Dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong quý III

VOV.VN -Việc tăng lãi suất huy động đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần cạnh tranh với thị trường trái phiếu chính phủ và diễn biến của lạm phát.

“Tín dụng trong quý III/2016 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ 10 - 11% . Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu chính phủ và diễn biến của lạm phát” – nhận định được đưa ra tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV mới công bố.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Báo cáo cũng cho biết, đến ngày 27/4, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt mức gần 4%). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (dư nợ huy động vốn tính đến ngày 30/3 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng).

Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; và từ 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất huy động USD của tổ chức tín dụng tiếp tục được duy trì ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Báo cáo cũng cho biết, lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 được dự báo có xu hướng tăng trở lại do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ tăng dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18 - 20% trong năm 2016, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng gần 4%.

Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ duy trì sự ổn định trong tháng 6/2016 do cán cân thương mại vẫn ở mức tích cực dự kiến trong tháng 6/2016, tỷ giá biến động trong biên độ 22.300 - 22.500 đồng/USD, nửa sau năm 2016 nếu như các số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến lạc quan.

Lãi suất trái phiếu chính phủ trong tháng 6 được dự báo tiếp tục xu hướng giảm do tín dụng chưa vào mùa vụ giải ngân mạnh cũng như kỳ vọng vào khả năng NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Dự báo lãi suất trái phiếu chính phủ dao động quanh mức 4,5-4,8% đối với kỳ hạn 1 năm, 4,7-5% đối với kỳ hạn 2 năm, 5,2-5,5% đối với kỳ hạn 3 năm, và 5,9-6,2% đối với kỳ hạn 5 năm.

Các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, NHNN cũng cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng đề xuất NHNN cần sớm thực hiện rõ ràng hơn hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại qua cho vay cầm cố trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp. Xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Đặc biệt, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu BIDV kiến nghị cần tiếp tục thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2 (2016 - 2020) tập trung vào 6 nội dung lớn bao gồm: Tiếp tục tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao năng lực tài chính (đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước); xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu; minh bạch hóa hoạt động theo thông lệ; hình thành những tập đoàn ngân hàng tài chính lớn mạnh mang tầm quốc tế; hội nhập quốc tế thành công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần lãi suất huy động USD 0% - có nên thay đổi chính sách?
Trần lãi suất huy động USD 0% - có nên thay đổi chính sách?

VOV.VN - Việc tăng lãi suất huy động USD sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu về tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp vừa duy trì được tỉ lệ USD hóa ổn định.

Trần lãi suất huy động USD 0% - có nên thay đổi chính sách?

Trần lãi suất huy động USD 0% - có nên thay đổi chính sách?

VOV.VN - Việc tăng lãi suất huy động USD sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu về tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp vừa duy trì được tỉ lệ USD hóa ổn định.

Thống đốc yêu cầu giữ ổn định lãi suất huy động, giảm lãi cho vay
Thống đốc yêu cầu giữ ổn định lãi suất huy động, giảm lãi cho vay

VOV.VN - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ thị về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.

Thống đốc yêu cầu giữ ổn định lãi suất huy động, giảm lãi cho vay

Thống đốc yêu cầu giữ ổn định lãi suất huy động, giảm lãi cho vay

VOV.VN - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có chỉ thị về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.

“Mở khóa” cho vay ngoại tệ: Nên tăng lãi suất huy động USD?
“Mở khóa” cho vay ngoại tệ: Nên tăng lãi suất huy động USD?

Các ngân hàng cho vay USD với thanh khoản thấp trong khi các khoản tiền gửi đều không kỳ hạn là một rủi ro tín dụng sẽ làm tăng lãi suất đồng USD.

“Mở khóa” cho vay ngoại tệ: Nên tăng lãi suất huy động USD?

“Mở khóa” cho vay ngoại tệ: Nên tăng lãi suất huy động USD?

Các ngân hàng cho vay USD với thanh khoản thấp trong khi các khoản tiền gửi đều không kỳ hạn là một rủi ro tín dụng sẽ làm tăng lãi suất đồng USD.