Giá vàng năm 2013 khó vượt ngưỡng 1.800 USD/oz

(VOV) -Chốt phiên 2012, vàng trong nước tăng 3,44 triệu đồng/lượng, vàng thế giới tăng 115 USD/oz so với cuối năm 2011

Chênh lệch 5 triệu đồng/lượng không làm ảnh hưởng đến lạm phát, tỷ giá

Giá vàng trong nước chốt phiên cuối năm 2012 tại thị trường TP HCM (29/12) theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)  ở mức 45,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,32 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý mua vào vàng SJC ở mức 46,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 46,32 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng năm 2012

So với giá niêm yết phiên đầu tiên của năm 2012 ở mức 42,88 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC năm qua đã tăng 3,44 triệu đồng/lượng. Trong đó, riêng 5 tuần giảm liên tục gần đây có tổng mức giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, nhiều doanh nghiệp kim hoàn áp dụng mức chênh giá mua-bán vàng rộng, có lúc lên tới 800.000 đồng/lượng. Đây là động thái thường gặp của các công ty kinh doanh vàng vào thời điểm cuối năm. Giải thích về việc này, Công ty SJC cho biết, động thái này nhằm phòng ngừa rủi ro trong thời gian nghỉ lễ, nhất là khi người dân và doanh nghiệp có xu hướng bán vàng nhiều hơn trong những ngày gần đây.

Dấu ấn quan trọng nhất trong năm 2012 là việc Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và thông tư hướng dẫn thi hành nghị định này, có hiệu lực từ 25/5/2012. Như vậy, hoạt động kinh doanh vàng miếng chính thức bị lập lại khuôn khổ.

Theo Nghị định này, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Hoạt động mua, bán vàng miếng sẽ chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (từ ngày 10/1/2013, sẽ chỉ có 31 đơn vị được cấp phép mới được mua bán vàng miếng).

Bên cạnh đó, thương hiệu vàng SJC sẽ được chọn làm phương hiệu vàng quốc gia. sẽ xây dựng thương hiệu vàng Quốc gia. Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Cách chuyển đổi tương tự như đổi tiền, không giới hạn thời gian chuyển đổi.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu trong năm 2013 tiếp tục thực hiện xóa bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế và quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá; giám sát chặt quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD (hạn tất toán cuối cùng là 30/6/2013).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác. Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng.

Trên thị trường thế giới, ngày 29/12, giá vàng thế giới chốt phiên cuối năm 2012 ở mức 1.678,04 USD/ounce, tương đương 42,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước hơn 4,2 triệu đồng/lượng.

Trước đó, mức chênh lệch được duy trì suốt một tuần ở mức xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng,  dù giao dịch tại thị trường vô cùng ảm đạm. Trong khi đó, năm 2011, khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng, trong bối cảnh lạm phát cao đã khiến NHNN phải cho nhập vàng (riêng tháng 8/2011 các doanh nghiệp nhập 7 tấn vàng).

Phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói rằng, mức chênh lệch này tuy lớn nhưng không làm ảnh hưởng đến lạm phát, tỷ giá. Do vậy, hiện NHNN không đặt vấn đề kéo giảm mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới mà mục tiêu chỉ là bình ổn được thị trường vàng.

Lý giải cho mức chênh lệch lớn này, Thống đốc cho biết, thực sự không có cơn sốt nào mà chỉ là các tổ chức tín dụng phải mua vàng vào để tất toán, tạo ra nhu cầu lớn. Từ tháng 6 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã mua vào 60 tấn vàng, tương đương khoảng 3 tỷ USD.

Cũng theo Thống đốc, năm tới sẽ chuyển toàn bộ quan hệ huy động – cho vay vàng sang mua bán. Lúc đó, với mức chênh lệch 5 triệu đồng/lượng, tỷ giá ổn định như hiện nay, NHNN sẵn xàng xuất vàng ra bán, kinh doanh nhằm tăng dự trữ ngoại tệ cho Nhà nước.

“Thời gian tới giá vàng sẽ do NHNN điều khiển, kiến tạo theo hướng tăng thêm dự trữ ngoại hối, chuyển số vàng đó thành tiền phục vụ sản xuất kinh doanh”, Thống đốc nói.

Mức chênh lệch phụ thuộc chính sách điều hành của NHNN

Diễn biến trên thị trường vàng năm qua cho thấy, giá vàng trong nước bao giờ cũng phụ thuộc giá thế giới. Tuy nhiên, mức giá vàng trong nước là bao nhiêu phụ thuộc chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chính sách thông thoáng, liên kết được với thị trường nước ngoài thì chênh lệch giá sẽ thấp, ngược lại sẽ cao.

Điểm lại thị trường vàng thế giới năm 2012 cho thấy, giá vàng trong nước tiếp tục có những bước thăng trầm cùng giá vàng thế giới.

Đầu tháng 10/2012 sau khi Mỹ tung ra gói kích thích định lượng QE3, giá vàng thế giới đạt 1.814,90 USD/oz, lập tức kéo giá vàng trong nước lên mức 48,13 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới lúc này thấp hơn vàng trong nước khoảng 2,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới sau đó nhanh chóng hạ nhiệt trở lại theo xu hướng giảm như những năm trước, khi các nhà đầu tư bắt đầu nghỉ ngơi để chuẩn bị bước sang năm mới 2013 kéo giá trong nước giảm theo, nhưng mức giảm khiếm tốn hơn so với giá thế giới và duy trì mức chênh lệch so với giá thế giới từ khoảng 1 tuần nay ở mức trên dưới 5 triệu đồng/lượng.

Từ đầu tháng 12, giá vàng đã rời ngưỡng kháng cự 1.700 USD/oz và dao động quanh mức 1.650 USD/oz.

Giá vàng kết thúc phiên cuối năm 2012 ở mức 1.678,03 USD/oz. Tăng 115 USD so với thời điểm cuối năm 2011 và là năm tăng giá thứ 12 liên tiếp. Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương từ Châu Âu đến Trung Quốc đều chạy đua cam kết thực hiện các bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ vàng với vai trò là hàng rào chống lạm phát.

Theo đánh giá của các nhà phân tích và kinh doanh vàng, giá vàng giảm trong những ngày cuối năm là do nhu cầu vàng quí 3/2012 giảm tới 11%, mức thấp nhất từ năm 2009, chủ yếu là do kinh tế tăng chậm dần tại Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu mua vàng tại quốc gia này vốn gia tăng kể từ năm 2009 và nhu cầu về vàng tại Ấn Độ suy giảm do giá vàng tính theo rupee tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay.

Năm 2013, giá sẽ tăng nhưng khó vượt ngưỡng 1.800 USD/oz

Nhiều nhà kinh doanh vàng thế giới nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2013 do kinh tế Mỹ còn bất ổn cộng với khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục “bơm” tiền ra thị trường sẽ làm tăng áp lực lạm phát, một số nhà đầu tư sẽ tiếp tục tích lũy vàng sau khi đã tăng mua vào trong năm nay.

Giá vàng trong năm 2013 sẽ tiếp tục tăng, nhưng xác suất vượt ngưỡng 1.800 USD/oz là rất nhỏ. Giá vàng sau đó sẽ giảm dần và xu hướng giảm rõ nét sẽ xuất hiện từ năm 2014.

Với mức dự báo sơ bộ về thị trường vàng và triển vọng kinh tế thế giới, giá vàng có thể tăng nhẹ trong năm 2013 nhưng không gây ra những cú sốc như mấy năm qua do các nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc phục hồi và mở rộng sản xuất thực, sau đó giá vàng sẽ hạ nhiệt dần tùy theo kết quả vĩ mô của các nước công nghiệp phát triển, nhất là nền kinh tế Mỹ. 

Theo thông tin mới đưa, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ tín thác vàng tăng 274,3 tấn năm nay lên kỷ lục 2.632,5 tấn phiên ngày 20/12, tương đương với sản lượng khai thác vàng 1 năm trên thế giới.

Nhiều ngân hàng trung ương cũng tăng dự trữ vàng trong năm nay nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn.

Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), 2012 sẽ là năm thứ sáu liên tiếp nước này đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác vàng.

Theo số liệu mới nhất của CGA, sản lượng vàng Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2012 đạt 323 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, năm 2012 sẽ là năm thứ sáu liên tiếp nước này đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác vàng. Năm ngoái, nước này sản xuất 355 tấn vàng.

Về mặt nhu cầu, Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ vàng thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Năm 2011, Trung Quốc tiêu thụ 761,05 tấn vàng. Dự kiến năm nay Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế này.

Trung Quốc có trữ lượng vàng đã được phát hiện vào khoảng 6.328 tấn, xếp thứ ba trên thế giới. Các mỏ vàng của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở vùng phía Đông của đất nước.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Năm 2013: Tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế
Năm 2013: Tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế

(VOV) - Năm 2012 khép lại với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Năm 2013: Tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế

Năm 2013: Tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế

(VOV) - Năm 2012 khép lại với nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đã đạt được nhiều kết quả khả quan.