Giảm tổn thất sau thu hoạch nông thủy sản

Vào năm 2020 giảm mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo từ 11-13% hiện nay xuống 5-6%, với ngô từ 13-15% xuống khoảng 8-9%...

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Trước mắt, các cơ chế, chính sách này áp dụng đối với lương thực gồm: lúa, ngô, cà phê, rau quả và thủy sản.

Nghị quyết 48 của Chính phủ đưa ra 13 nhóm giải pháp gồm nhiều hỗ trợ, ưu đãi nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch nông, thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân. Những giải pháp hướng tới các mục tiêu cụ thể là vào năm 2020 giảm mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo từ 11-13% hiện nay xuống 5-6%, với ngô từ 13-15% xuống khoảng 8-9%, rau quả và thủy sản từ 20% xuống dưới 10% cũng như cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%.

Để đạt được mục tiêu này, đối với lương thực gồm: lúa, ngô, Chính phủ chỉ đạo tập trung vào các khâu có mức tổn thất lớn, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa, kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến như: thu hoạch lúa bằng máy đạt một nửa vào năm 2020, xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc gạo với tổng tích lượng 4 triệu tấn có công nghệ tiên tiến…

Đối với thủy sản, xây dựng ao nuôi đảm bảo kỹ thuật, cải tiến công nghệ bảo quản, xây dựng hệ thống kho ngoại quan…Đối với cà phê, rau quả và một số nông sản khác như: cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều, Nhà nước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư sân phơi đúng kỹ thuật, máy sấy tiên tiến…

Chính phủ cũng dành nhiều ưu đãi cho tổ chức, cá nhân mua máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch. Nhà nước thực hiện miễn thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch…

Các tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch được hỗ trợ ½ chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Đồng thời, kinh phí khuyến nông hàng năm cho lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch sẽ được tăng lên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên