong toàn cầu hóa và hội nhập.

Trong điều kiện đó, càng mở rộng hợp tác quốc tế càng tốt, vì nhờ đó mà càng đem lại lợi ích thỏa đáng cho dân tộc ở tầm cao mới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Không làm được như vậy là sai, cần chỉnh sửa. Cơ quan hay tổ chức nào làm sai thì phải sửa sai và phải chịu trách nhiệm vật chất về các sai phạm đó, nhất là sai phạm liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sử dụng và bồi dưỡng lao động trong nước, mua sắm thiết bị và tiến hành chuyển giao công nghệ...

** Theo Giáo sư, những điểm nghẽn cản trở sự phát triển nền kinh tế và cũng là thách thức thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực của Việt Nam là gì?

GS Nguyễn Quang Thái: Ở đây có các yếu tố kinh tế và ngoài kinh tế. Về kinh tế, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu 3 khâu đột phá, mà trong bài viết mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ về các khâu đột phá chiến lược trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm “tạo xung lực mới có sức lan toả mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững”:

Chúng ta cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển...; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mà hiện nay mới có 40% lao động qua đào tạo với mức độ khác nhau, về ứng dụng KHCN và tăng cường sự nghiệp y tế văn hóa vì hạnh phúc của nhân dân; Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đô thị hiện đại, như hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông,... với tầm nhìn cả nước, có bước đi thích hợp, tạo sự lan tỏa mạnh trong nền kinh tế,...

Đó cũng là những điểm nghẽn quan trọng cần tháo gỡ để nền kinh tế nước ta phát triển, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức. Đồng thời cũng là quá trình chuẩn bị điều kiện để từng bước tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng/phát triển theo tư duy phát triển hiện đại, hướng tới phát triển bền vững.

** Tới đây, theo Giáo sư, tăng trưởng của Việt Nam phải dựa vào vấn đề gì?

GS Nguyễn Quang Thái: Sự phát triển (không chỉ tăng trưởng về số lượng, mà phải tăng cả chất lượng) của Việt Nam phải dựa vào việc huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất mọi nguồn lực của đất nước, hướng đến chất lượng, tận dụng được mọi lợi thế so sánh tĩnh từ vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh và tạo ra các lợi thế so sánh động, nhưng trên hết là phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, nguồn lực vô tận trong chủ động hội nhập, tiếp tục đưa nước ta vượt lên trong phát triển bền vững.

** Xin cảm ơn Giáo sư!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên