Giải quyết những hạn chế trong môi trường kinh doanh và đầu tư

Các vướng mắc về văn bản pháp lý, thủ tục hành chính, thuế, hóa đơn… đã được các Hiệp hội và doanh nghiệp thẳng thắn đưa ra.

Ngày 19/8, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chính thức công bố cuốn sách “Kiến nghị chính sách thương mại của các Hiệp hội Việt Nam”. Cuốn sách tập hợp những khó khăn của một số doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay và khuyến nghị một số biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ.

11.240 văn bản chưa xác định được còn hay hết hiệu lực

Con số này được ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), tư vấn dự án, đưa ra sau khi tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Luật Việt Nam (http://luatvietnam.vn). “Đây là một doanh nghiệp chuyên nghiên cứu về luật pháp mà còn không biết văn bản đó còn hay hết hiệu lực thì làm sao một doanh nghiệp bình thường biết được” – ông Phan Đức Hiếu bình luận.

Thực tế cho thấy, tình trạng một văn bản pháp luật hay nghị định đã hết hiệu lực nhưng không thể khẳng định là văn bản hướng dẫn là nghị định hay thông tư liên quan còn hay hết hiệu lực. Điều này gây nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc áp dụng hoặc tuân thủ qui định của pháp luật.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành cũng góp phần tạo ra tình trạng bất cập này. Trong lúc chờ văn bản hướng dẫn thi hành mới cho một văn bản pháp luật hoặc một nghị định, doanh nghiệp buộc phải sử dụng những hướng dẫn của những nghị định hoặc thông tư cũ, mặc dù theo qui định của luật hoặc nghị định mới, những văn bản hướng dẫn này đã hết hiệu lực.

Từ thực tế này, thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị phải sửa Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng: Cần xác định rõ thời hạn phải ban hành văn bản hướng dẫn; Xác định thời hạn văn bản có hiệu lực kể từ ngày văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành và yêu cầu văn bản mới ban hành phải chỉ rõ quy định (tên văn bản/hoặc điều khoản) nào sẽ hết hiệu lực thi hành.

Thực tế, thời hạn trước khi văn bản có hiệu lực phải là một nội dung thảo luận trong quá trình soạn thảo. “Quy định về hiệu lực thi hành phải ghi rõ ai và thời hạn phải hướng dẫn, tránh ghi chung chung như hiện nay “các cơ quan X,Y,Z chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành”. Bên cạnh đó, cần khuyến khích nguyên tắc soạn thảo văn bản luật, nghị định một cách chi tiết, giảm việc phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành” – ông Phan Đức Hiếu nói.

Tránh lãng phí trong sử dụng hóa đơn

Cho doanh nghiệp tự in hóa đơn là một tiến bộ lớn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2010, ông Phan Đức Hiếu khẳng định như vậy. Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010 quy định về việc sử dụng và quản lý hóa đơn. Tiếp theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 153/2010 để hướng dẫn nghị định 51. Theo các quy định trên, từ năm 2011, DN được phép đặt in hóa đơn, tự in hóa đơn và sử dụng hóa đơn điện tử.

Mặc dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn lúng túng trong việc có được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặc thù mà Bộ Tài chính đã cho phép DN in trước đây. “Nếu không cho phép DN tiếp tục sử dụng là lãng phí và gây ra những thiệt hại cho DN” – ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Ngoài ra, việc in hóa đơn và xuất hóa đơn đã gây không ít khó khăn cho DN trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đồng thời làm gia tăng đáng kể công việc không cần thiết cho hoạt động kế toán, tài chính DN.

Nguyên nhân cốt lõi của bất cập là hóa đơn trở thành một loại giấy tờ quan trọng trong quản lý và sử dụng. Nguyên nhân cơ bản của việc hóa đơn trở thành một loại giấy tờ quá quan trọng cũng như gây ra nhiều tốn kém trong việc quản lý và sử dụng nó là vì hóa đơn đang được gắn cho quá nhiều chức năng như đi đường, chứng từ thanh toán, thực hiện thuế, kế toán, quản lý thị trường, nguồn gốc hàng hóa…Ngay cả việc trả hàng về cũng phải xuất hóa đơn trả hàng. Hàng cho biếu, tặng thì vẫn coi là bán không thu tiền và tính thuế, do đó vẫn yêu cầu xuất hóa đơn và giữ lại. Thậm chí hiện nay, ngay cả tạm ứng cũng phải xuất hóa đơn. Phạt tiền cũng phải xuất hóa đơn, đi đâu cũng phải có hóa đơn.

“Thực tế, không phải giao dịch nào cũng tạo thành doanh thu của DN đó. Do đó, việc xuất hóa đơn trong mọi trường hợp có thể bóp méo tình hình tài chính của DN, tiêu tốn hóa đơn và làm cho hóa đơn trở thành quan trọng quá mức” – ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 51 và Thông tư 153, yêu cầu nội dung bắt buộc phải có tại các hóa đơn bao gồm 11 loại thông tin. Nội dung bắt buộc trên hóa đơn chủ yếu vẫn dựa trên các yêu cầu của Thông tư 120. Theo yêu cầu này, trong hóa đơn có những nội dung quá chi tiết và có thể không phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Có DN cho rằng việc yêu cầu phải có thông tin về tài khoản, địa chỉ người mua hàng không thực sự cần thiết. Theo một số chuyên gia thì trong hóa đơn thông tin quan trọng là bên bán, giá trị giao dịch và thuế GTGT.

Từ thực tế này, ông Phan Đức Hiếu đưa ra kiến nghị: “Nên xem xét giảm bớt chỉ tiêu bắt buộc đối với các hóa đơn bán hàng cho cá nhân, có giá trị nhỏ như bỏ chữ ký và con dấu của người mua, người bán. Tiếp tục cho phép sử dụng các mẫu hóa đơn đặc thù đã được Bộ Tài chính, Cục Thuế phê duyệt trước đây. Cho phép DN tự thiết kế thêm các mẫu chứng từ thay thế hóa đơn phục vụ cho họat động của DN”.

Về thời hạn nộp tờ khai thuế TNDN theo qui định là 90 ngày. Quy định này có thể phù hợp DN nhỏ, nhưng với những DN lớn đây là vấn đề khó khăn. Đặc biệt, thời điểm cuối năm rất bận rộn nên trong 90 ngày DN không thể hoàn thành được tờ khai. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị tăng lên 180 ngày, đặc biệt đối với các công ty có quy mô lớn.

Nên bỏ “trần” về chi phí quảng cáo

Theo quy định của Luật thuế TNDN thì chi phí cho marketing, quảng cáo không vượt quá 10% trên tổng chi phí. Như vậy, dù chi phí quảng cáo thực tế có thể lên tới 20% nhưng DN cũng chỉ được tính 10%. Thêm nữa, trong các hóa đơn quảng cáo, DN phải chịu thuế VAT, như vậy, DN phải chịu 2 lần thuế.

Ông Phan Đức Hiếu phân tích: Thực tế, quảng cáo là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy họat động sản xuất kinh doanh của DN. Hoạt động quảng cáo quan trọng đối với DN mới hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Việc hạn chế chi phí quảng cáo có thể vô tình làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, cản trở gia nhập thị trường của DN mới, DN vừa và nhỏ.

Quy định hạn chế chi phí quảng cáo có thể hiểu là xuất phát từ việc nhằm hạn chế gian lận thuế thông qua việc khai tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị và tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Thực tế cho thấy, việc giới hạn định mức chi phí quảng cáo, tiếp thị không là công cụ có hiệu quả để đấu tranh chống gian lận thuế nhưng lại làm ảnh hưởng đến DNVVN cũng như ảnh hưởng sức cạnh tranh của DN.

Theo đó, giải pháp được các doanh nghiệp kiến nghị là bãi bỏ hạn chế này và chi phí tính theo thực chi của DN. Việc đấu tranh chống gian lận thuế đòi hỏi sử dụng đồng thời nhiều công cụ khác nhau. Cần nghiên cứu để thu hẹp phạm vi áp dụng của quy định nói trên theo hướng: chỉ áp dụng đối với DN theo tiêu chí mức doanh thu hoặc một số loại ngành nghề kinh doanh nhất định hoặc sản phẩm, dịch vụ nhất định. “Quy định như hiện nay là không có tác dụng với những DN làm ăn chân chính” – ông Phan Đức Hiếu nói.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, các Hiệp hội, ngành hàng đề nghị cần tiếp tục hài hòa mã hàng hóa với thông lệ quốc tế, mã càng chi tiết càng giảm thiểu sự bất nhất trong việc áp mã. Việt Nam đã hài hòa 8 chữ số trong khi một số nước đã sử dụng 12 chữ số.

Trong cuốn sách này còn đề cập một số nội dung về sở hữu trí tuệ, môi trường, hạ tầng cơ sở khu, cụm công nghiệp và một số vấn đề khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên