Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan

VOV.VN -Một số doanh nghiệp kêu vẫn còn một số vướng mắc trong thủ tục hải quan, gây khó cho doanh nghiệp. 

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến sáng 2/4 về chủ đề “Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan”. 

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành, gắn với trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan khác nhau.

Một số ý kiến của doanh nghiệp xuất nhập khẩu gửi về buổi tọa đàm trực tuyến cho thấy, vẫn còn một số vướng mắc trong thủ tục hải quan, gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như với doanh nghiệp dệt may, mặc dù nhiều lần nhập khẩu cùng 1 mặt hàng nhưng lần nào cũng phải bắt buộc kiểm định hàm lượng formaldehyde mới được thông quan, gây tốn kém thời gian. Hoặc hồ sơ xin cấp chứng nhận hàng hóa đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, đặc biệt là tờ khai hải quan…

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn hải quan nêu thực trạng vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong quản lý. Một mặt hàng được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, phải kiểm tra nhiều lần ở nhiều bộ phận khác nhau...làm chậm trễ thời gian thông quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đáng chú ý là nhóm hàng chịu sự quản lý chuyên ngành vẫn còn cao.

Tọa đàm trực tuyến "Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan"
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, có gần 35% hàng hóa xuất nhập khẩu chịu sự quản lý chuyên ngành. Thậm chí tại hải quan TP Hồ Chí Minh, con số này cao gấp đôi lên tới 60-70%. Đây là một trong những lý do khiến hàng hóa thuộc luồng vàng tăng lên.

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, những nhóm hàng được quản lý chuyên ngành là nhóm hàng phải đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo an ninh và theo cam kết của Việt Nam với các công ước quốc tế…Hiện Bộ Công Thương đang rà soát, theo hướng giảm nhóm hàng quản lý chuyên ngành, rà soát lại quy trình cấp phép để góp phần đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

“Hiện Bộ Công Thương đang rà soát theo hướng những nhóm hàng không cần thiết quản lý chuyên ngành thì chuyển sang quản lý theo cách khác như điều kiện quy chuẩn, điều kiện nhập khẩu. Giảm tối đa nhóm hàng quản lý chuyên ngành của các bộ. Thứ hai là rà soát quy trình cấp phép giảm thời gian, giảm giấy tờ, chứng từ. Thực hiện kết nối cơ chế 1 cửa quốc gia với Tổng cục Hải quan, góp phần giảm số giờ thông quan tại cửa khẩu,” bà Hương nhấn mạnh.

Mục tiêu đặt ra cho ngành Hải quan là đến cuối năm 2016 giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày. Đây là chỉ số ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4, so với mức 21 ngày cho cả xuất và nhập khẩu như đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2013.

Bà Lê Như Quỳnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hải quan, Tổng Cục Hải quan cho rằng, để đạt mục tiêu này, thời gian qua, ngành hải quan tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai một loạt các phương pháp hải quan hiện đại, tập trung quản lý rủi ro, đẩy mạnh kiểm soát hải quan, giám sát bằng phương tiện trực tuyến...

Bà Quỳnh nói: “Trong thời gian tới, ngành hải quan tập trung 3 giải pháp lớn, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung trước mắt là hoàn thiện thể chế chính sách kiểm tra chuyên ngành, phù hợp thông lệ quốc tế; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực…Những vấn đề gì liên quan đến thực hiện chuẩn mực và thông lệ quốc tế thì  tập trunng 5 cửa khẩu và cảng biển lớn như Hải Phòng, TPHCM, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Thứ hai 2 là cơ chế 1 cửa quốc gia hướng đến 1 cửa ASEAN. Thứ 3 là tiếp tục triển khai hải quan hiện đại, trong đó quản lý rủi ro, quản lý sau thông quan, chống buôn lậu.”

Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh nỗ lực của cơ quan hải quan, để thời gian cắt giảm theo mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan chuyên ngành và sự chủ động của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh để cùng chung sức giảm thời quan giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên