Giải bài toán đầu ra cho lúa gạo ĐBSCL

VOV.VN - Cùng với việc gia tăng về năng suất, sản lượng, người dân ĐBSCL đang cùng doanh nghiệp tìm đầu ra cho cây lúa hạt gạo của mình.

Những ngày này, khi nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa Hè Thu muộn, với giá cả tương đối thuận lợi khiến nông dân phấn khởi (khoảng 4.900 đồng/kg). Thêm vào đó, tín hiệu thị trường xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng, nên ở nhiều địa phương trong vùng, nông dân ở vùng có đê bao, thuận lợi trong canh tác được khuyến cáo có thể xuống giống thêm lúa Thu Đông.

Điều này là phù hợp trong bối cảnh kinh tế bấp bênh, trồi sụt, có tín hiệu thị trường cần giúp nông dân nắm bắt cơ hội. Song về lâu dài rất cần một chiến lược giúp nông dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung không chỉ tập trung cho sản xuất mà cần có tư duy kinh doanh trong sản xuất lúa gạo.

Điểm qua vùng lúa gạo trọng điểm ĐBSCL, sản lượng lúa gạo trong 4 năm qua luôn ở mức năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2010, sản lượng lúa gạo toàn vùng là 21,5 triệu tấn, đến năm 2013 sản lượng là 24, 8 triệu tấn (tăng hơn 3 triệu tấn); riêng trong 2014, dự báo sản lượng lúa toàn vùng đạt mức hơn 25 triệu tấn(tăng hơn 500 triệu tấn so với năm 2013), dự kiến lượng gạo hàng hóa phải tiêu thụ là 8 triệu tấn.

Nguyên nhân của việc tăng nhanh sản lượng là do quá trình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các cây trồng khác còn chậm, nhiều nơi diện tích trồng lúa luôn được mở rộng; nông hộ không chỉ làm lúa 2 vụ mà còn chủ động làm thêm vụ 3 với mong muốn kiếm thêm để bù đắp chi phí.

Về năng suất, với sự đầu tư tập trung của khoa học kỹ thuật, sự sáng tạo của nông hộ, năng suất lúa năm 2010 là 5,47 tấn/ha, thì nay tăng lên hơn 6 tấn/ha; cá biệt vụ Đông Xuân năng suất đạt hơn 8 tấn/ha.


Cây lúa ĐBSCL ngày càng gia tăng về năng suất cũng như sản lượng. (Ảnh: Lê Vĩnh Văn)
Câu hỏi đặt ra là sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL đã vượt ngưỡng cả về sản lượng và năng suất chưa? Một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này là chưa đủ, bởi ngành lúa gạo từ lâu đã được biết đến là ngành nhiều rủi ro, phụ thuộc phần nhiều vào yếu tố thời tiết, thị trường; song không phải vì vậy mà sản xuất một cách tràn lan, ồ ạt, không kiểm soát cả về sản lượng lẫn chất lượng khi có thị trường tốt và ngược lại khi không có đầu ra giá lại rớt thê thảm, ùn ứ; nông hộ điêu đứng vì sản xuất nhiều mà không có nơi tiêu thụ.

Điều này đã được chứng minh qua nhiều năm nay, cứ bước vào vụ thu hoạch rộ ở ĐBSCL, Chính phủ lại phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân với mong muốn đảm bảo cho bà con mình có lãi 30%. Đã có rất nhiều ý kiến, hội nghị phân tích về tính 2 mặt của việc thu mua lúa tạm trữ cho nông dân, bởi mục đích là hỗ trợ nông hộ song đôi khi người hưởng lợi lại là thương lái, là doanh nghiệp.

Do vậy vấn đề mấu chốt hiện nay vừa mang tính cấp bách,vừa mang tính lâu dài đối với việc sản xuất lúa gạo của nông dân ĐBSCL là cùng với việc gia tăng về năng suất, sản lượng cần giúp bà con cùng tìm đầu ra cho cây lúa hạt gạo của mình. Bởi thực tế hiện nay ở hầu hết các địa phương trong vùng, đội ngũ cán bộ khuyến nông mới chỉ đảm nhiệm được việc giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thiếu hẳn những người giúp nông dân tìm cách kinh doanh sản phẩm của mình làm ra.

Một điều dễ nhận thấy là mở bất cứ một chương trình phát thanh, truyền hình hay các phương tiện truyền thông đại chúng chuyên biệt về nông nghiệp ở trong vùng ĐBSCL sẽ thấy đa phần nội dung tập trung là hướng dẫn cách tăng năng suất và sản lượng, bảo quản sau thu hoạch mà ít đề cập đến việc giúp nông dân tìm thị trường, tìm đầu ra, kinh doanh để lúa gạo mang lạo hiệu quả cao nhất.

Người nông dân chủ động tham gia vào quá trình sản xuất lúa gạo. (Ảnh: Lê Vĩnh Văn)
Rõ ràng việc hướng dẫn để nông dân chủ động trong việc sản xuất lúa theo tín hiệu thị trường hay biết kinh doanh trong sản xuất lúa vẫn còn là một khoảng trống mà các cấp, các ngành trong vùng ĐBSCL cần quan tâm giải quyết.

Chỉ khi người trồng lúa được học tập, chuyển giao các kiến thức nền tảng của kinh tế thị trường với quan hệ cung cầu qua cầm tay chỉ việc, qua thực tiễn sản xuất của mình, bà con sẽ bớt dần phương thức canh tác theo kiểu phong trào, tự phát, thiếu liên kết; và lúc đó cũng không cần phải dùng các mệnh lệnh hành chính là chỉ được trồng 30% lúa gạo phẩm cấp thấp như nhiều năm trước mà các địa phương đã phải làm.

Thực tế hiện nay ở ĐBSCL, một số doanh nghiệp đang cùng với bà con nông dân hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất qua "cánh đồng mẫu lớn”, tổ chức việc bán cổ phần cho bà con; thu mua lúa theo giá cả ổn định, cho bà con mượn kho để tạm trữ lúa gạo.

Đây chính là cách giúp nông dân kinh doanh trong sản xuất lúa gạo; bà con không chỉ chủ động tham gia vào quá trình sản xuất ra gạo có phẩm chất cao mà còn cùng doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường ổn định, đảm bảo chỉ sản xuất theo những gì mà thị trường cần, không còn mù mờ "năm ăn năm thua”.

Theo Viện lúa ĐBSCL, vụ lúa Đông Xuân 2013-2014 và Hè Thu năm 2014, ĐBSCL đã đưa 134.000 ha vào sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Năng suất vụ Đông Xuân đạt 7,8 tấn/ha, vụ Hè Thu 7,4 tấn/ ha, cao hơn ngoài mô hình từ 0,4-0,5 tấn/ha.

Đặc biệt nhờ áp dụng tốt biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và các biện pháp canh tác tiên tiến khác chi phí giảm 2 triệu đồng/ha , lúa hàng hóa đạt chuẩn được bao tiêu 65% sản lượng với giá cao hơn lúa ngoài mô hình 100 - 200 đồng/kg, lợi nhuận cũng tăng thêm từ 4,6 - 6,9 triệu đồng/ha/vụ.

Như vậy, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, hay “cánh đồng liên kết” mà Đồng Tháp và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đang xây dựng đã khẳng định tính đúng đắn của sản xuất lúa gạo trong cơ chế thị trường hiện nay.

Rõ ràng việc hướng dẫn nông dân trồng lúa nói chung và các loại cây trồng khác nói riêng có hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định không chỉ là doanh nghiệp mà vai trò của các cấp, các ngành; trong đó không chỉ là đội ngũ các kỹ sư am hiểu cây trồng vật nuôi giúp bà con mà rất cần cả đội ngũ những người hiểu biết về dịch vụ, thương mại, thị trường nông sản hàng hóa gắn bó với bà con qua từng mùa vụ sản xuất. Các lớp dạy nghề ở nông thôn cũng nên xem trọng việc hướng dẫn bà con nông dân tìm cách tiêu thụ sản phẩm thay vì chỉ tập trung đầu tư cho sản xuất.

Như vậy với tư duy mới, người nông dân không chỉ chăm bẵm cho sản xuất, phó mặc thị trường cho các thành phần khác định đoạt, mà với tính cần cù sáng tạo, sự trợ lực của các cấp, các ngành, bà con mình thực sự trở thành một trong những chủ thể chính mang tính quyết định trong quá trình điều tiết thị trường, giá cả; đưa hạt gạo Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế; thực sự làm giàu từ ruộng đồng của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiếp tục cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa ở ĐBSCL
Tiếp tục cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa ở ĐBSCL

Các ngân hàng sẽ xem xét, cho gia hạn nợ cũ, tiếp tục cho vay mới đối với các hộ trồng lúa để có vốn duy trì sản xuất.  

Tiếp tục cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa ở ĐBSCL

Tiếp tục cho vay đẩy mạnh tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa ở ĐBSCL

Các ngân hàng sẽ xem xét, cho gia hạn nợ cũ, tiếp tục cho vay mới đối với các hộ trồng lúa để có vốn duy trì sản xuất.  

Thủ tướng dự hội nghị sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL
Thủ tướng dự hội nghị sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL

VOV.VN - Hội nghị bàn tính biện pháp cấp bách và lâu dài liên quan đến hỗ trợ tín dụng trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Thủ tướng dự hội nghị sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL

Thủ tướng dự hội nghị sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL

VOV.VN - Hội nghị bàn tính biện pháp cấp bách và lâu dài liên quan đến hỗ trợ tín dụng trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Đảm bảo sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hoá năm 2010
Đảm bảo sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hoá năm 2010

Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo, đạt 2,14 tỷ USD

Đảm bảo sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hoá năm 2010

Đảm bảo sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hoá năm 2010

Tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo, đạt 2,14 tỷ USD

Thu mua lúa gạo đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%
Thu mua lúa gạo đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương làm tốt công tác thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo ngày từ hôm nay.

Thu mua lúa gạo đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%

Thu mua lúa gạo đảm bảo cho người trồng lúa có lãi 30%

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cùng các địa phương làm tốt công tác thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo ngày từ hôm nay.