Đua thời gian: Nhiều Nghị định chỉ là nâng cơ học từ Thông tư lên

VOV.VN - Do áp lực thời gian đã có nhiều văn bản quy định điều kiện đầu tư kinh doanh được xây dựng nhưng không đảm bảo chất lượng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành hoàn thành trước ngày 1/7 tới đây là phải rà soát các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trước ngày 1/7/2015 không phù hợp để xem xét loại bỏ hoặc sửa đổi, đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế.

Quy trình rút gọn sẽ khiến chất lượng của các văn bản luật có nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa: KT)
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến thời hạn phải hoàn thành, do áp lực thời gian, đã có nhiều văn bản được xây dựng nhưng không đảm bảo chất lượng, có nghị định viện dẫn cả thông tư, thậm chí nhiều Nghị định chỉ là nâng cơ học từ Thông tư lên.

Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 quy định 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó chỉ có 16 ngành nghề mới, còn 251 ngành nghề đã được quy định trong các thông tư. Luật cũng quy định từ ngày 1/7 tới đây, các thông tư này hết hiệu lực nên phải nâng cấp lên thành nghị định. Do yêu cầu tiến độ, thực hiện quy trình rút gọn nên chất lượng của các văn bản luật này có nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đang tạo ra hàng loạt “siêu nghị định”.

Điển hình như Bộ Công Thương “gom” 22 thông tư thành 1 nghị định, Bộ Y tế “sắp xếp” 70 thông tư thành 12 nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn “nâng cấp” 34 thông tư quy định nhiều lĩnh vực thành 1 nghị định.  Cùng với đó là sự chồng chéo giữa các nghị định về đối tượng điều chỉnh, tác động. Cùng một nghề nhưng lại được điều chỉnh bởi nhiều nghị định.

“Việc không chuẩn bị, không rà soát đã dẫn đến tình trạng “nước đến chân mới nhảy” và buộc Thủ tướng Chính phủ phải quyết liệt, vì nếu không sẽ không đúng luật đầu tư, nên phải chỉ đạo theo thủ tục rút gọn dẫn đến chất lượng các nghị định này rất có vấn đề. Thứ 2 là có sự chồng chéo giữa các nghị định, các bộ ngành vì vội và chạy theo mảng của mình nên dẫn đến chồng lấn, cùng một lĩnh vực mà có 2 quy định ở 2 nghị định”, ông Tú cho biết.

Tinh thần của Luật đầu tư là nâng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh ở thông tư lên nghị định nhưng phải đảm bảo thông thoáng, công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, do sức ép về thời gian nên rất nhiều bộ, ngành đã nâng điều kiện kinh doanh theo cơ họcmà không theo tinh thần của luật.

Cũng do yêu cầu về tiến độ, hầu hết các dự thảo văn bản không thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, không đánh giá tổng kết thực tiễn. Thời gian thẩm định cũng bị rút ngắn 1/3 so với quy định nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng, tính khả thi cũng như tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Điều này sẽ tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư, giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp thuận đầu tư, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ. Chẳng hạn như Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hải quan viện dẫn cả văn bản đã hết hiệu lực thi hành; Nghị định sửa đổi, bổ sung và ban hành một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương lại viện dẫn cả thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an…

“Các điều kiện quy định trong Thông tư khi nâng lên thành Luật liệu có ổn hay không? Khi những điều kiện quy định trong Thông tư đi vào cuộc sống mới chỉ đạt khoảng 1/4, còn 3/4 các bộ ngành không đáp ứng được. Những bất cập này nếu tiếp tục đưa vào Dự thảo nghị định để Chính phủ thông qua sẽ rất có vấn đề”, Bà Thoa cho biết.

Đến thời điểm này đang còn tới 86 Nghị định cần phải ban hành trước ngày 1/7, trong đó có 49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nghị định vẫn chưa được ban hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: Sự chậm trễ này trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan chủ trì soạn thảo vì có những Luật đã có hiệu lực cả năm nay nhưng một số cơ quan vẫn chưa tranh thủ thời gian để soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đang tích cực tiến hành nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trên tinh thần không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng của các văn bản này.

Liên quan đến các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh được nâng lên thành nghị định, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị, không thể nâng cơ học từ thông tư lên nghị định, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, khả thi, thuận tiện khi áp dụng.

“Trong dự thảo văn bản và trong tờ trình đề nghị phải nêu rõ bỏ điều kiện nào, điều kiện nào sẽ nâng cấp từ thông tư lên, điều kiện nào cần được thêm vào cũng như thay thế. Ngoài việc đảm bảo tính pháp chế, điều kiện kinh doanh cũng cần đảm bảo tính thực tế, khả thi. Những điều kiện nào chưa rõ, chưa hiểu nhất định không đưa vào quy định” Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ.

Thực tế, chỉ còn nửa tháng nữa là các Bộ, ngành phải ban hành các văn bản quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo Luật đầu tư. Thời điểm này, giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình soạn thảo là không đơn giản, nhất là khi nhiều dự thảo văn bản đã thẩm định xong hoặc đã trình Chính phủ.

Tuy nhiên, không phải vì khó khăn mà không làm. Các bộ, ngành cần tích cực rà soát lại những vấn đề còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh trước khi ban hành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Kỷ luật đầu tư công rất đáng lo ngại
Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Kỷ luật đầu tư công rất đáng lo ngại

VOV.VN - Quá trình đầu tư công vẫn để xảy ra nhiều công trình không phát huy hiệu quả, việc xử lý nợ đọng và vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn rất chậm.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Kỷ luật đầu tư công rất đáng lo ngại

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Kỷ luật đầu tư công rất đáng lo ngại

VOV.VN - Quá trình đầu tư công vẫn để xảy ra nhiều công trình không phát huy hiệu quả, việc xử lý nợ đọng và vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn rất chậm.

Ông Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về điều kiện kinh doanh mua bán nợ
Ông Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về điều kiện kinh doanh mua bán nợ

VOV.VN - Chiều nay tại Trụ sở Chính phủ, PTT Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Ông Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về điều kiện kinh doanh mua bán nợ

Ông Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về điều kiện kinh doanh mua bán nợ

VOV.VN - Chiều nay tại Trụ sở Chính phủ, PTT Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

"Điều kiện kinh doanh đang làm thui chột sáng tạo của doanh nghiệp!"
"Điều kiện kinh doanh đang làm thui chột sáng tạo của doanh nghiệp!"

VOV.VN -Theo TS Nguyễn Đình Cung, muốn có thị trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, minh bạch, cần loại bỏ các điều kiện kinh doanh trái luật.

"Điều kiện kinh doanh đang làm thui chột sáng tạo của doanh nghiệp!"

"Điều kiện kinh doanh đang làm thui chột sáng tạo của doanh nghiệp!"

VOV.VN -Theo TS Nguyễn Đình Cung, muốn có thị trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, minh bạch, cần loại bỏ các điều kiện kinh doanh trái luật.

Thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều vướng mắc
Thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều vướng mắc

VOV.VN - Một số văn bản pháp luật được ban hành trước Luật Đầu tư đang gây ra xung đột, chồng chéo làm khó các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều vướng mắc

Thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư còn nhiều vướng mắc

VOV.VN - Một số văn bản pháp luật được ban hành trước Luật Đầu tư đang gây ra xung đột, chồng chéo làm khó các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.