Giá nhập khẩu đồng loạt giảm: xăng dầu trong nước bao giờ giảm?

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tất cả mặt hàng xăng dầu nhập khẩu gồm xăng A92, A95, dầu DO, FO, dầu hỏa đều giảm giá trong tháng 4.

Cụ thể, xăng A92 giảm từ mức 134,48 USD/thùng trung bình trong tháng 3 xuống còn mức trung bình trong tháng 4 là 131,36 USD/thùng, tức giảm 3,11 USD/thùng.

Tương tự, trong tháng 4, dầu hỏa giảm 2,92 USD/thùng, dầu DO giảm 3,06 USD/thùng và dầu FO giảm 18,22 USD/tấn so với tháng 3/2012.

Theo tính toán, với mức giảm giá nhập khẩu như trên, mặt hàng xăng A92 đang có lời 500-600 đồng/lít.

Các đại lý bán lẻ xăng dầu cho hay do giá thế giới giảm nên doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã tăng chiết khấu cho đại lý từ mức 200-250 đồng hồi giữa tháng 4/2012 lên mức hiện nay là 400-550 đồng/lít tùy mặt hàng và đơn vị nhập khẩu.

Diễn biến, thị trường dầu thô thế giới tuần qua cho thấy, giá dầu lao dốc 6,1%, xăng hạ 5.4%, dầu sưởi rớt 5.5% nhưng khí thiên nhiên tăng 4.3%

Giá dầu tương lai lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất trong 12 tuần do lo lắng của nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế sau khi nhận được số liệu cho thấy kinh tế Mỹ tạo ít việc làm hơn dự báo trong tháng 4. Giá xăng và dầu sưởi cũng rớt xuống mức thấp nhiều tuần.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên sàn Nymex rớt 4.05 USD/thùng (4%) xuống 98.49 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 07/02. Đồng thời, đây là mức giảm mạnh nhất của giá dầu kể từ ngày 14/12/2011 xét về giá trị phần trăm.

Giá dầu thô Brent giao tháng 6 trên sàn giao dịch London sụt 2,90 USD/thùng (2.5%) xuống 113,18 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 02/02. Chênh lệch giữa giá dầu thô tương lai và giá dầu Brent tăng từ 13,54 USD lên 14,69 USD.

Các nhiên liệu khác có chung xu hướng với giá dầu. Giá xăng giao tháng 6 giảm 7 xu (2,4%) xuống 2,98 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ ngày 10/02. Như vậy, giá xăng đã lao dốc 5 phiên liên tiếp và đánh mất tổng cộng 5,4%/tuần.

Giá dầu sưởi giao tháng 6 rớt 8 xu (2,5%) xuống 3 USD/gallon, mức thấp nhất kể từ ngày 20/01. Tính cả tuần, giá dầu sưởi giảm sâu 5,5%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 23/09/2011.

Giá khí thiên nhiên giao tháng 6 hạ 6 xu (2.6%) xuống 2,28 USD/MMBtu. Tuy nhiên tính chung trong tuần qua, khí thiên nhiên tăng 4,3%, đánh dấu tuần khởi sắc thứ hai liên tiếp.

Dư luận trong nước đang rất quan tâm và chờ đợi thông tin giá xăng dầu trong nước bao giờ sẽ giảm. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định “thị trường xăng dầu trong nước không thể ngay lập tức tăng hay giảm khi giá xăng dầu thế giới có tăng hoặc giảm”.

Giải thích thêm, ông Quyền cho biết, trước yêu cầu có một thị trường ổn định, theo nguyên tắc đề ra trong Nghị định 84, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày. Do đó, nhìn từ góc độ an ninh năng lượng và đảm bảo hàng hóa tiêu dùng xăng dầu trong mọi tình huống, chúng ta phải thực hiện quá trình gồm: đặt hàng, nhập về, lưu kho và bán trên thị trường.  Cho nên không thể ngay lập tức khi giá thế giới thay đổi là nhập được ngay về và bán theo giá thay đổi đó. Theo quy định, thiết kế giá cơ sở phải lấy bình quân trong 30 ngày.

Về điều hành giá, ông Quyền cho biết, trong khoảng 10, 20, 30 ngày, tổ công tác liên Bộ Công Thương – Tài chính có trao đổi thông tin, căn cứ vào sàn giao dịch Singapore, căn cứ vào thuế khí các loại… theo Nghị định 84 để xem xét và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng theo ông Quyền, tính đến hết quý I/2012, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã lỗ khoảng 5.000 tỷ, do thực hiện bình ổn giá thời gian vừa qua, đặc biệt là khi điều chỉnh tỷ giá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên