Giấc mơ ở cửa khẩu Bờ Y

Sau gần 2 năm khởi công, diện mạo và giá trị thực của khu kinh tế với rất nhiều tiềm năng hứa hẹn này vẫn còn có nhiều điều đáng nói.

Ngã ba Đông Dương - nơi tiếp giáp giữa Việt Nam - Lào - Campuchia, theo qui hoạch, một khu kinh tế cửa khẩu mang tầm cỡ quốc tế đang được hình thành với rất nhiều tiềm năng hứa hẹn.

Vẫn chỉ là tiềm năng

Theo qui hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Bờ Y có diện tích rộng 70.428ha, bao gồm các xã: Sa Loong, Bờ Y, Đắk Sú, Đắk Dục, Đắk Nông và thị trấn Plei Kần, thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Đã trải qua gần 2 năm khởi công, nhưng đổi thay ở đây thì vẫn chưa có gì đáng kể. Tiến độ xây dựng chậm chạp của KKTCK đã khiến nhiều người dân nơi đây lo ngại và hoài nghi. Ngay cả cán bộ các xã nằm trong dự án KKTCK cũng chưa mấy ai có thể biết hình hài và hoạt động của những công trình ở đây rồi sẽ ra sao. Theo lời ông Nguyễn Duy Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y: “Tất cả đều còn ở phía trước…”.

Một trong số những công trình đầu tiên đã đưa vào sử dụng là trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Nhưng ở đây, ngoài những chuyến xe chở gỗ qua lại, chiếc barie của trạm kiểm soát rất ít khi phải nâng lên. Ngay cạnh đó, một trung tâm thương mại bề thế với các gian hàng miễn thuế cũng trong cảnh đìu hiu không kém, hàng hoá nghèo nàn, giá cả thì đắt hơn giá trong nội địa.

Số liệu thống kê của Ban quản lý KKTCK Bờ Y cho thấy, lượng người và phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu ngày một tăng, giá trị hàng hoá năm 2008 tăng 41% so với năm 2007. Nhưng thực tế lượng tăng trên là do các doanh nghiệp Việt Nam đang giúp Bạn xây dựng công trình thuỷ điện SêKaMáng và đầu tư trồng cây công nghiệp tại Lào.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh A Tô Pư (Lào) để bàn các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát huy tốt tiềm năng 2 KKTCK quốc tế Bờ Y - Phu Cưa. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại hai bên cửa khẩu, nhất là phía Phu Cưa (Lào) quá chậm là nguyên nhân hạn chế thu hút vốn đầu tư đối với cả hai bên. Ông Nguyễn Thế Đạt, Trưởng ban quản lý KKTCK Bờ Y cho biết: “Với số vốn đầu tư 65 tỷ đồng năm 2007 và 40 tỷ đồng trong năm 2008 là quá ít để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản KKTCK. Do đó, đến thời điểm này tại KKTCK mới có 17 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn đăng ký là 247 tỷ đồng trên diện tích đất 424.268m2”.

Do chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế mà cả năm 2008, chỉ có 6 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 435,324 tỷ đồng. Đến hết quí II/2009 mới có thêm 27 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp cho các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thương mại quốc tế GIEC đã đăng ký đầu tư thực hiện 11 dự án trong KKTCK với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD vào các hạng mục như: khách sạn 5 sao, sòng bạc quốc tế, sân golf, trường đua ngựa, trung tâm hội nghị quốc tế…; Một số nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang tiếp tục tìm hiểu, khảo sát để đầu tư xây dựng sân bay, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch sinh thái như: Khu đô thị phía Đông có quy mô 160 - 200ha với mức đầu tư khoảng 31,25 triệu USD; Khu đô thị phía Bắc có quy mô 200 - 250ha với mức đầu tư khoảng 40,6 triệu USD; Khu Du lịch sinh thái hồ Đăk Sú kết hợp 2 sân golf và Khu nông nghiệp sạch diện tích khoảng 2.200ha với mức đầu tư 68,75 triệu USD; Khu kho ngoại quan với mức đầu tư 1.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, tất cả các dự án này đều đang còn nằm trên giấy.

Nỗi niềm của người dân

Những hộ dân trong các làng Iệc và Đăk Răng cùng nhiều khu làng khác phải di dời sang nơi ở mới để nhường đất cho xây dựng Khu dịch vụ - thương mại. Những ngôi nhà trong làng mới được xây dựng kiên cố, mái lợp phi-prô xi măng, công trình phụ khép kín na ná như nhau nhìn khá bắt mắt, nhưng với đồng bào Ka Dong, Giẻ Triêng thì thật lạ lẫm làm sao. Trong niềm vui về nhà mới, già làng Thao La cho biết: “Bà con vẫn nhớ những căn nhà truyền thống lắm, rồi đây sẽ phải làm quen với cuộc sống mới, nhiều hộ phải chuyển ngành nghề sản xuất vì đất nông nghiệp đã chuyển giao cho KKTCK hết rồi...”.

Khu vực tái định cư trong khu kinh tế mở Bờ Y

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2010, tất cả 6 làng của 11 dân tộc thiểu số ở Bờ Y sẽ được sắp xếp lại dân cư để nhường đất phục vụ cho quy hoạch KKTCK. Ngay khi các khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại đi vào hoạt động, 20% lao động địa phương sẽ được đưa vào làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến năm 2010, 60% dân số lao động nông nghiệp còn lại sẽ chuyển sang các ngành nghề thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.

Thế hệ già làng như Thao Chú ở Tả Ka, Thao Năng ở Đắk Mế thật khó mà hình dung đồng bào mình sắp là chủ nhân của một Trung tâm thương mại - dịch vụ quốc tế lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Phải xa ngôi nhà gỗ truyền thống và mái nhà rông, các già không lo lắng bằng việc con cháu họ sẽ được học tập và trang bị những kiến thức mới như thế nào để bắt kịp với sự phát triển của xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên